Thiếu chính sách hỗ trợ phát triển, các nhà đầu tư không mặn mà là một thực tế đang diễn ra tại các cụm công nghiệp (CCN) hiện nay.
Thiếu chính sách hỗ trợ phát triển, các nhà đầu tư không mặn mà là một thực tế đang diễn ra tại các cụm công nghiệp (CCN) hiện nay.
Dẫn đến mặc dù đã có quy hoạch nhưng tiến độ xây dựng hạ tầng CCN còn chậm, tỷ lệ lấp đầy so với khu công nghiệp (KCN) còn quá thấp.
Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) cho biết, cả nước đã quy hoạch phát triển 1.872 CCN, với tổng diện tích 76.520 ha. Trong đó, có 918 CCN đã được thành lập và đang hoạt động với diện tích đất khoảng 40.597 ha. Tuy nhiên, hiện diện tích đã sử dụng và cho thuê trong các CCN cả nước chỉ là 7.510 ha, chiếm 26,4% tổng diện tích các CCN đã hoạt động. Theo phản ánh của các địa phương, do khó khăn về nguồn vốn đầu tư, vốn vay nên các CCN chưa đầu tư xây dựng nhà xưởng để cho các doanh nghiệp thuê. Đặc biệt là đầu tư hệ thống công trình xử lý nước thải. Do đó, vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Nhìn chung, tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng các CCN rất chậm. Nguyên nhân chủ yếu do sức hút các nhà đầu tư vào các CNN chưa cao, công tác đền bù GPMB còn vướng mắc, chậm trễ, đơn vị đầu tư hạ tầng còn hạn chế về năng lực, vốn, nhất là các UBND cấp huyện, đơn vị sự nghiệp sử dụng vốn ngân sách để đầu tư.
Thêm nữa, các nhà đầu tư cũng kém mặn mà với CCN do hầu hết các CCN đều nằm ở các vị trí không thuận lợi về giao thông (xa các tuyến giao thông trọng điểm); địa bàn nông thôn, nơi hạ tầng công nghiệp (đường, điện, nước, bưu chính viễn thông, thị trường…) chưa phát triển. Từ thực tế trên cho thấy, xây dựng và phát triển CCN đang trở thành vấn đề cấp bách, đặc biệt trong giai đoạn phát triển khu vực nông thôn hiện nay.
Vậy, mục tiêu đến năm 2015 sẽ nâng tỷ lệ lấp đầy bình quân cả nước của các CCN đạt khoảng 50 - 55%, nâng tổng diện tích của CCN thành lập lên từ 60 - 65 nghìn ha theo đề xuất của Bộ Công Thương có thành hiện thực? Các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần có nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa để hấp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Chẳng hạn như CCN cần được ưu đãi giống như đối với KCN theo Luật Đầu tư và Nghị định 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Việc ưu đãi đầu tư đối với CCN là rất cần thiết để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy thu hút đầu tư; đồng thời đảm bảo sự ưu đãi của Nhà nước đối với CCN được ngang bằng với KCN…
Theo dự tính, tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các CCN đến năm 2015 dự kiến khoảng 100 nghìn tỷ đồng. Do vậy, CCN cần được hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư, kinh phí sự nghiệp kinh tế để lập quy hoạch phát triển CCN; căn cứ vào khả năng ngân sách địa phương quy định mức và bố trí vốn đầu tư từ ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào CCN trước khi thành lập; hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong CCN.
Bên cạnh việc mở rộng quy mô, cũng cần chú trọng các hoạt động bảo vệ môi trường CCN. Theo đó, các cơ sở sản xuất trong CCN phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc có cam kết bảo vệ môi trường theo các quy định của pháp luật. Từng bước đầu tư hệ thống xử lý chất thải đảm bảo theo các tiêu chuẩn môi trường hiện hành.
(Theo Xây dựng)