Ông Nguyễn Văn Minh tại Bà Rịa - Vũng Tàu là một điển hình tiêu biểu của việc xây nhà không bản vẽ. Lẽ ra phải nhờ kiến trúc sư tư vấn, ông bà lại tự mình thiết kế theo kiểu đi “săn” ảnh đẹp và bắt chước theo đó.
Ông Nguyễn Văn Minh tại Bà Rịa - Vũng Tàu là một điển hình tiêu biểu của việc xây nhà không bản vẽ. Lẽ ra phải nhờ kiến trúc sư tư vấn, ông bà lại tự mình thiết kế theo kiểu đi “săn” ảnh đẹp và bắt chước theo đó.
Gia đình ông Minh có miếng đất nằm trên quốc lộ, bề ngang 5 m và dài 30 m. Con của ông ở nước ngoài yêu cầu ông xây căn nhà một trệt, một lầu, riêng trên lầu, sẽ xây 3 phòng ngủ, một nhà vệ sinh chung để mỗi khi về quê thì các con, cháu ông có nơi nghỉ ngơi cho thoải mái. Lẽ ra phải nhờ kiến trúc sư thiết kế hoặc tư vấn, hai ông bà lại chở nhau đi khắp nơi gần tuần lễ với chiếc máy ảnh, chụp và rửa ra đến vài chục kiểu nhà. Sau khi chọn được trong số ấy mẫu nhà ưng ý nhất, ông bà mời nhà thầu đến. Ông thầu xem qua tấm ảnh mẫu, cam kết sẽ làm được, và đưa ra con số dự trù chi phí vào khoảng 250 triệu đồng. Thế là hai bên giao kèo miệng với nhau.
Nhưng xây dựng một ngôi nhà, không đơn giản chỉ nhìn vào tấm ảnh chụp mặt tiền. Điều quan trọng chính là thiết kế xếp đặt bên trong sao cho phù hợp với sinh hoạt của chủ nhân. Mặt khác, phải biết tận dụng gió trời và ánh sáng tự nhiên để tạo sinh khí cho ngôi nhà. Ông bà Minh cũng rủi là gặp thầu “non tay”, không biết cấu trúc các phòng của nhà mẫu ra sao, nên tự mình xếp đặt. Sau 7 tháng, nhà làm xong, giá thành lên tới gần 400 triệu đồng.
Những tưởng có nhà đẹp sẽ làm ông bà sung sướng và hạnh phúc hơn, nhưng căn nhà ấy lại là nỗi xấu hổ và luôn làm cho ông bà tức giận khi ai đó đề cập đến. Bởi vì căn nhà làm xong không đúng như cam kết ban đầu, kể cả mặt tiền. Đã thế các phòng ngủ bên trong lại tối tăm và nóng nực khiến người vào ở không chịu nổi. Nhà 5 m bề ngang, nhà thầu chừa ra đến 2,5 m để trổ cầu thang nên không còn đất để xây phòng. Kết quả là ông Minh phải bỏ ra một số tiền lớn để gắn thêm điều hòa cho mỗi phòng ngủ, điều không có trong dự toán ban đầu, cũng không cần thiết với không khí thoáng đãng, trong lành ở nông thôn. Những bậc thang lại quá cao (25 cm), không phù hợp với thể hình người bình thường, nên mỗi lần lên xuống là cả một “cực hình” cho hai ông bà.
Một sai lầm trầm trọng khác trong ngôi nhà, đó là hệ thống thoát nước luôn ứ nghẹt. Do đường ống ngầm dưới nền quá nhỏ (phi 60 - đường kính 60 mm) nên chỉ sau một năm sử dụng, các chất bẩn bám khiến lòng ống bị thu hẹp lại, dòng chảy bị cản, nước dâng trên mặt nền phòng tắm mỗi khi xả nước nhiều. Trần nhà nước thấm loang lổ rêu mốc trông quá bẩn mắt. Các con về thăm cha mẹ dự định ở lại một tháng, nhưng phải ra đi sớm vì không chịu nổi nóng bức, ngột ngạt khiến mấy đứa cháu rôm sảy nổi đầy người.
Quanh vùng, không chỉ một mình ông Minh bị “dính” trường hợp như thế này. Có nhiều nhà thầu không hề học qua bất kỳ trường lớp chuyên môn nào, nhất là ở nông thôn. Thậm chí văn hóa phổ thông có khi còn chưa qua hết cấp 2. Họ thường khởi đầu công việc là anh thợ nề, nhờ “sống lâu lên lão làng”, có đủ “uy” gom thợ, biết được đầu việc là trở thành thầu. Sau khi quy tụ một số cánh thợ, họ bèn đứng ra nhận thầu. Đã có trường hợp ông thầu không đọc được bản vẽ, không hiểu các ký hiệu ghi trong đó. Đây là một sự thật phũ phàng, vô phúc cho gia chủ khi giao ngôi nhà cho họ thực hiện.
Lại có nhà thầu, vì nhận một lúc vài căn nhà mà thợ thuyền không đủ số nên phải gian lận trong các công đoạn để chạy công. Chính vì thế, nhiều căn nhà chỉ sau vài năm là nứt nẻ, thấm dột, bong tróc... xuống cấp quá nhanh.
Ở các vùng đang đô thị hóa, khi quyết định mua một chiếc xe máy giá trị chỉ mươi triệu, nhiều người hết sức đắn đo, đi dò hỏi nhiều nơi, thậm chí còn nhờ cả thợ sửa xe đi mua cùng. Sự cẩn thận như thế được xem là “khôn ngoan”. Nhưng khi xây ngôi nhà trị giá vài trăm triệu, là sản nghiệp một đời thì có gia chủ lại “ngu ngơ” đem giao phó hoàn toàn cho nhà thầu thi công.
Việc nhờ kiến trúc sư thiết kế, thực hiện bản vẽ cho ngôi nhà dĩ nhiên sẽ phải trả một khoản phí nhất định, nhưng gia chủ sẽ được bảo đảm về kỹ thuật, về giá trị không gian sử dụng và tính thẩm mỹ. Khi bàn bạc với kiến trúc sư, gia chủ cho biết ý định về ngôi nhà của mình, từ ý tưởng ấy, kiến trúc sư sẽ thể hiện ra trên giấy. Những thông số được tính toán, các bố cục không gian, chất liệu, màu sắc được chỉ định cho ngôi nhà... sẽ tránh được sự tùy tiện của nhà thầu, tránh được những sai lầm đáng tiếc về sau.
(Theo KT&ĐS)