Ngày 14/10, lãnh đạo TP Cần Thơ đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 6/10/2006.
Ngày 14/10, lãnh đạo TP Cần Thơ đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 6/10/2006.
Theo đó, ranh giới hành chính TP Cần Thơ có diện tích 139.000 ha. Trong tương lai, TP Cần Thơ là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là đô thị cửa ngõ vùng hạ lưu sông Mekong, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh. Đến năm 2025, TP Cần Thơ có dân số từ 1,6-1,8 triệu người, đất dành cho xây dựng đô thị lên trên 22.000 ha.
Các khu ở của thành phố trong tương lai sẽ rộng từ 5.400 đến 5.800 ha:
- Khu ở hiện hữu cần được cải tạo, chỉnh trang, quản lý chặt chẽ về quy hoạch, kiến trúc, bảo vệ các di sản lịch sử kiến trúc cảnh quan có giá trị, bao gồm khu đô thị trung tâm (1.000 ha; dân số 250.000 người) gồm các khu đã xây dựng tại các phường thuộc các quận Bình Thủy, Ninh Kiều trong khu trung tâm và ven các trục đường Hòa Bình, 30/4, 3/2, Trần Hưng Đạo, quốc lộ (QL) 91 và 91B, các khu dân cư hiện hữu tại Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt (450 ha, 150.000 người).
- Các khu phát triển mới được xây dựng theo các dự án phát triển đô thị với hệ thống hạ tầng đồng bộ, kiến trúc hiện đại, bao gồm:
+ Khu ở dọc QL91B, khu phía Bắc cồn Cái Khế và quận Bình Thủy (1.200-1.300 ha; 200.000 người) cần khai thác trục ven sông Hậu, xây dựng các công trình kiến trúc cao tầng làm điểm nhấn mặt tiền mới của thành phố ven sông Hậu.
+ Khu ở ven sông Cần Thơ và khu phía Nam QL1A mới thuộc quận Cái Răng (700-800 ha; 120.000-150.000 người), bố trí chủ yếu ở các phường Hưng Phú, Hưng Thạnh, Phú An, phát triển các khu ở thấp tầng phù hợp với đặc thù vùng sông nước kết hợp với một số công trình điểm nhấn cao tầng khu vực trung tâm, ven sông Cần Thơ, sông Hậu.
+ Khu ở thuộc khu đô thị công nghiệp nặng Ô Môn được bố trí tại phía Nam sông Ô Môn và phía Đông Nam QL 91 (850; 120.000-150.000 người), phát triển các khu ở cao tầng kết hợp thấp tầng.
+ Khu ở thuộc khu đô thị công nghiệp công nghệ cao tại phía Bắc sông Ô Môn thuộc các phường Thới An, Thới Long (400-500 ha; 70.000 người). Khu đô thị được xây dựng hiện đại, gắn với cảnh quan sông nước.
+ Khu ở thuộc khu đô thị sinh thái Phong Điền bố trí ven sông Cần Thơ thuộc các xã Mỹ Khánh, Giai Xuân, Nhơn Nghĩa (350 ha; 70.000 người) phát triển các khu ở thấp tầng.
+ Khu ở tại khu vực Thốt Nốt Lộ Tẻ (600 ha; 100.000- 120.000 người).
Các khu công nghiệp (KCN), kho tàng và cảng (3.000-3.800 ha), bao gồm:
- KCN Hưng Phú 1 và Hưng Phú 2 gắn với cảng Cái Cui (600-700 ha).
- KCN và cảng Ô Môn: công nghiệp nặng gắn với các nhà máy điện và xi măng (800- 900 ha).
- Khu công nghệ cao Bắc Ô Môn khoảng 400 ha.
- KCN kho cảng Thốt Nốt ven sông Hậu và kênh Cái Sắn (1.000-1.200 ha).
- Hệ thống cảng và kho hàng hóa gồm cảng quốc tế tại Cái Răng; cảng cho các KCN tại Trà Nóc, Thốt Nốt; cảng du lịch tại Ninh Kiều (khoảng 300 ha).
Thành phố Cần Thơ sẽ bố trí quỹ đất dự trữ khoảng 4.000 ha tại các nông trường Sông Hậu, Cờ Đỏ để phát triển công nghiệp và đô thị khi cần thiết.
