Kể từ ngày 1/9/2014, Thông tư 10/2014/TT-BXD quy định một số nội dung về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ bắt đầu có hiệu lực. Thông tư nêu rõ, nhà ở từ 7 tầng trở lên phải được thẩm tra thiết kế còn nhà 2 tầng trở xuống chủ nhà tự thực hiện khảo sát xây dựng nếu có kinh nghiệm.
Đảm bảo công tác khảo sát, thiết kế
Việc khảo sát địa chất công trình trước khi xây dựng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thiết kế xây dựng công trình. Theo Thông tư 10/2014/TT-BXD, nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng bằng hoặc nhỏ hơn 250m2, từ 2 tầng trở xuống, chủ nhà tự thực hiện khảo sát xây dựng nếu có kinh nghiệm thực hiện công việc tương tự và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng khảo sát nhằm đảm bảo an toàn công trình nhà ở và các công trình lân cận. Khuyến khích chủ nhà thuê nhà thầu khảo sát xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện khảo sát địa chất công trình. Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250m2, từ 3 tầng trở lên, chủ nhà phải thuê nhà thầu khảo sát xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện khảo sát địa chất công trình.
Thông tư cũng quy định rất cụ thể về việc thiết kế xây dựng nhà. Theo đó, nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng bằng hoặc nhỏ hơn 250m2, từ 2 tầng trở xuống thì mọi tổ chức, cá nhân được thiết kế nếu có đủ năng lực, kinh nghiệm thiết kế nhà ở có quy mô tương tự và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế. Trường hợp ở nông thôn, khi xây dựng nhà ở một tầng có kết cấu đơn giản thì không bắt buộc phải lập bản vẽ thiết kế cụ thể, chủ nhà có thể thi công theo mẫu nhà ở đã được xây dựng nhưng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng công trình nhà ở. Khuyến khích chủ nhà thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thiết kế nhà ở.
Sẽ có nhiều quy định chặt chẽ hơn trong xây dựng nhà ở riêng lẻ.
Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250m2, từ 3 tầng trở lên hoặc nhà ở trong khu di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa hoặc trường hợp nâng tầng nhà ở thì việc thiết kế phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực hoạt động thiết kế xây dựng thực hiện.
Còn đối với nhà ở từ 7 tầng trở lên, chủ nhà phải gửi hồ sơ thiết kế đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp của chính quyền địa phương ađể thẩm tra thiết kế theo quy định tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP và Thông tư số 13/2013/TT-BXD ngày 15/8/2013 của Bộ Xây dựng quy định thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình.
Quản lý khi thi công xây dựng
Theo quy định của Thông tư, trong quá trình thi công xây dựng, chủ nhà chịu trách nhiệm tổ chức giám sát hoặc ủy quyền cho người đại diện giám sát thi công xây dựng kiểm tra chất lượng vật liệu, cấu kiện xây dựng, thiết bị... trước khi đưa vào thi công xây dựng nhà ở; hệ thống cốp pha, đà giáo, giàn giáo thi công; các biện pháp bảo đảm an toàn lao động trong quá trình thi công; biện pháp che chắn để đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường cho người và công trình liền kề, lân cận.
Đối với nhà ở từ 7 tầng trở lên, ngay sau khi khởi công, chủ nhà phải gửi báo cáo đến Sở Xây dựng thông tin công trình, bao gồm tên và địa chỉ liên lạc của chủ nhà, địa điểm xây dựng, quy mô và tiến độ thi công dự kiến của công trình. Trong quá trình thi công, chủ nhà có trách nhiệm tổ chức giám sát, nghiệm thu theo quy định tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 10/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Khi hoàn thành công trình, chủ nhà có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ theo nội dung quy định gửi về Sở Xây dựng để kiểm tra trước khi đưa công trình vào sử dụng.
Ngoài ra, trước khi thi công, chủ nhà phải chủ động liên hệ với các chủ công trình liền kề, lân cận để kiểm tra hiện trạng và ghi nhận các khuyết tật của công trình liền kề, lân cận (nếu có). Trong quá trình thi công nếu phát hiện công trình liền kề, lân cận có dấu hiệu bị lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ sụp đổ do ảnh hưởng của việc xây dựng nhà ở gây ra, chủ nhà phải phối hợp với các chủ công trình liền kề, lân cận xem xét, xác định nguyên nhân và thống nhất biện pháp khắc phục. Trường hợp các bên không thống nhất thì tranh chấp phát sinh giữa chủ nhà với chủ các công trình liền kề, lân cận được giải quyết theo quy định của pháp luật.
TS.Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết: “Thông tư số 10/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng đã đặt ra nhiều quy định chặt chẽ hơn trong hoạt động xây dựng nhà ở riêng lẻ. Hoạt động xây dựng nói chung ngày càng phải theo hướng chuyên nghiệp. Tại nhiều quốc gia khác, các công trình xây dựng dù to hay nhỏ đều phải có giấy phép và tuân thủ những quy tắc chặt chẽ. Ở Việt Nam thời gian qua, việc người dân xây dựng nhà không phép, xây nhà theo kiểu tự phát khá phổ biến. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới quy hoạch và chất lượng của căn nhà. Việc Luật Xây dựng (sửa đổi) sắp có hiệu lực cùng với đó là những văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn được ban hành được kỳ vọng sẽ đưa công tác quản lý xây dựng đi vào nề nếp”.
Theo www.baoxaydung.com.vn