Hiện nay ở TP Uông Bí có khá nhiều dự án đầu tư hạ tầng được
triển khai. Bên cạnh những dự án đã hoàn thiện góp phần tạo nên diện mạo
mới cho thành phố trẻ vẫn còn một số dự án đang bị đình trệ. Nguyên
nhân do không giải phóng được mặt bằng, chủ đầu tư không đủ năng lực
thực hiện...
Hiện nay ở TP Uông Bí có khá nhiều dự án đầu tư hạ tầng được triển khai. Bên cạnh những dự án đã hoàn thiện góp phần tạo nên diện mạo mới cho thành phố trẻ vẫn còn một số dự án đang bị đình trệ. Nguyên nhân do không giải phóng được mặt bằng, chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện...
Một trong những dự án có thời gian thực hiện lâu nhất là Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu đô thị mới Cầu Sến của Công ty TNHH Hoa Nhàn. Được UBND tỉnh phê duyệt địa điểm đầu tư từ năm 2003, đến nay đã tròn 8 năm nhưng dự án này vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Tìm hiểu nội dung vụ việc chúng tôi được biết, các phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện dự án của Công ty TNHH Hoa Nhàn đều căn cứ trên đơn giá do UBND tỉnh quy định để bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 1122/2005/QĐ-UB ngày 20-4-2005 về việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh). Trong quá trình thực hiện dự án khu đô thị mới Cầu Sến, tổng số hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi tại khu A phường Yên Thanh là 102 hộ, khu C tại xã Phương Đông 3 hộ, các hộ dân đã nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư thực hiện dự án.
Tuy nhiên đến năm 2010, các hộ dân lại quay sang đề nghị được tính hỗ trợ 20% đất ở liền kề khi thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện dự án. Đến ngày 30-6-2010, UBND tỉnh đã có công văn số 2528/UBND-TM nêu rõ: Dự án khu đô thị Cầu Sến cùng nằm trên địa bàn phường Yên Thanh, thực hiện cùng thời điểm với dự án xây dựng Nhà máy sản xuất mũ giầy xuất khẩu của Công ty TNHH Đỉnh Vàng nên UBND tỉnh đã phê duyệt đơn giá bồi thường đất nông nghiệp bằng đơn giá bồi thường đất nông nghiệp dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất mũ giầy xuất khẩu của Công ty TNHH Đỉnh Vàng, đơn giá bồi thường đất nông nghiệp trong đô thị. Đến khi thực hiện Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ không còn quy định đền bù, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư (cùng là đất nông nghiệp trong đô thị nhưng khu vực nào xen kẽ trong khu dân cư thì được hỗ trợ theo QĐ 1122/2005/QĐ của UBND tỉnh bằng 20% giá đất liền kề, khu vực nào không nằm xen kẽ trong khu dân cư thì không được hỗ trợ). Theo quy định trên đất nông nghiệp thu hồi thuộc khu A, phường Yên Thanh và khu C, xã Phương Đông của dự án không phải là đất nông nghiệp xen trong khu dân cư vì vậy không được hưởng chính sách hỗ trợ 20% giá đất ở liền kề. Tuy nhiên khi thực hiện các quy định mới, xét thấy các hộ dân được bồi thường, hỗ trợ thấp hơn so với trước, vì vậy UBND tỉnh đã có văn bản số 1353/UB ngày 13-6-2005 đồng ý giữ nguyên đơn giá đền bù tại QĐ 1322/QĐ-UB ngày 26-4-2004. Như vậy việc áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp của dự án theo NĐ 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ là đúng quy định, đồng thời UBND tỉnh cho phép vận dụng bồi thường với giá đất nông nghiệp trong đô thị là có lợi cho dân. Hiện nay một số hộ dân ở khu C vẫn chưa đồng ý nhận tiền bồi thường với lý do đơn giá bồi thường thấp.
Tương tự như dự án của Công ty TNHH Hoa Nhàn là dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng khu đô thị mới Trung tâm phường Yên Thanh do Công ty CP Đầu tư và XD Việt Long làm chủ đầu tư. Số hộ dân có đất bị thu hồi khi thực hiện dự án này là 244 trường hợp, trong đó 193 trường hợp đất nông nghiệp, 28 trường hợp đất thổ cư, 22 trường hợp di chuyển mộ. Hiện đã có 144 hộ nhận tiền đền bù, còn 98 trường hợp người dân không chịu nhận tiền đền bù, không bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư vẫn với lý do đơn giá đền bù thấp.
Theo kết quả rà soát của các cơ quan chức năng về các phương án đền bù, bồi thường GPMB khi thực hiện các dự án trên đã được UBND thành phố Uông Bí và chủ đầu tư thực hiện theo quy định của nhà nước, của tỉnh. Cụ thể: Dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng khu đô thị mới Trung tâm phường Yên Thanh được phê duyệt tháng 8-2009 vì vậy chính sách bồi thường, đền bù GPMB được áp dụng theo NĐ 197/2004/NĐ-CP và NĐ 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ, đã tính hỗ trợ 20% giá đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư, và các Quyết định số 1122/2005/QĐ-UBND, QĐ 4466/2005/QĐ-UBND của UBND tỉnh là phù hợp, thoả đáng. Ngày 20-10-2010, UBND tỉnh đã có văn bản số 4036/UBND-TM2 giao UBND TX Uông Bí (nay là TP Uông Bí) thực hiện phương án bảo vệ thi công. Tuy nhiên, cho đến nay TP Uông Bí vẫn chưa thực hiện theo công văn yêu cầu của UBND tỉnh.
Ngoài hai dự án đang bị đình trệ do không GPMB được, còn một số dự án như Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu dân cư tại phường Nam Khê do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Quảng Ninh làm chủ đầu tư, sau khi thu đủ tiền bán đất chủ đầu tư đã bỏ lửng dự án, không chịu hoàn thiện nốt cơ sở hạ tầng, GPMB dở dang, khiến hàng trăm hộ dân mua đất ở đây khốn đốn vì không làm được sổ đỏ, không được cấp giấy phép xây dựng. Theo phản ánh của các hộ dân đã mua đất ở dự án này thì hiện nay chủ đầu tư có dấu hiệu trốn tránh trách nhiệm, còn chính quyền thành phố cũng chưa có động thái nào để yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ hoàn thiện hạ tầng và bàn giao giấy tờ cho người mua.
Hiện nay trên địa bàn TP Uông Bí có khá nhiều dự án hạ tầng đang triển khai, nếu để tình trạng các dự án bị kéo dài hàng năm vì không giải phóng được mặt bằng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thiết nghĩ, đã đến lúc thành phố cần có động thái tích cực hơn cùng phối hợp với chủ đầu tư để giải quyết dứt điểm tình trạng các dự án bị đình trệ do không giải phóng được mặt bằng. Nếu trong quá trình thực hiện bồi thường, đền bù GPMB đã đúng chế độ, chính sách của Nhà nước thì ngoài việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân, Uông Bí cần phải có các biện pháp kiên quyết để bảo vệ thi công, GPMB để các dự án được triển khai đúng tiến độ.
(Theo baoquangninh)