Các trung tâm dịch vụ và chuyên ngành:
- Trung tâm cấp vùng (400-500 ha), bao gồm:
+ Trung tâm tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, dịch vụ thương mại-du lịch (150 ha) được bố trí tại trung tâm các quận Ninh Kiều, Bình Thủy; khu đô thị mới Nam sông Cần Thơ và các cồn trên sông Hậu.
+ Trung tâm thể thao vùng (120 ha) được bố trí trên trục QL 91B thuộc quận Bình Thủy.
+ Trung tâm Văn hóa Tây Đô rộng 120 ha bố trí tại khu đô thị mới Nam sông Cần Thơ, quận Cái Răng.
+ Trung tâm Thương mại vùng bố trí tại các quận huyện Cái Răng, Ninh Kiều, Thốt Nốt.
+ Trung tâm Y tế vùng bố trí trên trục QL 91B, kết hợp xây dựng các bệnh viện chuyên ngành tại khu đô thị công nghệ cao.
+ Khu Du lịch sinh thái được bố trí tại quận Bình Thủy và huyện Phong Điền.
- Trung tâm hành chính, văn hóa, dịch vụ thương mại của thành phố (120 ha) được bố trí tại quận Ninh Kiều và khu đô thị mới Nam sông Cần Thơ.
- Trung tâm các khu đô thị (100-120 ha): bố trí tại tại khu đô thị Nam Cần Thơ, khu đô thị công nghiệp nặng Ô Môn, khu đô thị công nghệ cao Ô Môn, khu đô thị công nghiệp dịch vụ Thốt Nốt, khu đô thị sinh thái Phong Điền.
- Trung tâm chuyên ngành nông nghiệp kỹ thuật cao bố trí tại khu vực Viện lúa ĐBSCL.
Các khu cây xanh, công viên mặt nước rộng 3.000 ha, bao gồm:
- Khu công viên đô thị (700-800 ha) được bố trí ven sông Hậu, sông Cần Thơ và tại các khu đô thị.
- Khu Du lịch sinh thái Cồn Ấu, Cồn Sơn, Cù lao Tân Lộc khoảng 1.300 ha.
- Khu Du lịch sinh thái vườn cây ăn trái, hồ và sông, rạch (250-300 ha) bố trí tại khu đô thị sinh thái Phong Điền.
- Các khu sân golf (500-600 ha) được bố trí tại các quận Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng.
- Vùng ngoại thành với chức năng là vùng phát triển các đô thị vệ tinh, vùng đệm, vùng sinh thái và phát triển du lịch, bao gồm:
+ Các cơ sở nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm lúa, hoa màu, cây ăn trái, giống gia cầm, gia súc, giống tôm, cá (khoảng 200 ha).
+ Các thị trấn trung tâm của các huyện và khu vực ngoại thành các thị trấn Vĩnh Thạnh, Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh), Cờ Đỏ, Thới Lai (huyện Cờ Đỏ).
Đất dành cho phát triển giao thông khoảng 4.090 ha trong đó giao thông đối ngoại 2.210 ha, giao thông nội thị 1.880 ha.
- Giao thông đối ngoại:
+ Đường bộ: QL 1A (đoạn đi qua TPCT có lộ giới 80 m), QL 80 (đoạn đi qua khu dân cư có lộ giới 45 m), QL 91B nối dài xuống phía Nam (đường Nam sông Hậu có lộ giới 80 m), tuyến cao tốc dự kiến nối QL 80 và đường N2 đi qua tỉnh An Giang (lộ giới 95 m).
+ Đường thủy: gồm tuyến giao thông thủy quốc tế trên sông Hậu; giao thông thủy nội vùng gồm các tuyến kênh Cái Sắn, sông Cần Thơ, kênh xáng Xà No, rạch Ô Môn, rạch Thốt Nốt.
+ Đường sắt: kết hợp với cầu qua sông Hậu tại khu vực quận Ô Môn, vượt qua QL 91C đi Long Xuyên, Cà Mau và nối với cảng Cái Cui.
+ Đường hàng không: sân bay Trà Nóc được nâng cấp và mở rộng thành cảng hàng không quốc tế.
