Dù là thành phố hiện đại bậc nhất Việt Nam, Sài Gòn - TP HCM vẫn giữ được vẻ cổ kính, trầm mặc... quyến rũ đến không ngờ.
Nhà hát cổ nhất: Nhà hát lớn TP
Nhà hát lớn TP HCM (còn gọi là Nhà hát Tây) tọa lạc trên đường Ðồng Khởi, bên cạnh là hai khách sạn lớn Caravelle và Continental. Đây là nhà hát thuộc loại lâu đời nhất, do người Pháp xây dựng hoàn tất vào ngày 17/1/1900 và được xem như một địa điểm du lịch của thành phố.
Tuy nhỏ và kém tráng lệ hơn Nhà hát lớn Hà Nội, Nhà hát TP HCM vẫn giữ riêng nét đặc thù có một không hai, mang đậm nét kiến trúc "flamboyant" và tác giả của nó là kiến trúc sư Félix Olivier, Ernest Guichard và Eugène Ferret.
Cửa mặt tiền của nhà hát chịu ảnh hưởng nghệ thuật khá rõ nét của Petit Palais xây dựng cùng năm tại Pháp. Với mái vòm lớn cùng những họa tiết tinh xảo trên khu vực cửa chính, còn có tượng hai nữ thần nghệ thuật tay cầm đàn Lyre được trang trí ở cổng lối vào nhà hát. Thiết kế bên trong tân tiến với đầy đủ thiết bị âm thanh và ánh sáng hiện đại.
Năm 1956, Nhà hát được dùng làm trụ sở Hạ nghị viện chế độ cũ; tháng 5/1975 trở thành Nhà hát Thành phố. Kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP HCM, toàn bộ phần kiến trúc bên ngoài của nhà hát được phục chế lại như nguyên mẫu ban đầu. Ngoài tầng trệt, còn hai tầng lầu tổng cộng 1.800 chỗ ngồi.
Nếu trước đây, Nhà hát lớn Thành phố là nơi giải trí cho các nhân vật sang trọng của Pháp, thì nay là địa điểm quen thuộc của dân Sài Gòn. Hiện nay, nhà hát là nơi tổ chức biểu diễn sân khấu chuyên nghiệp như: biểu diễn kịch nói, cải lương, ca nhạc, múa balê, dân tộc, ôpêra cho tất cả các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước. Tại đây có thể tổ chức những buổi mít tinh, kỷ niệm những ngày lễ lớn, các hội thảo chuyên đề...
Ngôi chùa cổ nhất: Chùa Huê Nghiêm
Chùa tọa lạc ở số 208 đường Đặng Văn Bi, thị trấn Thủ Đức, huyện Thủ Đức, TP HCM; được Thiền sư Thiệt Thoại - Tánh Tường khai sơn vào thế kỷ XVIII. Nhìn bên ngoài, chùa Huê Nghiêm ngày nay mang dáng vẻ của ngôi chùa hiện đại, nhưng các gian phía trong, vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ truyền.
Tên gọi Huê Nghiêm xuất phát từ việc lấy tên bộ kinh Huê Nghiêm đặt tên chùa. Lúc đầu, chùa xây ở vùng đất thấp, cách ngôi chùa hiện nay khoảng 100m. Về sau, bà Nguyễn Thị Hiên đã hiến đất để xây dựng lại ngôi chùa.
Tại đây còn lưu truyền câu chuyện kể về bà Nguyễn Thị Hiên như sau: khi bà Hiên sắp lâm chung, bà nhờ viết trên lòng hai bàn tay một câu bằng son đỏ: “Nguyễn Thị Hiên, làng Linh Chiểu Đông, Gia Định, chùa Huê Nghiêm, An Nam”. Năm 1821, hoàng hậu nhà Thanh (Trung Quốc) hạ sinh công chúa, trên lòng bàn tay hiện rõ những chữ bằng son đỏ hệt như ở lòng bàn tay bà Hiên. Sau đó, vua Thanh sai sứ sang Việt Nam và tìm đến chùa Huê Nghiêm để tìm xác nhận điều linh ứng trên. Sứ nhà Thanh xin trùng tu chùa và xây lại ngôi mộ cho bà Hiên, đồng thời cũng hiến tặng chùa một pho tượng quan âm bằng đồng, cao 80cm.
