"Trên một quận, tuyến này thì Sở quản lý đường, tuyến kia Quận quản lý hè… rất chồng chéo. Một hè đường phố nhiều cơ quan quản lý, nhiều cơ quan được phép cấp phép…"
"Trên một quận, tuyến này thì Sở quản lý đường, tuyến kia Quận quản lý hè… rất chồng chéo. Một hè đường phố nhiều cơ quan quản lý, nhiều cơ quan được phép cấp phép….", Phó Chánh thanh tra Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Thạch Như Sỹ cho biết sau đợt kiểm tra vỉa hè, lòng đường ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
- Thanh tra Bộ GTVT vừa kết thúc đợt thanh tra việc sử dụng vỉa hè, lòng đường ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Ông có thể cho biết kết quả của đợt thanh tra này như thế nào?.
Qua công tác thanh tra vỉa hè, lòng đường đã nổi lên rất nhiều bất cập, từ hệ thống văn bản giữa các cơ quan thiếu sự thống nhất, sai phạm trong việc tổ chức thực hiện của từng cơ quan, đơn vị trong quy hoạch sử dụng lòng đường, hè phố, cấp phép các điểm trông giữ phương tiện, mức thu phí và lệ phí trông xe, các công trình xây dựng nhà cao tầng thiếu điểm đỗ và sai quy hoạch...
Ngoài ra, một số lực lượng được giao nhiệm vụ, chức năng xử lý lấn chiếm lòng đường, vỉa hè nhưng lại chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ…Tuy nhiên, sai phạm nhiều nhất trong lĩnh vực này vẫn là sử dụng quá diện tích, lấn chiếm lòng đường hè phố và thu quá giá quy định.
Tất cả những thiếu sót, bất cập trong quy hoạch và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vỉa hè sẽ được Thanh tra Bộ báo cáo trong bản kết luận thanh tra sẽ được công bố vào giữa tháng 6 để cơ quan chức năng kịp thời sửa đổi bổ sung.
- Được biết, đợt thanh tra vừa qua, Bộ GTVT đã nhằm vào cả đơn vị chuyên quản lý, cấp phép sử dụng vỉa hè, lòng đường như Sở GTVT, UBND Quận. Vậy đâu là lý do Bộ tiến hành thanh tra tất cả các cơ quan này?
Vấn đề sử dụng lòng đường, hè phố là vấn đề nhạy cảm, cũng là vấn đề rất khó trong ban hành văn bản làm sao phù hợp, khó tổ chức thực hiện, khó đảm bảo giữa nhu cầu nhân dân và quản lý nhà nước.
Sử dụng lòng đường, vỉa hè liên quan đến nhiều vấn đề: Trách nhiệm quản lý cơ quan nhà nước của UBND thành phố, các Sở GTVT, Sở Xây dựng; các cấp triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng gồm việc trông giữ phương tiện, dùng để kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng…
Mục đích của việc thanh tra là đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố của đô thị, chỉ ra những việc làm tích cực để tiếp tục phát huy. Việc thanh tra cũng đồng thời nhằm phát hiện những tồn tại, vướng mắc vi phạm để kịp thời chấn chỉnh, xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách nhằm tăng cường hiệu quả của công tác quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố theo quy định.
- Vậy qua thanh tra, đoàn phát hiện những bất cập gì trong quản lý?
Cả hai thành phố đều quan tâm và mất nhiều công sức trong việc này, song kết quả chưa được như mong muốn. Hiện tượng lấn chiếm còn nhiều và còn nhiều bất cập trong việc ban hành hệ thống văn bản.
Ví dụ như việc phân chia chức năng nhiệm vụ cho các sở hai thành phố đều giống nhau ở chỗ, chưa rõ ràng, cụ thể, thậm chí còn chồng chéo, chưa đúng chuẩn. Như quy định trong Nghị định 13 giao cho Sở Xây dựng quản lý hệ thống đèn chiếu sáng của đường là chưa chuẩn vì đó là chiếu sáng của hệ thống. Hay như việc phân quản lý về đường phố lúc giao cho sở GTVT, lúc giao cho sở xây dưng, làm cho các đơn vị, thành phố khó thực hiện.
Việc ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn của hai thành phố chưa xuyên suốt nhất quán trong từng thời kỳ, manh mún ở từng việc. Ví dụ như việc trên cùng một tuyến đường, có thời điểm thì cho phép, thời điểm sau cấm, sau đó ít lâu lại cho phép trông giữ…thay đổi liên tục làm cho thói quen sử dụng lòng đường hè phố không thành nếp.
Hoặc ở TPHCM, lúc thì tuyến đường giao cho sở quản lý cả đường cả hè, có tuyến đường lại giao cho quận quản lý vỉa hè, Sở quản lý lòng đường. Có nơi lòng đường vỉa hè lại giao cho Sở Xây dựng quản lý…
Cụ thể, tại Hà Nội, thời gian trước năm 2008 giao cho Sở GTVT cấp toàn bộ giấy phép sử dụng lòng đường, vỉa hè, cả vấn đề duy tu bảo dưỡng trên các tuyến đường có tên. Đến sau năm 2008 thì giao cho Sở quản lý lòng đường, còn quận quản lý hè và cấp phép trên hè. Đến cuối 2011 đầu 2012, lại giao cho Sở GTVT quản lý tổng thể lòng đường, vỉa hè những tuyến đường trọng điểm, tuyến đường có nguy cơ ùn tắc cao.
Như vậy, trên một quận, tuyến này thì Sở quản lý đường, tuyến kia quận quản lý hè… rất chồng chéo. Một hè đường phố nhiều cơ quan quản lý, nhiều cơ quan được phép cấp phép….Văn bản của cả hai thành phố thiếu nhất quán, xuyên suốt.
- Ông đánh giá như thế nào đối với những hiện tượng trông giữ thu phí quá giá, hoặc những bất cập trong khoán doanh thu?
Hiện nay, mức phí sử dụng lòng đường và mức thu phí trông giữ phương tiện giữa Hà Nội và TPHCM chưa thống nhất.
Cụ thể, phí sử dụng lòng đường vỉa hè Hà Nội thu 25 nghìn đồng/m2 và 45 nghìn đồng/m2 trong khi TPHCM chỉ là 12 nghìn đồng/m2 do các quận cấp lệ phí. Phí trông giữ xe ôtô ở Hà Nội là 30 nghìn đồng/2 tiếng và có nhiều mức thu do phụ thuộc vào điểm trông “thổi giá”, ôtô gửi ở TPHCM là 5 nghìn đồng/lượt xe.
Ngoài ra, mức giá trông giữ xe cũng được tính theo mét vuông sử dụng áp dụng cho tất cả các đơn vị trông giữ và tính theo phí áp dụng dựa vào doanh thu. Những cách tính này vô hình chung đã tạo nên sự lộn xộn, bất bình đẳng cạnh tranh về giá thu cho doanh nghiệp.
- Trước những tồn tại trên, sau đợt thanh tra này, Thanh tra Bộ GTVT sẽ có kiến nghị gì để có thể xử lý các vi phạm cũng như tạo sự thống nhất trong quy hoạch, cấp phép, quản lý vỉa hè lòng đường?.
Chúng ta cần xây dựng hệ thống văn bản của tất cả các cơ quan để hợp nhất và tính toán cụ thể cũng như sửa đổi các Nghị định, Thông tư có liên quan đến vỉa hè, lòng đường do không phù hợp với thời điểm này.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!.
(Theo VnMedia)