“QHC Xây dựng Thủ đô Hà Nội cần có sự đột phá”. Trước những ý kiến gay gắt về đồ án Quy hoạch Hà Nội, về khu vực Ba Vì, về trục giao thông Ba Vì - Hà Nội, KTS Phạm Cao Nguyên, Chủ tịch Hội KTS Hà Nội đã chia sẻ quan điểm của mình để chúng ta cùng suy ngẫm.
“QHC Xây dựng Thủ đô Hà Nội cần có sự đột phá”. Trước những ý kiến gay gắt về đồ án Quy hoạch Hà Nội, về khu vực Ba Vì, về trục giao thông Ba Vì - Hà Nội, KTS Phạm Cao Nguyên, Chủ tịch Hội KTS Hà Nội đã chia sẻ quan điểm của mình để chúng ta cùng suy ngẫm.
Với sự kiện Hà Nội đang bước qua tuổi 1000 năm, cùng thời điểm này Thủ đô của chúng ta được mở rộng lớn nhất từ trước đến nay. Đồ án QHC Xây dựng Thủ đô Hà Nội lần này được xây dựng có tầm nhìn tới 2050, tức là tới 40 năm nữa, (theo tôi, nó còn phải chuyển thông điệp xa hơn nữa để cho các thế hệ mai sau), do đó cần phải có sự đột phá trong quy hoạch. Mục tiêu của chúng ta là xây dựng thủ đô Hà Nội thành: Thành phố Xanh - Văn hóa - Văn minh - Hiện đại. Vậy từ mốc lịch sử này, chúng ta phải bắt tay vào công cuộc kế thừa, phát huy và tạo dựng nó như thế nào?
Trong một khoảng thời gian không nhiều nhưng với sự quyết tâm lớn, đồ án QHC Xây dựng Thủ đô Hà Nội có thể nói đã được xây dựng công phu và linh hồn của nó chính là trục Hồ Tây - Ba Vì. Bởi vậy mà tôi cũng hiểu vì sao Bộ Xây dựng lại khá “đắm đuối” với trục giao thông này trước những luồng ý kiến của dư luận.
Theo tôi, với thực tế đường giao thông của Hà Nội hiện nay, trục giao thông Ba Vì - Hồ Tây sẽ giúp Hà Nội thực sự có một trục cảnh quan mà chúng ta chưa hề có. Tôi cho rằng trục giao thông này thực sự có tính đột phá trong quy hoạch và có vai trò kết nối giữa trung tâm đô thị dịch vụ du lịch sinh thái xanh Ba Vì (xin được gọi Ba Vì như thế) với đô thị trung tâm Hà Nội bằng các công trình kiến trúc hiện đại, sinh thái. Chính điểm này sẽ tạo nên đặc trưng của Hà Nội mà không Thủ đô nước nào có được. Có như vậy mới nhấn mạnh được ý nghĩa thành phố xanh. Nếu thực sự chúng ta có được đô thị xanh mà trên thế giới ít có được thì đó là điều đáng giá. Khi đó chúng ta mới thực sự được gọi là thành phố xanh, văn hóa và hiện đại...
Sở dĩ gọi Ba Vì như thế (bởi trước đây dự kiến dành đất cho Trung tâm hành chính ở Ba Vì sau năm 2050, nay không còn ý tưởng này nữa). Giờ đây chúng ta nên xác định nó là Trung tâm đô thị dịch vụ du lịch sinh thái xanh Ba Vì và trục đường Hồ Tây - Ba Vì thì vẫn cần thiết phải làm. Trục giao thông này nối Ba Vì về Hà Nội, tạo ra được một quần thể thống nhất cho các đô thị vệ tinh, trong đó có đoạn bố trí tượng đài Độc lập, các công trình văn hóa thế kỷ, Trung tâm mua sắm, khu đi bộ...và như vậy Hà Nội và Hà Tây (cũ) sẽ không còn khoảng cách, đồng thời tạo điều kiện để phát triển KTXH toàn vùng. Vậy nên, nếu cho rằng trục đường này không giúp ích cho sự phát triển KTXH là chưa chính xác.
Ba Vì cần được coi là Trung tâm đô thị dịch vụ du lịch sinh thái xanh .
Cần quy hoạch Ba Vì thành Trung tâm đô thị dịch vụ du lịch sinh thái xanh, kiên quyết không cho xây nhà cao tầng. Ví dụ Bali là một điển hình về thành phố biển xanh. Ở đó có quy định rất đơn giản là các công trình không được xây cao quá cây dừa. Ba Vì cũng nên thế. Ba Vì đang xanh, lại có rừng nguyên sinh cũng cần được đặc biệt bảo vệ, tránh việc không gian xanh bị phá vỡ bởi các công trình xây dựng.
Trong đô thị xanh này cần bảo tồn đặc biệt không gian tự nhiên Ba Vì. Đây là điều đã được các chuyên gia khẳng định. Cần bảo tồn xây dựng các khu văn hóa, khu di tích lịch sử và lõi là đền thờ Bác Hồ trên đỉnh núi Ba Vì. Bên cạnh đó là khu du lịch sinh thái phù hợp với không gian tự nhiên Ba Vì. Chính vì thế chúng ta sẽ phát triển được nền kinh tế dịch vụ du lịch xanh bảo tồn được không gian xanh và chắc chắn đây là đặc trưng đô thị xanh Hà Nội.
