Không rộng lớn, cũng không nhiều tuổi nhất, nhưng Hội An chứa đựng nhiều yếu tố của một điểm đến du lịch đậm bản sắc văn hóa và mang giá trị lịch sử cao.
Không rộng lớn, cũng không nhiều tuổi nhất, nhưng Hội An chứa đựng nhiều yếu tố của một điểm đến du lịch đậm bản sắc văn hóa và mang giá trị lịch sử cao.
Và trên hết, trong khi nhiều đô thị cổ của Việt Nam bị hủy hoại bởi sự phong hóa của thời gian, sự tàn phá của chiến tranh, của con người thì Hội An lại được gìn giữ, bảo tồn khá nguyên vẹn.
Nằm cách thành phố Đà Nẵng khoảng 20km về phía nam, phố cổ Hội An của tỉnh Quảng Nam ra đời vào khoảng cuối thế kỷ 16, Hội An đã từng có những thời kỳ hưng thịnh cao điểm vào những năm của thế kỷ 17-18. Nhưng từ khi bước sang thế kỷ 19, nơi đây bắt đầu có dấu hiệu của sự chững lại, như dấu ấn của một sự già cỗi để chỉ còn là một đô thị vang bóng một thời.
Được xây dựng với quy mô nhỏ, những con đường, những con hẻm, những mái nhà, cây cầu, hay chùa chiền, khu sinh hoạt chung tại Hội An đều nhỏ nhắn, xinh xắn.
Phố cổ Hội An là nơi còn lại tổng thể di tích đa dạng phong phú và tương đối nguyên vẹn của phố xá bến cảng, các công trình kiến trúc dân dụng, tôn giáo, cũng như những nét độc đáo trong cuộc sống hàng ngày của người dân.
Hội An từng là đô thị sầm uất gắn bó với nhiều thương gia Nhật Bản vào những năm thế kỷ 16. Nhiều dấu ấn liên quan đến văn hóa Nhật còn hiện diện nơi đây, cho thấy sự giao thương, buôn bán và giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa người Nhật với người Việt vào thời sầm uất, phồn thịnh của Hội An.
Dù là điểm đến du lịch độc đáo của Việt Nam hiện nay, các hoạt động buôn bán, tham quan ở nơi này khá bình yên, ẩn sâu trong những cửa hàng trên đường phố như không muốn làm ảnh hưởng đến không khí hoài cổ của một nơi từng là thương cảng sầm uất một thời.