Việc chậm trễ lập thiết kế đô thị cũng như quy chế quản lý kiến trúc dọc
đường Phạm Văn Đồng đã tạo ra một bức tranh đô thị không đẹp
Việc chậm trễ lập thiết kế đô thị cũng như quy chế quản lý kiến trúc dọc đường Phạm Văn Đồng đã tạo ra một bức tranh đô thị không đẹp
Khoảng 5 km của dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (đường Phạm Văn Đồng) đã đưa vào khai thác từ ngày 28-9. Được đánh giá là tuyến đường nội đô đẹp của TP HCM nhưng ngay từ ngày đầu thông xe, nhiều người đã ngỡ ngàng vì những cầu thang lộ thiên từ vỉa hè nối vào nhà dân trên đường này.
Muốn vào nhà phải… lụy thang!
Căn nhà 352/3 Phan Văn Trị, phường 11, quận Gò Vấp có nền cao hơn 1 m so với mặt đường và “điểm nhấn” chính là 2 bục thang chạy ngang mặt tiền. “Khi bị giải tỏa, tôi lên UBND quận Gò Vấp xin phép xây dựng và hỏi cốt nền bao nhiêu. Họ nói cứ làm cao hơn mặt đường hiện tại 1 m. Tôi về đo lấy cốt nền cao hơn mặt đường 0,5 m, đinh ninh đường mới sẽ được nâng lên. Không ngờ, khi thi công đến nhà tôi, người ta lại cho ủi bớt. Khi đường hoàn thành, vỉa hè được lát thì nền nhà tôi cao hơn cả mét. Hai bục thang nhìn rất kỳ cục nhưng phải làm mới có thể dẫn xe ra vào nhà được” - chủ nhà phàn nàn.
Một số nhà siêu mỏng trên đường Phạm Văn Đồng
Theo ông Lý Quang Huy (54A Trần Quốc Tuấn, phường 1, quận Gò Vấp), khi sửa nhà, ông chỉ làm cao hơn mặt đường hiện hữu 5 cm. Tuy nhiên, đơn vị thi công đã ủi, hạ độ cao nền đường qua nhà ông, dẫn đến căn nhà “ngoi” hơn gần 1 m so với đường Vành đai ngoài. “Không có thông tin rõ ràng, chúng tôi ước tính xây cao độ nền nhà và hàng loạt người dân quanh khu vực đều gặp phải tình cảnh dở khóc dở cười như vậy” - ông Huy lắc đầu.
Bà Huyền, nhà cạnh ông Huy, cho biết cầu thang quá cao nên không thể tự dắt xe vào nhà. “Nhiều khi tôi phải nhờ hàng xóm dẫn xe vào giùm, còn không thì phải dựng ở vỉa hè và xích lại” - bà cho biết.
Theo quan sát của chúng tôi, dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng, khoảng 50 căn nhà có nền cao ngất. Mặt đường thấp hơn nền nhà cả mét nên nhà nào cũng làm thang để ra vào. Có nhà cầu thang quá dốc khiến việc dắt xe lên xuống gặp nhiều khó khăn, nhà khác xây cầu thang thoải hơn thì lại đổ dài ra vỉa hè…
Kỳ dị
Bên cạnh điểm nhấn cầu Bình Lợi - cầu vòm thép lớn nhất cả nước- trên đường Phạm Văn Đồng còn có các “điểm nhấn nổi bật” khác là nhiều căn nhà đủ hình dáng, màu sắc. Sau khi bị giải tỏa một phần, nhiều người đã sửa, xây lại nhà trên phần diện tích bé tí còn lại, tạo nên những căn nhà siêu mỏng. Nhiều căn hình tam giác, thậm chí ngũ giác, rất kỳ dị.
Căn nhà 123/1 Lê Lợi (phường 3, quận Gò Vấp) ngang 15 m, một cạnh sâu 3 m, một cạnh chỉ 1,5 m nhưng gia chủ cất kiên cố 5 tầng, nhìn y hệt hình thang vuông. Người thuê nhà, ông Đặng Văn Nam, cho biết gia đình có 4 người nhưng nhà quá hẹp chỉ đủ đặt cái giường với vài vật dụng sinh hoạt. “Chúng tôi rất lo lắng vì không biết chất lượng nhà như thế nào nhưng do điều kiện khó khăn nên phải chấp nhận ở tạm vậy” - ông Nam băn khoăn.
Dọc đường này có khoảng 100 căn nhà siêu mỏng. Hầu hết các căn nhà này chỉ rộng hơn 10 m2. Tại ngã tư Lê Quang Định - Vành đai ngoài (quận Gò Vấp), một cửa hàng mắt kiếng bề ngang khoảng 5 m nhưng sâu chỉ hơn 2 m. Căn nhà tam giác 104/4D Lê Lai, phường 3, quận Gò Vấp có một cạnh chưa đến 1 m, cạnh còn lại sâu 3 m nhưng được xây cao gần 15 m…
Không chỉ ngỡ ngàng với hình dáng kỳ cục của các căn nhà này, nhiều người còn băn khoăn trước độ an toàn của chúng. Bà Trần Thị Tuyết (phường 1, quận Gò Vấp) cho biết căn nhà rộng 150 m2 của bà bị giải tỏa còn chưa đến 20 m2. Tiền bồi thường nhận được không bao nhiêu, lại phải chia năm xẻ bảy nên bà đành tận dụng diện tích đất còn lại để xây nhà ở.
Biết trước nhưng bước không qua
Trước đây, khi nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa năm 2005, TP HCM yêu cầu có quy định kiến trúc vì đây là trục đường nối trung tâm thành phố với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Nhưng khi dự án hoàn thành, một bức tranh đô thị sặc sỡ lộ ra, làm tuyến đường này không xứng tầm là “đường ngoại giao” như mong muốn. Kết quả được chỉ ra là do chậm trễ trong quản lý quy hoạch, hướng dẫn thiết kế đô thị.
Để không đi vào vết xe đổ, cách đây hơn 3 năm, UBND TP HCM đã chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc sớm hoàn thành quy chế quản lý kiến trúc dọc đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (cùng với đại lộ Đông Tây và xa lộ Hà Nội). Nhiều vấn đề đã được lưu ý nhằm tránh cảnh lộn xộn, chỏi nhau. Thế nhưng, khi một phần đường Phạm Văn Đồng được đưa vào sử dụng, bức tranh kiến trúc bát nháo lại hiện ra.
Sau khi nhận tiền, bàn giao mặt bằng, người dân phải xây sửa lại nhà cửa để ổn định cuộc sống. Không có thiết kế đô thị, nhiều người phải làm nhà theo kiểu mỗi nơi một phách. Hệ quả là bức tranh đô thị lộn xộn dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng đã hình thành.
Vẻ đẹp chỉ có trên bản vẽ
Những khu vực dọc đường Phạm Văn Đồng chưa được xây dựng còn quá ít, không đủ để khi áp dụng thiết kế đô thị sẽ chỉnh trang nâng tầm tuyến đường. Nếu chỉnh trang những nơi đã xây sửa rồi thì tốn kém, lãng phí; đồng thời lại một lần nữa gây xáo trộn cuộc sống người dân.
Vì vậy, một bức tranh đô thị hài hòa theo mong muốn nhiều khả năng chỉ nằm trên bản vẽ.
|
Theo nld.com.vn