Giữa đô thị hiện đại vẫn tồn tại nhiều công trình kiến trúc cổ kính, thu hút du khách khi đặt chân đến TP HCM.
> Dấu ấn Hà Nội qua những công trình nổi tiếng
Giữa đô thị hiện đại vẫn tồn tại nhiều công trình kiến trúc cổ kính, thu hút du khách khi đặt chân đến TP HCM.
Nhà hát Lớn
Nhà hát lớn TP HCM tọa lạc trên đường Ðồng Khởi, bên cạnh là hai khách sạn lớn Caravelle và Continental. Đây là mộ trong những nhà hát đầu tiên và lâu đời nhất ở Việt Nam. Công trình do người Pháp xây dựng hoàn tất vào ngày 17/1/1900 và được xem như một địa điểm du lịch của thành phố.
Tuy nhỏ và kém tráng lệ hơn Nhà hát lớn Hà Nội, Nhà hát TP HCM vẫn giữ riêng nét đặc thù có một không hai, mang đậm nét kiến trúc "flamboyant" và tác giả của nó là kiến trúc sư Félix Olivier, Ernest Guichard và Eugène Ferret.
Cửa mặt tiền của nhà hát chịu ảnh hưởng nghệ thuật khá rõ nét của Petit Palais xây dựng cùng năm tại Pháp. Với mái vòm lớn cùng những họa tiết tinh xảo trên khu vực cửa chính, còn có tượng hai nữ thần nghệ thuật tay cầm đàn Lyre được trang trí ở cổng lối vào nhà hát. Thiết kế bên trong tân tiến với đầy đủ thiết bị âm thanh và ánh sáng hiện đại.
Nhà thờ Đức Bà
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, tên đầy đủ là Vương cung thánh đường Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, là nhà thờ lớn nhất và đặc sắc nhất tại Sài Gòn, với 2 tháp chuông cao 60 mét, tọa lạc tại trung tâm thành phố (Số 1 Công trường Công xã Paris, Quận 1).
Kiến trúc nhà thờ dựa trên đồ án của kiến trúc sư J. Bourard theo kiểu Roman cải biên pha trộn nét Gotich. Năm 1895, nhà thờ xây thêm hai tháp chuông, mỗi tháp cao 57,6m và hai tháp có 6 chuông đồng lớn nặng 28,85 tấn. Trên đỉnh tháp có đính một cây thánh giá cao 3,50m, ngang 2m, nặng 600kg. Tổng thể chiều cao từ mặt đất lên đỉnh thánh giá là 60,50m.
Nhìn từ bên ngoài, toàn bộ nhà thờ từ mái đến tường là một màu đỏ gạch nung. Đặc điểm của loại gạch và ngói xây dựng nhà thờ là giữ nguyên màu từ ngày xây dựng đến nay và không hề rêu mốc. Bên trong nhà thờ khá rộng, có sức chứa 1.200 người, với hai hàng cột chính hình chữ nhật mỗi bên sáu chiếc (tổng cộng 12 chiếc) tượng trưng cho 12 vị thánh tông đồ. Ngay sau hàng cột chính là một hành lang có khá nhiều khoang có những bàn thờ nhỏ (hơn 20 bàn thờ) với các bệ thờ và tượng thánh nhỏ làm bằng đá trắng khá tinh xảo.
Hiện, nhà thờ Đức Bà trở thành một công trình tiêu biểu cho không gian đô thị cả vùng trung tâm Sài Gòn và do đó ý nghĩa về mặt biểu tượng nhiều khi còn vượt trên cả ý nghĩa công năng của nó.
Bưu điện trung tâm thành phố
Bưu điện trung tâm thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là tòa nhà được người Pháp xây dựng trong khoảng thời gian từ 1886 - 1981, có phong cách kiến trúc Gothique độc đáo, có nhiều đặc trưng của phong cách kiến trúc châu Âu và châu Á quyện vào nhau theo đồ án thiết kế của Kiến trúc sư Villedieu và phụ tá Foulhoux. Tòa nhà nằm cạnh Nhà thờ Đức Bà và gần Trung tâm mua sắm Diamond Plaza - tạo thành quần thể kiến trúc tương tác sinh động, đẹp mắt và là một khu tham quan hấp dẫn của du khách khi đến Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh.
Mặt tiền có kết cấu hình khối, với vòm cung phía trên các cửa, được trang trí theo từng ô hình chữ nhật, ghi danh những nhà phát minh ra ngành điện tín và ngành điện. Trên các ô có đắp hình các nam nữ đội vòng nguyệt quế. Hệ thống cột, trụ chính, phụ, mái hiên đều có kết cấu hình khối vuông. Trên mỗi đầu trụ, cột được chạm khắc hoa văn, phù điều công phu, tỉ mỉ. Ở mặt tiền tòa nhà có hệ thống đường viền, đường chỉ là những chuỗi hoa văn chạy ngang, tạo nên vẻ đẹp, sự cân đối và làm cho tòa nhà có vẻ như không cao lắm.
