Giáp Tết Nhâm Thìn 2012, trên địa bàn Hà Nội, đã có hàng trăm hộ gia đình chuyển về sống tại các khu đô thị mới.
Đối với người Á Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng, việc đón năm mới trong một ngôi nhà mới có một ý nghĩa rất đặc biệt.
Tuy nhiên, với nhiều chủ nhân của các căn hộ, biệt thự tại các khu đô thị mới, niềm vui này lại không được trọn vẹn…
Chạnh lòng tết mới không hàng xóm
Giáp Tết Nhâm Thìn 2012, trên địa bàn Hà Nội, đã có hàng trăm hộ gia đình chuyển về sống tại các khu đô thị mới. Thế nhưng, không phải gia đình nào được đón Tết trong căn nhà mới cũng có tâm trạng vui vẻ, phấn chấn.
Ông Phạm Xuân Hoàn, sống tại khu đô thị Tây Mỗ (của chủ đầu tư Viglacera) cho biết, gia đình ông chuyển về đây đã được vài tháng. Ban đầu, gia đình cảm thấy rất phấn khởi vì sẽ được đón tết tại căn nhà mới. Sau một thời gian, những vui vẻ, háo hức ban đầu dần nguội đi, vì dự án Tây Mỗ gần như đã hoàn thành và nhiều chủ hộ đã nhận bàn giao nhà nhưng không chuyển đến ở, khiến khu nhà rất vắng vẻ. Nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang vì, ngoài việc chủ nhà chỉ mua đầu cơ, không có nhu cầu ở thực thì còn do toà nhà chưa có hệ thống nước sạch. Hộ gia đình nào chấp nhận chuyển đến sinh sống ở đây đều phải thiết kế khu vực để khoan giếng, rồi xây bể lọc rất thô sơ…
Cùng tâm trạng với ông Hoàn, chị Mai Hoa, sở hữu căn liền kề tại Khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông) cho biết, chị nhận bàn giao nhà tại dự án đã lâu, nhưng phải đắn đo, cân nhắc mãi, khi các hạng mục hạ tầng và dịch vụ cơ bản mới dần được hoàn thiện, gia đình chị mới dám chuyển về sinh sống. Thế nhưng, tết này, gia đình chị sẽ rất buồn vì cả khu đô thị rộng rãi, đồng bộ lại có rất ít gia đình sinh sống. Đa số các căn nhà trị giá ngót ngét cả chục tỷ đồng tại Khu đô thị vẫn cửa đóng then cài và treo biển cho thuê nhà từ vài tháng nay.
Mặc dù phải đón một cái Tết buồn trong các khu đô thị không có người ở, nhưng những gia đình đó vẫn còn may mắn chán so với những gia đình phải đón năm mới tại những ngôi nhà trong những dự án có 4 - 5 cái “không”, như: không nước sạch; không dân cư; không trường học, trạm y tế; không người quản lý, bảo vệ và đường sá nội bộ thì sình lầy, không biết bao giờ mới được hoàn thiện... Những dự án có nhiều cái không như thế hiện có quá nhiều tại Hà Nội, mà điển hình là Khu đô thị Công viên Thiên đường Bảo Sơn, tại xã An Khánh (huyện Hoài Đức).
Được biết, phần lớn biệt thự tại dự án này, khách hàng đã nhận bàn giao từ vài năm nay. Tại thời điểm thị trường BĐS còn sốt nóng, giá mỗi căn biệt thự đều trên dưới 20 tỷ đồng, nhưng những người mua chúng có lẽ chỉ với mục đích đầu cơ, tích lũy nên đa số biệt thự vẫn trong tình trạng bỏ hoang cho cỏ mọc, rêu phủ. Gần đây, một số chủ sở hữu các căn biệt thự này đã rục rịch hoàn thiện và chuyển đến ở. Nhưng chủ nhân của những căn biệt thự tiền tỷ chẳng khác gì bị “cầm tù” giữa một ốc đảo toàn biệt thự bỏ hoang, không có hệ thống nước sạch, đường đất sình lầy, vật liệu xây dựng ngổn ngang, vỉa hè cỏ dại mọc um tùm và an ninh không đảm bảo…
Việc thị trường BĐS bị chi phối bởi yếu tố đầu cơ quá lâu khiến những người có nhu cầu mua nhà để ở lâm vào cảnh khốn đốn. Bởi trên thực tế, rất nhiều hộ gia đình tại nhiều khu đô thị đã phải sống và sẽ phải đón năm mới tại những nơi không có dân cư, không có nước sạch, không có những dịch vụ thiết yếu phục vụ cuộc sống và hạ tầng kỹ thuật thì ngổn ngang không biết bao giờ mới hoàn thiện. Chính vì thế, niềm vui đón Tết tại ngôi nhà mới không còn trọn vẹn.
Nhưng ở nhà mới vẫn hơn
Mặc dù cuộc sống tại các dự án đô thị chưa hoàn thiện là rất khó khăn, thế nhưng, được đón năm mới tại ngôi nhà mới mẻ vẫn là một niềm hạnh phúc lớn với rất nhiều gia đình.
Mặc dù dự án Chung cư cao cấp tại 257 đường Giải Phóng do Tập đoàn Hòa Phát làm chủ đầu tư vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện (tường rào chưa có, tầng trệt và tầng hầm để xe chưa làm xong) nhưng rất nhiều hộ gia đình vẫn chuyển đến, chấp nhận khắc phục tất cả những khó khăn cũng như nhiều rủi ro có thể gặp phải.
Chị Tuyết Mai, chủ căn hộ tại dự án chung cư này cho biết, do dự án chưa hoàn thiện nên các hộ dân ở đây phải đi gửi xe nơi khác. Việc sinh hoạt, đi lại của cư dân cũng gặp nhiều khó khăn, bất tiện, thậm chí có những nguy hiểm. Nhưng theo chị Mai, quyết định chuyển về nhà mới, chị sẽ tiết kiệm được một khoản tiền thuê nhà đáng kể và quan trọng hơn, gia đình chị sẽ được đón 1 năm mới trong ngôi nhà mới, điều mà gia đình chị đã mong ước từ nhiều năm nay.
(Theo ĐTCK)