Tại TP HCM hiện nay, đi đâu cũng thấy cổng chào mang tấm bảng “khu phố văn hóa” dựng lên ở đầu những con hẻm hoặc đường nhỏ dẫn vào các khu phố. Thế nhưng đằng sau những tấm bảng tự giới thiệu khu phố văn minh sạch đẹp, an toàn, không tệ nạn xã hội là những chuyện không mấy văn hóa.
Tại TP HCM hiện nay, đi đâu cũng thấy cổng chào mang tấm bảng “khu phố văn hóa” dựng lên ở đầu những con hẻm hoặc đường nhỏ dẫn vào các khu phố. Thế nhưng đằng sau những tấm bảng tự giới thiệu khu phố văn minh sạch đẹp, an toàn, không tệ nạn xã hội là những chuyện không mấy văn hóa.
Đi vào khu phố 3 trên đường Nguyễn Thái Sơn (phường 4, quận Gò Vấp), điều đập ngay vào mắt mọi người là tấm bảng khu phó văn hóa trang trọng ngay đầu hẻm.
Thế nhưng ngay bên dưới nó là một dãy hàng quán bán trái cây, xe hủ tiếu, nước giải khát... đậu chật cứng, khó khăn lắm mới len xe qua được. Con hẻm rộng chừng 2 m nhưng hàng quán đã lấn hết phân nửa.
Ở cuối hẻm, đoạn thông ra đường Lý Thường Kiệt chạy ngang qua chợ Gò Vấp cũng có một quán bán hủ tiếu lấn sang một phần lối đi. Trên đường, rác rến vương đầy. Vài công nhân vệ sinh đang tranh thủ thu dọn, nhưng sau đó lại tiếp tục có rác. Anh Trần Văn Sinh, một người dân của khu phố, chép miệng: “Rác và buôn bán lấn hẻm là chuyện thường ngày ở khu này”.
Ở khu phố 1 đường Nguyễn Tri Phương (phường 9, quận 10), quán lấn hẻm còn vô tư hơn. Mới hơn 5g chiều đã có dãy bàn ghế bán cà phê bày ra dưới lòng đường. Con hẻm rộng chừng 4 m nhưng quán đã “thò” ra gần 2 m. Phía bên kia đường, một xe đẩy bán bánh bao đậu dưới chân cổng chào cũng tranh thủ lấn lòng đường. Thành ra đầu hẻm bỗng dưng trở thành cái nút cổ chai, xe cộ đi qua phải lách tránh.
Ở mọt khu phố trên đường Lê Văn Sĩ (phường 14, quận 3), buổi tối khách ra vào tấp nập vì đây là con đường... ăn uống. Càng ở đầu đường, quán lấn ra càng bạo. Ở đầu đường bên trái, một quầy bán hủ tiếu, mì, cháo đặt hàng ghế chạy dài từ trên vỉa hè tràn xuống cả lòng đường.
Bên kia đường là quán bán sinh tố cũng tranh thủ lấn đường không thua kém. Đi dài vào trong, lòng đường cũng bị lấn chiếm tương tự với các quán bún bò, bì cuốn, nước mía... Tội nghiệp tấm bảng khu phố văn hóa ngoài đầu đường, nó lẻ loi và tối om so với ánh đèn sáng chói chang của dãy hàng quán tấp nập bên dưới.
Không chỉ ảnh hưởng chuyện buôn bán, các hẻm trong khu phố văn hóa còn phải chịu cảnh lấn chiếm của chủ thầu xây dựng nhà ở. Họ vô tư đổ gạch, cát, đá, ximăng lấn chiếm lòng đường, lòng hẻm. Thông thường, một căn nhà phải mất 5-6 tháng mới xây xong. Vậy là người đi đường và cư dân trong khu phố phải chịu đựng ngần ấy thời gian hít bụi ximăng, chịu sự cản trở giao thông, nghe tiếng ồn của máy khoan, cưa, đục.