Bên trong tòa nhà là hệ thống vòm cung sát cửa chính và vòm cung dài bên trong. Vòm cung lớn được chống đỡ bởi bốn trụ sắt nằm bốn góc, mỗi cột chống đỡ bốn kèo sắt tỏa ra bốn phía. Vòm cung dài được chịu lực bởi hai hàng trụ sắt hai bên. Các điểm tiếp nối giữa trụ và kèo sắt được thiết kế công phu, chạm khắc thành những chi tiết có hoa văn đẹp. Với hệ thống vòm cung này, tòa nhà trở nên cao, rộng rãi và thoáng mát, thích hợp với một nơi thường có nhiều người ra vào.
Trụ sở UBND TP HCM
Trụ sở UBND TP HCM nằm trên một khu đất rộng giới hạn bởi đường Pasteur (phía tây), Lý Tự Trọng (phía bắc), Đồng Khởi (phía đông) và Lê Thánh Tôn (phía nam). Thời Pháp thuộc, nơi đây có các tên gọi là dinh Xã Tây, dinh Đốc Lý, là trụ sở làm việc của Hội đồng thành phố. Về sau được đổi tên là Tòa thị sảnh. Giai đoạn từ năm 1954 - 1975, gọi là Tòa đô chính Sài Gòn. Sau 30/4/1975 cho đến nay là trụ sở của UBND TP.HCM.
Việc xây cất tòa nhà này được các quan chức thực dân lưu ý đến từ năm 1871 và các năm sau đó. Nhưng mãi đến năm 1898 mới được chính thức khởi công xây dựng theo đồ án của kiến trúc sư Gardès. Phần trang trí tòa nhà lúc đầu định làm theo bản vẽ của họa sĩ Ruffier, nhưng sau lại được giao cho họa sĩ Bonnet. Năm 1909, tòa nhà được khánh thành.
Tòa nhà có cấu trúc khá đơn giản nếu nhìn về đại thể. Phần chính giữa là tháp nhọn nhô cao, hai bên có hai tầng mái cân đối. Hai phía trái, phải tòa nhà thấp hơn một chút. Phần trang trí, ngoài các họa tiết, có 3 bức tượng đắp nổi. Đó là tượng một phụ nữ và một đứa bé đang chế ngự bầy thú dữ (ở giữa) và hai phụ nữ khác trong tư thế cầm gươm (ở hai bên trái, phải). Tòa nhà này vào loại lớn và xưa của Sài Gòn, cách đây 100 năm. Thuở ấy, phía trước nhìn ra cảng Bến Nghé còn là một khoảng không. Nay là đại lộ Nguyễn Huệ.
Khách sạn Continental
Khách sạn Continental là khách sạn lịch sử nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Khách sạn bắt đầu xây vào năm 1878 dưới thời Pháp thuộc, do ông Pierre Cazeau, một nhà sản xuất vật liệu xây cất và dụng cụ trong nhà. Ông Cazeau muốn mở một khách sạn sang trọng để tiếp đón các du khách từ Pháp đến Sài Gòn sau một cuộc hải hành rất dài từ "mẫu quốc". Xây cất mất 2 năm, và Khách sạn Continental khánh thành năm 1880.
Khách sạn Continental đã tiếp đón nhiều nhân vật nổi tiếng như nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore (Giải Nobel văn chương 1913), văn hào Pháp André Malraux, văn hào Anh Graham Greene (tác giả chuyện Người Mỹ trầm lặng). Trong thời Chiến tranh Việt Nam, khách sạn cũng là nơi tụ họp của các ký giả, nhà báo, chánh khách, và thương gia ngoại quốc hoạt động tại Sài Gòn.
Chợ Bến Thành
Chợ Bến Thành do hãng thầu Brossard et Maupin khởi công xây dựng từ năm 1912 đến tháng 3/1914. Sau khi hoàn thành, người dân gọi là chợ Mới hay chợ Sài Gòn để phân biệt chợ cũ. Sau năm 1957, chợ đổi tên như hiện nay.
Chợ Bến Thành có 4 ô cửa và 4 tháp cổng có gắn đồng hồ nhìn ra 4 con đường trung tâm quận 1, lần lượt theo các hướng Bắc, Nam, Đông là đường Lê Lợi, đường Phan Bội Châu, đường Phan Chu Trinh và cổng chính có tháp cao nhìn ra quảng trường Quách Thị Trang.
Nguyễn Hoàng (TH)