Lịch sử ghi rằng, chùa được trùng tu nhiều lần. Lần trùng kiến lớn nhất vào cuối thế kỷ XIX do Thiền sư Đạt Lý - Huệ Lưu (đời thứ 38 dòng Lâm Tế) tổ chức. Kiến trúc chùa hiện nay được thay đổi ở những lần trùng tu vào các năm 1960, 1969 và 1990, mang dáng dấp của một ngôi chùa hiện đại. Chánh điện chùa Huệ Nghiêm bài trí tôn nghiêm, trầm mặc. Chính giữa tôn trí bộ tượng Thích Ca Tam Tôn (Phật Thích Ca, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền), ở phía trước điện thờ là thờ ba vị Di Đà Tam Tôn. Bên phải chánh điện là tượng Địa Tạng, còn bên trái là tượng Quan Âm. Trước hai tượng Địa Tạng và Quan Âm cũng ở hai góc bên trái, bên phải là hai tượng Hộ Pháp. Đặt trước chánh điện là tượng Di Lặc. Tất cả đều bằng gỗ. Có tượng bằng gỗ Gõ đỏ, có tượng bằng gỗ Giáng Hương bông, có tượng bằng cây Xuyên Mộc đều được tạo tác ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Chùa Huê Nghiêm đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam (Vietkings) công nhận là ngôi chùa có bộ cửa bằng gỗ lim khắc nổi bát bộ kim cương và thập nhị địa chi thần lớn nhất Việt Nam. Phật tử bước vào chiêm bái, nếu để ý sẽ nhận ra nét hoành tráng và đặc thù của bộ cửa mở vào chánh điện. Bộ cửa này dài 15,2m, cao 3,2m được làm bằng gỗ Lim (một loại thiết mộc) gồm 20 tấm. Trong đó, mỗi tấm cao 3,2m, ngang 0,76m. Ở hai ô cửa nằm về bên phải và bên trái của bộ cửa gồm 8 tấm khắc nổi Bát Bộ Kim Cương thì 12 tấm nằm nơi 3 ô giữa lại khắc nổi 12 vị thần biểu trưng cho Thập Nhị Địa Chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. 8 vị Kim Cương và 12 vị thần này được những người thợ khắc nổi ngay chính giữa của từng tấm với chiều cao 1,06m, ngang 0,45m.
Bộ cửa bằng gỗ Lim này được những người thợ thực hiện trong năm 2005, tạo nét điêu khắc công phu, điêu luyện, độc đáo nơi cửa Phật.
Nhà thờ cổ nhất: Nhà thờ chợ Quán
Nhà thờ Chợ Quán tọa lạc ở số 120 Trần Bình Trọng, phường 2, quận 5, TP HCM; mang kiến trúc theo kiểu Gothique, trải qua hơn 100 năm nhưng vẫn uy nghi, đồ sộ nhất khu vực chợ Lớn.
Chợ Quán là một trong những họ Đạo lâu đời nhất của Tổng giáo phận TP HCM. Nơi đây đã xây dựng ngôi nhà nguyện đầu tiên vào năm 1674 do giáo dân từ miền Bắc, Trung vào xây dựng.
Sau nhiều lần xây lại nhà thờ, năm 1887, cha xứ Nicola Ham (Tài) khởi công xây dựng nhà thờ mới. Công trình này được khánh thành vào mùng 4 tết Bính Thân (1896) và tồn tại đến nay.
(Theo Đất Việt)