Thậm chí, ngay cả lúc nửa đêm, khi xe tải tập kết vật liệu xây dựng thì hầu như cả khu phố không ngủ được. Anh Nguyễn Văn Dũng, ở khu phố văn hóa 14 (phường 17, quận Gò Vấp), cho biết, một năm mà cả khu phố có ba công trình xây dựng nối tiếp nhau khởi công thì coi như năm đó bà con “lãnh” hậu quả, mà chuyện này xảy ra như cơm bữa.
Tệ nạn
Hơn 10g đêm, khu phố văn hóa 3, phường 17, quận B bắt đầu tấp nập xe cộ lui tới. Đây là khu có nhiều nhà trọ, khách sạn hoạt động nên khách ra vào chủ yếu về đêm. Nhiều cô gái mặc áo hai dây, váy ngắn cũn cỡn một mình vào thẳng khách sạn. Trong một tiếng đồng hồ, có đến 4-5 cô vào một trong số 15 khách sạn của khu này.
Ông Trương Văn Ẩn, cán bộ Hội Cựu chiến binh phường, bức xúc: “Gái mại dâm hoạt động rõ ràng nhưng chẳng thấy phường nhúc nhích gì. Mà nếu có mại dâm thì đương nhiên khu phố này không đủ chuẩn để xét danh hiệu khu phố văn hóa. Cho nên người dân ở đây nói vui với nhau: Khu phố này mại dâm cũng có mà khu phố văn hóa cũng có luôn”.
Do đặc thù buôn bán về đêm, địa bàn khu phố văn hóa 5, phường 9, quận X thường đông người lui tới nhậu nhẹt. Tại đây thường xảy ra đánh nhau, thậm chí đâm chém gây thương tích. Vậy mà khu phố vẫn đàng hoàng được phong danh hiệu khu phố văn hóa.
Do chạy theo danh hiệu khu phố văn hóa nên một số phường đã cố tình giấu nhẹm những tệ nạn xảy ra trên địa bàn mình. Anh Huỳnh Thanh Quang ở phường 3, quận B kể lại: “Cuối năm 2005, nhà tôi có bị ăn trộm vào nhà lấy mất điện thoại di động và chiếc tivi. Hôm sau tôi trình báo với công an phường. Họ xuống coi qua loa hiện trường rồi rút êm, sau đó không thấy nói năng gì. Tôi lân la dò hỏi mới biết do số tiền thiệt hại chưa tới 10 triệu đồng nên họ không xử lý. Thấy tôi tức tối thì có người khuyên: Thôi chuyện lỡ rồi, có ráng điều tra cũng không bắt được trộm, mà báo lên quận không khéo lại bị rút danh hiệu khu phố văn hóa”.
Giữa năm 2006, anh Đinh Phú Quý ở phường 17, quận B lên phường xin nhập lại hộ khẩu cho con mình vừa phục hồi cai nghiện ở trại Bình Phước. Phường cứ lần lữa hoài mà không xác nhận, dù gia đình anh thường trú ở đây đã hàng chục năm qua. Anh tìm hiểu nguyên nhân thì biết được là do phường sợ ảnh hưởng đến danh hiệu khu phố văn hóa mới được cấp. Vì theo qui định, nếu khu phố có người nghiện ma túy là “rớt hạng”.
Không ít phường đã cãi nhau quyết liệt về những vụ trọng án xảy ra trên địa bàn giáp ranh, để khỏi bị cắt danh hiệu khu phố văn hóa. Phường Đa Kao (quận 1) chỉ cách phường 17 (quận Bình Thạnh) có mỗi cây cầu Điện Biên Phủ. Một lần có vụ ẩu đả nhau giữa hai nhóm thanh niên. Lúc khởi sự thì diễn ra ở phường Đa Kao, khi rượt đuổi đâm chém nhau thì chạy qua bên kia cầu, thuộc địa bàn phường 17.
Kết quả cuộc đánh nhau này là một nạn nhân tắt thở. Như vậy là có trọng án, mà theo qui chuẩn khu phố văn hóa, có trọng án thì đương nhiên bị cắt danh hiệu. Thế là phường 17 thì nói vụ án xảy ra ở phường Đa Kao, còn phường Đa Kao thì đỗ cho phường 17. Vụ việc phải nhờ tới cấp thành phố phân xử mới xong.
(Theo Tuổi Trẻ)