Hàng chục hội viên câu lạc bộ sân golf Vân Trì (Đông Anh, Hà Nội) đã phản đối vì chủ đầu tư tăng phí thường niên gấp 2-4 lần so với ban đầu. Không ít người đã treo thẻ trong 6 tháng để phản đối mức phí trên.
Hàng chục hội viên câu lạc bộ sân golf Vân Trì (Đông Anh, Hà Nội) đã phản đối vì chủ đầu tư tăng phí thường niên gấp 2-4 lần so với ban đầu. Không ít người đã treo thẻ trong 6 tháng để phản đối mức phí trên.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà đại diện CLB Hội viên golf Vân Trì cho biết, phí thường niên năm 2010 cho hội viên chính cùng hội kết hợp (chồng hoặc vợ hội viên chính) lần lượt là 1.080 USD và 540 USD. Năm nay, mức phí cho cả hội viên chính và kết hợp đồng loạt lên cùng mức 2.244 USD.
Theo chị, trong khi phí thường niên các sân golf khác dao động từ 800 đến 1.800 USD, thì mức 4.488 USD cho cả hội viên chính và kết hợp là cao hơn hẳn so với mặt bằng chung. “Việc hội viên kết hợp cũng phải đóng phí bằng hội viên chính là không công bằng”, chị Hà nhận xét.
Theo chị, so với lạm phát công bố trung bình khoảng 10% năm, mức tăng phí sân golf thường niên mà chủ đầu tư đưa ra cao gấp 2-4 lần như thế quả là "phi mã". Do đó, nhiều hội viên đã “treo thẻ” không lên sân chơi ít nhất trong sáu tháng để chuyển lên sân golf Tam Đảo, Đầm Vạc, Sóc Sơn, Chí Linh.
Phía hội viên đề xuất, mức tăng phí thường niên chỉ nên tăng khoảng 50% so với mức tăng mà chủ đầu tư đưa ra và không vượt quá chỉ số lạm phát mà Chính phủ công bố. Riêng mức phí hội viên kết hợp cũng không vượt quá 50%của hội viên chính thức như các sân golf khác.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Kim Joon Ki, Tổng giám đốc CLB Golf Vân Trì cho hay, sân này chỉ phục vụ cho hội viên và khách mời của hội viên. Hiện nay, sân golf Vân Trì chỉ có 268 hội viên (không kể hội viên kết hợp), trong đó có 50 người Việt Nam chưa đóng phí thường niên cho năm 2011. Ông Kim cho biết đây là sân golf đầu tiên ở Việt Nam được cấp chứng chỉ ISO 1400 về bảo vệ môi trường, có chất lượng quốc tế, do đó mức phí cũng không thể như các sân golf thông thường. Thực chất mức tăng phí thường niên 2.244 USD đã bao gồm cả thuế tiêu thụ đặc biệt 340 USD và thuế giá trị gia tăng 204 USD. Do đó, mức tăng thực chất chỉ là 1.700 USD.
Ông Kim Joon Ki cho rằng, trong 4 năm từ 2006 đến 2010, CLB chưa từng tăng phí thường niên, do đó, nếu mức phí trước đó là 1.080 USD được tăng dần trung bình 15% mỗi năm thì mức tăng lên tới 2.244 USD là hợp lý. Ngoài ra, từ tháng 12 năm 2010 sân golf Vân Trì đã đầu tư 700.000 USD thay mới toàn bộ cỏ với chi phí bảo dưỡng đắt gấp 2,5 lần sân khác. Đặc biệt CLB nâng cấp lại nhà chờ với chi phí là 100.000 USD và xây bãi đỗ ô tô ngầm lên tới hơn 1 triệu đôla Mỹ để phục vụ người chơi. Ngoài ra, công ty còn mất phí để cử cán hộ vận hành đi tập huấn nâng cao nghiệp vụ phục vụ người chơi.
Theo ông Kim, mức phí đưa ra đã được phần lớn hội viên bao gồm các quốc tịch chấp nhận và đã đóng phí thường niên nên không thể thay đổi. “Chúng tôi cam kết sẽ không tăng phí thường niên trong hai năm tới. Trong trường hợp một số hội viên không đồng ý thì công ty có thể tìm khách chuyển nhượng giúp và họ có thể chơi ở sân khác. Chúng tôi phải duy trì và nâng cao chất lượng của sân theo tiêu chuẩn quốc tế, mà chất lượng cao thì chi phí phải cao, đó là điều đương nhiên" , ông Kim Joon Ki khẳng định.
Tuy nhiên, phía hội viên cho rằng, không thể lấy lý do một thời gian dài không tăng phí để đưa ra một mức tăng kỷ lục. Các chi phí nội bộ phục vụ sân golf chủ đầu tư phải tự chịu trách nhiệm. “Nếu phí quá cao, khách hàng không chơi thì thẻ hội viên có giá trị 30 năm sẽ bị ngủ đông, thiệt thòi cho hội viên. Chúng tôi sẽ khởi kiện nếu không đạt được thỏa thuận", chị Hà cho hay. Những hội viên như chị Hà từng mua thẻ ban đầu với giá 25.000 USD. Nay giá thẻ hội viên đã lên tới 132.000 USD, chưa bao gồm phí thường niên.
Luật sư Phạm Đức Giang, trưởng phòng luật sư BMC, cho rằng, giải quyết các mâu thuẫn về việc tăng phí phải căn cứ vào hợp đồng. Trong trường hợp chủ đầu tư đưa ra mức phí quá cao, chủ đầu tư cần phải chứng minh được cơ sở tăng phí cụ thể kèm theo hóa đơn chứng từ liên quan. Ngoài ra, để tránh tranh chấp không đáng có, chủ đầu tư phải thỏa thuận với hội viên về mức phí cũng như tỷ lệ tăng phí hằng năm. “Nếu hợp đồng không ghi rõ thì khách hàng và chủ đầu tư cần ngồi lại bổ sung phụ lục hợp đồng để tránh những mâu thuẫn về sau”, ông Giang khuyên.
Dự án sân golf 18 lỗ Vân Trì đưa vào hoạt động từ năm 2007 là dự án chuyển nhượng từ chủ đầu tư là công ty TNHH Daeha sang Công ty TNHH Noble Việt Nam. Tháng 10 năm 2010, Bộ Tài nguyên Môi trường kết luận, chủ đầu tư đã dự kiến bổ sung quy hoạch chuyển 19,69 ha đất đang sử dụng mục đích sân golf làm đất ở và nhà biệt thự để bán. Thanh tra bộ khẳng định việc chuyển đổi mục đích là trái với quyết định của Thủ tướng. Do đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội không cho phép chủ đầu tư được chuyển đổi mục đích. Trả lời VnExpress.net về vấn đề này, ông Kim cho biết, công ty tuân thủ theo quy định của pháp luật. Hiện công ty chưa quyết định sẽ xây bao nhiêu cái biệt thự nhưng nếu xây cũng chỉ với mục đích cho thuê. |
(Theo Vnexpress)