Bỏ ra trên 100 triệu đồng để sở hữu một ngôi nhà mới toanh với giấy tờ hợp lệ và tiện nghi đầy đủ? Không phải giấc mơ. Đó là sự thật đang diễn ra ở nhiều quận mới mở ở TP HCM.
Bỏ ra trên 100 triệu đồng để sở hữu một ngôi nhà mới toanh với giấy tờ hợp lệ và tiện nghi đầy đủ? Không phải giấc mơ. Đó là sự thật đang diễn ra ở nhiều quận mới mở ở TP HCM.
Khi mà thị trường nhà đất cao và trung cấp đang chững lại trong thời gian qua thì nhà "siêu rẻ" đang là món hàng bán chạy với những thủ tục đơn giản nhất. Khách mua là công nhân, người thu nhập thấp, những gia đình trẻ mới ra riêng. Người bán xem ra là những tay đầu cơ đất đai trong bối cảnh bức tranh quy hoạch ở các quận vừa lên "phố" còn sáng - tối nhập nhèm. Trên báo cũng vậy, đầy rẫy những lời quảng cáo rất hấp dẫn, giá xấp xỉ 10 lượng vàng SJC/căn.
Bình Tân - một điểm nóng đất đai của TP HCM vào thời điểm này. Dọc những con đường trong khu dân cư tương đối tấp nập đâu đâu cũng thấy những tấm biển nhận ký gửi mua bán đất, nền nhà các diện tích: 4x10m, 4x12m, 4x16m... Chưa đâu có sự xuất hiện đông đảo lực lượng cò đất và trung tâm môi giới bán chuyên nghiệp như ở đây. Một quán nước, một bà bán thuốc lá, thậm chí một nhà may cũng biết và đề bảng môi giới nhà đất.
Bà bán nước tên Tư trong khu dân cư phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân vội vã dẫn khách khi có đề nghị xem nhà khoảng 100 triệu đồng. Băng qua những con đường mà ở ngay sau lưng nó vẫn là đồng ruộng, một vài con bò vẫn nhởn nhơ gặm cỏ, bà Tư kêu khách dừng lại trước một căn nhà có số B14/12A/3D. Bà Tư giới thiệu: "Nhà ba hai mét, có người ở nhưng dọn đi rồi. Cô mới tân trang lại như mới, cứ xem đi".
Qua lớp kiếng, căn nhà hiện ra với một gác xép, bên dưới là khu công trình phụ ngăn với phòng ngoài là một bức tường mười. Sàn nhà lát gạch bông đen trắng sạch sẽ, tường sơn xanh, ổ cắm, đường dây điện đầy đủ. Bà Tư nói ở đây dùng điện lưới ngon lành, riêng nước phải bơm. Nhưng bà cam đoan: "Yên tâm đi, nước dùng thoải mái. Điện cũng thế. Nếu không có, trả lại tiền nhà một thành hai!". Hỏi đến giá tiền, bà chắc cú: "Một trăm hai nhăm triệu. Nếu mua, cô bớt được cho... một triệu tiền cà phê là cùng".
Bà Tư còn giới thiệu thêm một căn nhà giá 120 triệu. Chủ nhà là chị Ngô Thị Ngọc Bích, sinh năm 1973 trú ở quận Tân Bình. Chị Bích đang nấu ăn ở trong khu phụ, gian ngoài đứa con đang ngồi chơi một mình còn ông bố cởi trần nằm ngủ trên chiếu trúc. Gian nhà để được thêm hai chiếc xe máy phía ngoài cùng tivi, dàn máy cùng một số vật dụng gia đình nữa là chật ních trong cái nóng hầm hập của trưa hè.
Ngước lên, trần nhà lợp bằng tôn có dát lớp nhựa chống nóng. Bên tay phải nhà tựa vào nhà khác còn bên trái là đất hoang, tường nhà không trát nên trơ gạch. Cả một bức tường nhà cao và dài lẽ ra phải chêm vào một vài cây cột bê tông cho vững nhưng có lẽ để tiết kiệm chi phí nên người ta xây toàn bằng gạch, nguy cơ sụp đổ hoàn toàn dễ xảy ra.
Chị Bích lấy ra một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một giấy chuyển nhượng đất viết tay. Cả hai đều là bản photo. Giấy đất ghi tên chủ là bà Thái Thị Chạm sinh năm 1948 ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Bà Chạm được sở hữu lô đất rộng 6.999m2, chia làm 7 thửa. Ngôi nhà của chị Bích ở vào thửa đất 84.
Theo "giấy chuyển nhượng đất vĩnh viễn" viết tay thì bà Chạm đồng ý chuyển nhượng cho chị Bích thửa đất 84 với giá 10 triệu đồng. Bà Chạm đã ký tên vào giấy này còn phía người mua không có chữ ký, chính quyền địa phương cũng không. Nghĩa là sự tồn tại của ngôi nhà trên thửa đất 84 không được công nhận sự độc lập mà phải nằm chung trong sổ hồng của lô đất bà Chạm!
Chị Bích giải thích: "Giấy tờ nhà đất do bà Chạm giữ. Tôi chỉ có giấy viết tay bả bán đất vĩnh viễn cho tôi thôi. Muốn sang tên phải đến gặp bả trực tiếp". Bà Tư trấn an: "Yên tâm, bả bán rồi mình ở thoải mái. Không sao đâu !".
Theo lời giải thích của vợ chồng Bích thì không riêng nhà này mà nhiều nhà khác bà Chạm đã bán đều ở vào tình trạng tương tự: Có chung giấy tờ lô đất đứng tên bà Chạm, mua bán viết tay không qua chính quyền.
(Theo Thanh Niên)