- Giao thông đối nội:
+ Đường bộ:
* Các trục dọc gồm: QL 91 hiện hữu từ giao lộ với đường Hùng Vương kéo dài tới Ô Môn trở thành trục chính đô thị (lộ giới 40 m), đường Mậu Thân nối dài từ đường Nguyễn Văn Cừ đến sân bay Trà Nóc (lộ giới 50 m); QL 91B hiện hữu từ đường 3/2 tới khu công nghiệp Ô Môn (lộ giới 80 m); QL 91C dự kiến nối từ QL 1A tới Ô Môn và nhập với QL 91 hiện hữu trở thành trục giao thông Tây Bắc-Đông Nam (lộ giới 72 m).
* Các trục ngang: chỉnh trang hoàn thiện các trục chính hiện hữu như đại lộ Hòa Bình, đường 30/4, Trần Phú, Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, 3/2 (lộ giới 30-40 m); xây dựng mới trục đường Nguyễn Văn Cừ nối dài (lộ giới 34 m) và các trục ngang (lộ giới từ 51- 53 m).
* Các trục chính khu vực nối kết các khu chức năng đô thị (lộ giới từ 30-35 m).
* Xây dựng bến xe thành phố mới tại khu vực giao lộ giữa QL 1A và đường cao tốc dự kiến trong khu vực quận Cái Răng (15-20 ha). Các bến xe hiện hữu trong nội đô sẽ chuyển thành bến xe buýt. Tại các khu đô thị mới như Ô Môn, Thốt Nốt và Ngã ba Lộ Tẻ xây dựng các bến xe liên tỉnh kết hợp với bến xe buýt. Bố trí bãi đỗ xe tại các khu vực trung tâm công cộng của thành phố.
+ Đường thủy: nạo vét các kênh rạch đảm bảo cho phép lưu thông các phương tiện có tải trọng từ 5 tấn. Bến tàu khách chính bố trí tại khu vực bến phà Cần Thơ hiện hữu. Bến tàu du lịch bố trí tại khu vực bến Ninh Kiều. Cải tạo và xây dựng thêm các bến tàu hàng hóa và hành khách trên các tuyến sông chính của thành phố tại các điểm dân cư đô thị ven sông rạch.
Nguồn nước cho tiêu dùng và sản xuất lấy từ nước mặt sông Hậu, sông Cần Thơ và nước ngầm. Các công trình đầu mối: nhà máy nước Cần Thơ I (công suất 40.000m3/ngày), nhà máy nước Cần Thơ II (nâng lên 60.000m3/ngày), nhà máy nước Trà Nóc (nâng lên 60.000m3/ngày), nhà máy nước Thốt Nốt (nâng lên 20.000m3/ngày). Thành phố sẽ xây dựng thêm các nhà máy nước Hưng Phú (60.000m3/ngày), Hưng Thạnh (40.000m3/ngày), Thuận Hưng (40.000m3/ngày... Bãi rác Trường Thành cách trung tâm thành phố 15 km, rộng 120 ha (dự kiến mở rộng lên 200 ha) phục vụ khu vực nội thành. Bãi rác Thạnh Lộc (huyện Thốt Nốt) rộng từ 20-50 ha chứa rác khu vực ngoại thành.
Nghĩa trang tại xã Định Môn (huyện Cờ Đỏ) phục vụ khu vực phía Nam thành phố. Nghĩa trang tại xã Trung Nhứt (huyện Thốt Nốt) rộng 50 ha phục vụ khu vực phía Bắc thành phố.
Cũng theo quyết định mới này, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng sau đây sẽ được ưu tiên triển khai sớm: nâng cấp, mở rộng sân bay Trà Nóc thành Cảng hàng không quốc tế; xây dựng đoạn vòng cung nối QL 1A với QL 80; xây dựng tuyến đường Cần Thơ - Xà No - Vị Thanh; xây dựng bờ kè sông Hậu và sông Cần Thơ khu vực nội thành; xây dựng Trung tâm Văn hóa Tây Đô; xây dựng Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia; xây dựng bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ; xây dựng trường Đại học Y Dược Cần Thơ; xây dựng bờ kè Cồn Cái Khế; xây dựng đê bao Cù lao Tân Lộc; xây dựng đường và cầu qua Cồn Khương; xây dựng tuyến đường Mậu Thân-Sân bay Trà Nóc; xây dựng tuyến đường Bốn Tổng-Một Ngàn; nâng cấp mở rộng cảng Cái Cui theo quy hoạch Cụm cảng số 6...
(Theo Thanh Niên)