Giá dịch vụ ở các căn hộ do chủ đầu tư và người mua thỏa thuận chưa có sự kiểm soát của Nhà nước thường phát sinh tranh cãi khi mức giá dịch vụ nâng lên. Tại một số cao ốc ở TP HCM, giá dịch vụ đã tăng gấp đôi so với mức ban đầu.
Giá dịch vụ ở các căn hộ do chủ đầu tư và người mua thỏa thuận chưa có sự kiểm soát của Nhà nước thường phát sinh tranh cãi khi mức giá dịch vụ nâng lên. Tại một số cao ốc ở TP HCM, giá dịch vụ đã tăng gấp đôi so với mức ban đầu.
Một khách hàng mua căn hộ tại cao ốc trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TP HCM, cho biết, năm 2004 ông ký hợp đồng mua căn hộ với chủ đầu tư là Công ty TNHH Đông Dương. Hợp đồng quy định, đối với phí dịch vụ chung cư, “chi phí hằng tháng được tính theo mặt bằng giá của các tòa nhà tương tự tại khu vực TP HCM, đồng thời được sự chấp thuận của đại đa số các chủ sở hữu trong cùng tòa nhà tạm tính khoảng 20 USD/tháng cho thời điểm giá hiện tại”.
Đến tháng 6/2006, khi công trình đưa vào sử dụng thì chủ đầu tư thông báo mức phí dịch vụ là 50 USD/tháng. Mức phí này bao gồm các dịch vụ như vệ sinh, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy, hệ thống gas trung tâm...
Tìm hiểu ở nhiều căn hộ cao cấp khác tại TP HCM, khách hàng này cho rằng mức phí trên khá cao và không chấp nhận ký hợp đồng sử dụng dịch vụ. Theo ông, mức giá giữa tạm tính trong hợp đồng và giá hiện nay chênh lệch khá nhiều, chẳng khác nào đẩy khách hàng vào thế bị động khi đã lỡ góp vốn mua căn hộ.
Tuy nhiên, theo giải thích của chủ đầu tư dự án, chi phí dịch vụ ghi trong hợp đồng mới là tạm tính nên sau đó có thể thay đổi. Mặt khác khi đưa ra mức giá dịch vụ, công ty đã tham khảo ý kiến của các khách hàng. Đến nay, qua nhiều lần góp ý, công ty đã điều chỉnh mức phí dịch vụ mỗi tháng là 0,5 USD/m2.
Một cán bộ có trách nhiệm của công ty nói rằng, nếu tính theo mức giá trên, có trường hợp nộp phí dịch vụ mỗi tháng dưới 50 USD/hộ nhưng cũng có trường hợp phải trả trên 50 USD/tháng, tùy theo diện tích căn hộ nhỏ hay lớn.
Các khách hàng mua căn hộ tại chung cư Him Lam, phường 7, quận 8 cũng bức xúc. Theo hợp đồng mua bán căn hộ chung cư giữa khách hàng và Công ty TNHH Thương mại Him Lam, giá giữ xe máy mỗi tháng là 40.000 đồng/hộ, xe đạp là 15.000 đồng, duy tu bảo trì 15.000 đồng...
Song các hộ tại đây chỉ được nộp mức phí này được một thời gian, đến tháng 1/2007, công ty bắt đầu thông báo tăng phí dịch vụ chung cư. Cụ thể, giá giữ xe gắn máy tăng lên 60.000 đồng/hộ, xe đạp tăng lên 30.000 đồng, duy tu bảo trì cũng tăng gấp đôi. Ban quản lý chung cư giải thích tăng giá do thu không đủ chi.
Cần công khai việc thu, chi
Tùy theo đơn vị quản lý, tùy theo người dân sử dụng ít hay nhiều dịch vụ mà mỗi chung cư thu theo mức phí khác nhau. Các chung cư được gọi là “cao cấp” mức phí dịch vụ phổ biến từ 50-80 USD/tháng. Chủ đầu tư một dự án ở quận 1 giải thích do giá đất, chi phí dịch vụ ở khu trung tâm thường cao hơn ở các quận ven, ngoại thành nên phí dịch vụ cũng cao hơn.
Nhưng một chuyên gia kinh tế phân tích: giá thuê nhân công, chi phí điện, nước... đều được tính chung một mặt bằng giá cho toàn TP, thậm chí trên phạm vi cả nước. Vì vậy không thể nói giá dịch vụ ở khu trung tâm cao hơn giá khu vực ngoại thành để thu của khách hàng cao hơn. Còn nếu nói giá đất trung tâm cao hơn ngoại thành thì việc này đã được tính vào giá bán căn hộ chung cư cho khách hàng. Chưa kể chung cư ở trung tâm có ưu thế hơn trong việc khai thác các dịch vụ như cho thuê mặt bằng, bãi giữ xe...
Giám đốc một công ty quản lý bất động sản cho biết, không ít đơn vị quản lý muốn kinh doanh các dịch vụ để thu lợi nhuận mà các hộ dân rất khó kiểm soát. “Để khách quan, các khoản thu, chi cần được công khai. Mỗi chung cư cần có ban quản lý, đại diện các hộ dân để kiểm soát việc thu chi, bởi đó là khoản tiền do chính các hộ dân đóng góp”, giám đốc này đề xuất.
Giám đốc công ty trên cũng nói thêm qua kinh nghiệm xây dựng, quản lý một số chung cư cho thấy, nếu cung cấp đầy đủ các dịch vụ cần thiết cho khách hàng như dịch vụ bảo vệ, phòng cháy chữa cháy, thang máy, vệ sinh, hệ thống gas trung tâm... thì phí dịch vụ tối đa không quá 40 USD/tháng.
Theo bà Trần Thị Ánh Nguyệt, phó giám đốc Sở Tài chính TP HCM, hiện Nhà nước chưa có quy định về vấn đề này và cũng không thể quy định vì rất khó thực hiện. Bà Nguyệt nói rằng giá dịch vụ là sự thỏa thuận giữa khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ, cơ quan nhà nước không thể can thiệp.
(Theo Tuổi Trẻ)