Nhiều doanh nghiệp cũng đã có những giải pháp tích cực nhưng quỹ nhà ở
dành cho người thu nhập thấp và công nhân thuê vẫn không bứt phá lên
được, và vướng mắc lớn nhất chính là vốn đầu tư.
Thông tin Công ty CP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai cùng đối tác tại Bình Dương và tới đây tại Hà Nội sẽ đưa ra thị trường căn hộ rộng 30m2 giá chỉ trên dưới 150 triệu đồng đang được người dân hết sức quan tâm. Nhưng với rất nhiều rào cản, người dân liệu có dễ để tiếp cận được với căn hộ này?
Nhà ở của người thu nhập thấp hết sức "nóng"
Dù thị trường BĐS hiện nay vẫn “đóng băng” nhưng nhu cầu nhà ở của phần đông những người có thu nhập thấp là hết sức "nóng". Bởi thế thông tin Công ty CP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai cùng đối tác sẽ ra thị trường căn hộ 30m2 giá chỉ trên dưới 150 triệu đồng được xem là bước đột phá trong lĩnh vực xây dựng nhà ở dành cho người thu nhập thấp...
Đây là mức giá quá mềm, kể cả so với mức giá nhà ở vừa bán cho người thu nhập thấp ở CT1 Ngô Thì Nhậm (Hà Đông), ở Gia Lâm, Đông Anh (từ 11 đến gần 13 triệu đồng/m2). Tuy nhiên, kỳ vọng là thế, nhưng không dễ để người dân có thể tiếp cận được với các căn hộ này. Hơn nữa, với số lượng căn hộ ít ỏi, so với nhu cầu thực tế hiện nay chỉ mới như “muối bỏ bể”.
Chủ trương đẩy mạnh phát triển nhà dành cho người thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp vẫn đúng nhưng thực tế đầu tư nhiều, kết quả thu được lại chưa tương xứng với kỳ vọng của Chính phủ và người dân. Và không chỉ đến bây giờ mới có một doanh nghiệp đưa ra giải pháp thúc đẩy phát triển nhà giá thấp bằng cách xây các căn hộ có diện tích nhỏ, phù hợp với khả năng chi trả cho người dân.
Nhiều doanh nghiệp cũng đã có những giải pháp tích cực nhưng quỹ nhà ở dành cho người thu nhập thấp và công nhân thuê vẫn không bứt phá lên được, và vướng mắc lớn nhất chính là vốn đầu tư.
Tín dụng cho nhà giá thấp vẫn là cánh cửa hẹp
1/3 dân cư đô thị hiện đang gặp khó khăn về nhà ở, đặc biệt hơn 70% ở độ tuổi từ 18-30 không có nhà ở, phần đông phải ở trọ ở những nơi kém vệ sinh, tiện nghi không đầy đủ, an ninh không đảm bảo… Nguyện vọng có một nơi ở để an cư lạc nghiệp cũng hết sức khó khăn đối với nhiều người.
Ngoài quỹ đất hạn hẹp, lượng vốn ưu đãi còn quá nhỏ so với nhu cầu đầu tư của hàng trăm dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp và nhà ở cho công nhân thuê ở khắp các địa phương là nguyên nhân lớn gây cản trở cho doanh nghiệp đầu tư vào loại hình nhà ở này.
Thậm chí, nhiều dự án mặc dù đã được phép triển khai nhưng lại chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không đăng ký giao dịch bảo đảm được nên không thể vay vốn được từ phía các ngân hàng.
Trong khi đó, dù là đầu tư vào loại hình nào, với mục đích gì thì đã là doanh nghiệp kinh doanh bao giờ cũng phải có lãi họ mới làm. Làm loại nhà giá thấp và trung bình lợi nhuận chỉ 20 - 30%, nhưng chắc chắn hơn, ít rủi ro hơn vì gần với cầu thực của thị trường, khả năng chi trả của người mua. Tuy nhiên, tiến độ thanh toán có thể sẽ kéo dài hơn so với các căn hộ thương mại, điều đó đồng nghĩa, khả năng thu hồi vốn của doanh nghiệp cũng chậm hơn.
Trong khi dự án triển khai lâu, giá cả biến động, rủi ro cao, việc làm thủ tục đăng ký giao dịch cũng gặp nhiều khó khăn. Điểm vướng nữa, theo quy định các chủ đầu tư các dự án nhà ở phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 15% và 20% tổng mức đầu tư của các dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20ha và trên 20ha cũng là một khó khăn nữa cho doanh nghiệp nếu muốn thực hiện dự án.
Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo từ giờ đến cuối năm, 4 nhóm đối tượng sẽ được vay tiền từ các tổ chức tín dụng gồm: nhóm vay vốn để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của người mua; xây dựng nhà để bán, cho thuê cho người thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp… Nhưng nếu chỉ cho phép người mua vay tiền mà không cho doanh nghiệp vay để làm dự án thì họ sẽ xoay vốn ở đâu để đáp ứng nhu cầu nhà ở quá lớn của nhóm đối tượng có thu nhập thấp.
Thiết nghĩ, các ngân hàng cũng nên có những giải pháp tích cực dành cho doanh nghiệp, bởi lẽ cho vay cũng còn vì lợi ích của ngân hàng. Bởi bản thân các chủ đầu tư các dự án này đang là những “con nợ” của ngân hàng. Khi họ bán được dự án, giải ngân được vốn mới có tiền trả lại ngân hàng. Nếu để cho doanh nghiệp và những người có thu nhập thấp tự xoay sở với nhau thì vấn đề sẽ chẳng bao giờ được giải quyết.
Ý kiến của nhiều nhà đầu tư cho rằng, để thúc đẩy quỹ nhà dành cho người thu nhập thấp và nhà cho công nhân thuê cần phải đẩy mạnh nhiều nguồn lực vốn tham gia đầu tư; các cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện chương trình nhà ở này cần tiếp cận nhiều hơn đối với hình thức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và chính sách cho vay từ hệ thống các ngân hàng đóng vai trò then chốt để giải quyết bài toán này.
(Theo Tầm Nhìn)