Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi, do VCCI, Bộ Xây dựng
tổ chức ngày 16/7, tại Hà Nội, đã thu hút sự quan tâm của các doanh
nghiệp xây dựng, nhà quản lý, chuyên gia pháp lý.
Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi, do VCCI, Bộ Xây dựng tổ chức ngày 16/7, tại Hà Nội, đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp xây dựng, nhà quản lý, chuyên gia pháp lý.
Thực tế thi hành cho thấy, Luật Xây dựng 2003 đã bộc lộ một số hạn chế, trong đó hạn chế lớn nhất là chưa có các cách thức quản lý đối với các nguồn vốn đầu tư khác nhau; công tác tiền kiểm của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng bị coi nhẹ; trao nhiều quyền hạn cho chủ đầu tư trong thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán chi phí đầu tư xây dựng công trình dẫn đến việc lãng phí, thất thoát vốn đầu tư đối với các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước.
Một trong những nội dung nhận được nhiều sự đóng góp và cần thay đổi trong dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi là cấp giấy phép xây dựng .
TS Phạm Sỹ Liêm, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng chỉ nên quy định các yêu cầu và thủ tục cấp phép chứ không nên quy định chi tiết của giấy phép xây dựng.
Theo ông Liêm, Luật Xây dựng điều chỉnh những vấn đề gì cần phải được quan tâm. Ví dụ, tại các nước có nền kinh tế thị trường thì Luật Xây dựng không điều chỉnh khâu quy hoạch và lập dự án đầu tư xây dựng, vì quy hoạch thuộc hoạt động sử dụng đất đai còn lập dự án là hoạt động kinh doanh, do luật khác điều chỉnh.
Từ thực tế trên, ông Liêm đề nghị bỏ đoạn “lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng” ra khỏi định nghĩa hoạt động xây dựng và sửa đổi lại bố cục và nội dung của Luật cho thích hợp” .
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng thực tế, nhiều dự án xây dựng, nhiều khu đô thị đã xây dựng xong và bàn giao cho người mua sử dụng, nhưng chủ đầu tư hầu hết không bàn giao dự án, hạ tầng kỹ thuật và các công trình phúc lợi, công cộng cho chính quyền địa phương quản lý theo địa giới hành chính, gây mất ổn định an ninh trật tự khu vực, thất thoát thuế nhà đất, không quản lý được các biến động về nhà đất, gây khó khăn cho người dân mới đến cư trú trong việc sinh hoạt, học hành.
Để chấm dứt tình trạng này, ông Minh kiến nghị bổ sung người quyết định đầu tư xây dựng có biện pháp yêu cầu chủ đầu tư bàn giao dự án, hạ tầng kỹ thuật và các công trình phúc lợi, công cộng cho chính quyền địa phương quản lý theo quy định của pháp luật.
Ông Phan Vũ Anh, Công ty Luật TNHH Phan Anh, đề nghị dự thảo Luật vẫn nên xác định một cơ chế mở và thông thoáng hơn đối với các dự án sử dụng vốn hỗn hợp, trong đó có vốn Nhà nước.Ngoài ra, dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi còn nhận được những nội dung đóng góp quan trọng như: quy hoạch, thẩm định phê duyệt quy hoạch xây dựng; dự án đầu tư xây dựng công trình; lựa chọn nhà thầu và hợp đồng trong hoạt động xây dựng…
Theo Chinhphu.vn