Chất lượng nhà thấp, việc quản lý, bảo trì còn nhiều hạn chế dẫn đến các khu nhà nhanh chóng xuống cấp sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng.
Chất lượng nhà thấp, việc quản lý, bảo trì còn nhiều hạn chế dẫn đến các khu nhà nhanh chóng xuống cấp sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng. Đây là thực tế đã và đang diễn ra tại nhiều khu tái định cư (KTĐC) trên địa bàn Hà Nội, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân tại đây.
Hỏng và… chờ
Được đưa vào sử dụng từ năm 2005, KTĐC Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy được coi là một trong những KTĐC kiểu mẫu ở Thủ đô. Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào sử dụng đã xuất hiện tình trạng xuống cấp, rõ nhất là hệ thống tường nhà nhiều chỗ bị bong tróc, nứt nẻ, nước sinh hoạt ngấm từ tầng trên xuống tầng dưới… Tình trạng xuống cấp kéo dài, người dân đã nhiều lần phản ánh nhưng chưa được sửa chữa. Chưa hết, tại 3 tòa nhà B11B, B3B, B3D từ nhiều tháng nay, 1 trong 2 hệ thống thang máy của các tòa nhà đã ngừng hoạt động nhưng không hề được sửa chữa dù người dân đã báo cho Ban quản lý. Chị Yến Nhi, phòng 402, tòa nhà B3D cho biết: "Khổ nhất là vào giờ cao điểm, hàng chục người chen lấn xô đẩy, tranh nhau chui vào một thang máy để kịp giờ đi làm. Có người không chờ được đành phải đi thang bộ. Chưa hết, thang máy nhiều khi trục trặc, bấm dừng ở tầng 1 nhưng khi thang máy mở cửa lại thấy ở tầng 2, đi lên tầng 5 lúc cửa thang máy mở lại thấy ở tầng 10".
Trong khi đó, tại KTĐC Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai) tình trạng xuống cấp còn nghiêm trọng hơn. Theo ghi nhận, toàn bộ khu nhà N1, N2, N5,N7, N9, N10… của KTĐC Đồng Tàu đã xuất hiện tình trạng rêu mốc, tường ẩm ướt, gạch nền tầng để xe sụt lún, biến dạng hở cả đường ống thoát nước ngầm, vườn hoa biến thành nơi trồng rau xanh, nhiều nơi trở thành nơi tập kết rác thải sinh hoạt. Thang máy hoạt động cầm chừng. Chị Lan, một người dân sống tại nhà N5 cho biết: Chất lượng nhà xuống cấp chưa được sửa chữa chúng tôi có thể đổ lỗi do chưa có kinh phí, còn hệ thống thang máy hỏng mà đơn vị quản lý không chịu sửa chữa ngay là điều khó có thể chấp nhận được. Bởi thang máy là phương tiện đi lại chung của hàng trăm hộ dân, nên khi bị hỏng sẽ làm đảo lộn mọi sinh hoạt của người dân.
Vẫn chuyện thiếu kinh phí
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Xuân, tổ trưởng tổ quản lý nhà Nam Trung Yên cho biết: "Hiện tại, KTĐC có 3 hệ thống thang máy bị hỏng gồm B11B, B3B, B3D. Theo dự kiến, hệ thống thang máy nhà B11B, B3B sẽ được sửa chữa trong vài ngày tới. Đối với hệ thống thang máy nhà B3D, đơn vị sửa chữa đang tiến hành nhập khẩu thiết bị về sửa chữa. Tuy nhiên, bao giờ sửa chữa xong còn tùy thuộc vào tiến độ thực hiện của đơn vị bảo trì". Lý giải cho tình trạng xuống cấp của các chung cư, ông Nguyên Đức Xuân cho biết: "Sau nhiều năm đi vào hoạt động, đến thời điểm này, có nhiều gia đình chưa lần nào chịu đóng phí dịch vụ. Người dân không chịu đóng phí dịch vụ nên kinh phí dành cho việc thường xuyên bảo trì, nâng cấp các trang thiết bị đang xuống cấp rất hạn hẹp".
Trong khi đó, theo ông Lương Văn Hữu, Giám đốc Xí nghiệp quản lý khai thác khu đô thị cho biết: "Theo nguyên tắc, khi nhận được phản ánh của các Ban quản lý, Xí nghiệp phải báo cáo với công ty, từ đó mời phòng chuyên môn của Sở Xây dựng, đơn vị bảo trì xuống kiểm tra. Sau khi xác định được hỏng hóc, đơn vị bảo trì phải báo giá với xí nghiệp, sau đó Xí nghiệp phải báo giá với Sở Xây dựng. Từ đó cơ quan của Sở Tài chính tiến hành kiểm tra, xác minh giá cả. Sau khi xác minh xong, mới tiến hành sửa chữa". Cũng theo ông Hữu, để khắc phục tình trạng chậm sửa chữa, TP cần sớm có cơ chế ứng trước tiền cho Xí nghiệp, từ đó khi nhận được thông tin thang máy hay bất cứ công trình nào hỏng đơn vị có tiền sửa chữa kịp thời cho người dân, tránh tình trạng hỏng hóc kéo dài gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
(Theo KTĐT)