Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 18/2013/TT-BXD (Thông tư 18) sửa đổi
bổ sung một số điều tại Thông tư 07/2013/TT-BXD về việc hướng dẫn xác
định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của
Chính phủ
Để tháo gỡ khó khăn cho gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 18/2013/TT-BXD (Thông tư 18) sửa đổi bổ sung một số điều tại Thông tư 07/2013/TT-BXD về việc hướng dẫn xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ. Ngày 15/11, Thông tư 18/2013/TT-BXD sẽ chính thức có hiệu lực.
Cụ thể, tại Điều 3 Thông tư 07 quy định về điều kiện được vay vốn thì mỗi hộ gia đình chỉ được vay một lần hỗ trợ nhà ở theo quy định. Tuy nhiên theo Thông tư 18 mới ban hành thì bổ sung thêm “Trường hợp con, cháu của chủ hộ đã lập gia đình (có Giấy chứng nhận kết hôn) và trường hợp ở nhờ nhưng có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú cùng với chủ hộ thì được coi là hộ gia đình độc lập và thuộc đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư này. Thông tư 18 bổ sung thêm về đối tượng và hộ gia đình được vay vốn là những hộ gia đình chưa có nhà ở nhưng có đất ở và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích đất ở đó nhỏ hơn diện tích đất được cấp phép xây dựng theo quy định của UBND tỉnh.
Về cách tính diện tích căn hộ, Thông tư 18 bổ sung thêm, diện tích sàn căn hộ nhà ở thương mại ghi trong hợp đồng mua, bán nhà ở hình thành trong tương lai giữa chủ đầu tư và khách hàng là diện tích căn hộ tạm tính theo thiết kế nhưng với quy mô nhỏ hơn 70m2, khi hoàn công có thể thay đổi theo thực tế nhưng không vượt quá 5%.
Về đối tượng chủ đầu tư, ngoài DN là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội và DN là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội như Thông tư 07 thì Thông tư 18 còn bổ sung thêm các đối tượng là chủ đầu tư các dự án nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp và nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, Thông tư 18 cũng bổ sung thêm đối tượng được vay vốn phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở. Trường hợp tạm trú thì phải có đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên (có thể không liên tục) và có giấy xác nhận của cơ quan bảo hiểm. Trường hợp đối tượng làm việc tại chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại địa phương nơi có dự án mà việc đóng bảo hiểm thực hiện tại địa phương nơi Cty có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện thì cũng được áp dụng quy định tại điểm này nhưng phải có giấy xác nhận của Cty về việc đóng bảo hiểm.
Trước đó, Thông tư 07 mới chỉ yêu cầu đối tượng phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án và đối tượng là trường hợp tạm trú thì phải đóng bảo hiểm từ 1 năm trở lên.
Một điểm mới của Thông tư 18 lần này là ngoài yêu cầu người đứng tên vay vốn hỗ trợ nhà ở thuộc các đối tượng quy định tại khoản 1, Điều 2 phải có xác nhận của đơn vị đang công tác về nơi công tác và thực trạng về nhà ở (theo mẫu tại Phụ lục số 01 Thông tư số 07/2013/TT-BXD ngày 15/5/2013 của Bộ Xây dựng) và chỉ xác nhận một lần; đơn vị xác nhận phải chịu trách nhiệm về nội dung xác nhận của mình thì thêm điều không yêu cầu xác nhận về điều kiện thu nhập.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 31/10, các ngân hàng đã cam kết cho vay 939 khách hàng cá nhân với số tiền là 333,1 tỷ đồng; trong đó đã giải ngân cho 905 khách hàng với dư nợ 220,9 tỷ đồng. Cụ thể, Vietinbank cam kết cho vay 253 khách hàng; Vietcombank cam kết cho vay 309 khách hàng; BIDV là 234 khách hàng; Agribank cam kết cho vay 93 khách hàng; MHB cam kết cho vay 50 khách hàng.
Ông Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam cho biết, việc sửa đổi bổ sung điều kiện vay vốn mua nhà cho người dân vào thời điểm này là quyết sách cực kỳ đúng đắn. Thông tư 18 ban hành không chỉ mở đối tượng mà điều kiện tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ nhà ở cũng được nới hơn, người dân không cần phải xác nhận về chứng minh thu nhập... Đây sẽ là cú hích mạnh giúp gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng được thông thoáng hơn, giải ngân nhanh hơn, giúp người dân tiếp cận được với căn hộ vừa túi tiền của mình.
|
Theo Baoxaydung