Nhìn vào thực tế, Thủ đô Hà Nội đang thiếu lá phổi xanh, nhìn sang các nước có rừng trong thành phố mà mơ ước. Nhiều người cho rằng Hà Nội mở rộng là cơ hội để chúng ta có đất trồng rừng, tạo nên chỗ vui chơi, nghỉ ngơi cho người dân, đặc biệt là các cháu thanh thiếu niên. Vậy hà cớ gì mà chúng ta không tận dụng tiềm năng sinh thái vốn có của vùng núi Ba Vì, hoạch định, can thiệp kịp thời trước xu hướng phát triển trôi nổi, manh mún, khó cưỡng lại của nó, đồng thời tạo cơ hội để nó phát triển một cách bền vững.
Nếu xác định rõ điều đó, tôi tin rằng trục Ba Vì - Hồ Tây sẽ là trục nối kết, đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch sinh thái cho Hà Nội, có vai trò đặc biệt trong việc tạo thành chuỗi môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, để Thủ đô Hà Nội thực sự là một thành phố xanh.
Chúng ta không nên cho rằng trục Hồ Tây - Ba Vì sẽ phá vỡ hành lang xanh. Cũng không nên quan niệm hành lang xanh là phải chạy vòng tròn. Nó có thể ôm từ Ba Vì ôm xuống Hà Nội bởi nó không phải là một vòng khép kín. Và như vậy quan điểm của tôi về mô hình phát triển của thành phố sẽ là mô hình thành phố phát triển đa cực gồm một đô thị trung tâm gắn kết với đô thị xanh Ba Vì cùng với các đô thị vệ tinh và các hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh, đô thị nông nghiệp, sinh thái...
Trục Hồ Tây - Ba Vì là cái hồn của quy hoạch.
Xin nhấn mạnh, trục Ba Vì - Hồ Tây không phải là đường giao thông cao tốc. Đây là trục giao thông trong đô thị, gắn kết trung tâm đô thị xanh Ba Vì với đô thị trung tâm Hà Nội. Vì thế, giao thông ở đây là giao thông trong đô thị chỉ dành cho xe bus, xe con… với tốc độ dưới 50km/h, phục vụ hoàn toàn cho dân sinh.
Trục này nên được xây dựng đàng hoàng, xứng với tầm vóc của thủ đô hiện nay cũng như tầm nhìn 2050. Các chuyên gia sẽ tính toán xem trục rộng bao nhiêu là phù hợp. Tôi cho rằng đề xuất của tư vấn là hoàn toàn thỏa đáng. Tôi không tán thành ý kiến nếu có làm trục này thì làm bé thôi. Tôi cũng không đồng tình với lo ngại sợ đây sẽ là quy hoạch treo. Nói quy hoạch treo ở đây là lạm dụng. Đây là quy hoạch có tầm nhìn 2050, vậy sao có thể gọi là treo. Chúng ta cần hoạch định, khẳng định là vậy, còn tới thời điểm đó, có thể xây to hơn, hoặc nhỏ hơn. Còn nếu đã duyệt dự án rồi, giải phóng mặt bằng rồi để đấy, để đất hoang hóa thì mới gọi là quy hoạch treo.
Về nguồn vốn xây dựng trục giao thông này, nếu lo ngại không có tiền để làm thì rất vô lý. Nếu nói nghĩ cho thế hệ con cháu thì phải mạnh dạn. Đừng để tư tưởng của các cụ bó hẹp suy nghĩ của con cháu. Tầm nhìn cho 2050 là phải lớn, phải dành cho lớp trẻ. Tôi tin là sẽ làm được nếu chúng ta thực sự quyết tâm, xác định kế hoạch cụ thể, có chính sách tốt trong việc chuyển hóa vốn tĩnh (tài nguyên đất đai) thành vốn động đạt hiệu quả cao, giải phóng năng lực nội tại, vận động xã hội hóa từ các doanh nghiệp. Nó cũng giống như việc bắn pháo hoa, cải tạo các hồ tại Hà Nội, nếu kêu gọi các doanh nghiệp thì công việc trở nên dễ dàng hơn.
Điều mà tôi lo nhất chính là vấn đề tổ chức thực hiện. Có thực hiện được hay không mới là cái quan trọng nhất.
Về trục Hồ Tây Ba Vì, tôi kiến nghị: Hướng mở ra toàn tuyến trục như thiết kế có thể được nghiên cứu phân khu ra. Tôi nhất trí với quan điểm tạo dựng trục không gian cảnh quan đặc trưng, các công trình hiện đại, không gian quảng trường, công trình văn hóa, trung tâm thương mại, tổ chức các khu đi bộ là nơi tổ chức lễ hội văn hóa dân gian, từ đô thị trung tâm đến vành đai 4. Đoạn đường từ vành đai 4 đến trung tâm đô thị dịch vụ du lịch xanh Ba Vì là không gian cây xanh giống trục giao thông của Nhật với hai bên đường trồng hoa Anh Đào rất đặc sắc.
Trên trục giao thông này, các làng xóm cũ được dịch chuyển vào những khu vực được quy hoạch theo hướng hiện đại hóa nông thôn không bó buộc, cộng với các hệ thống vùng nông nghiệp sinh thái sạch đặc trưng Hà Nội nối liền với công viên vui chơi lớn của Thủ đô (Ba Vì). Điều tôi muốn nói là chính sách GPMB. Nếu GPMB bằng cách di dời, ném dân vào những chỗ mà hạ tầng không bằng nơi cũ thì dân đi không vui vẻ.
Chúng ta cần đi trước một bước trong công tác này, tức là nên dịch chuyển chứ không nên phá bỏ. Hình dung là nếu làm con đường qua làng, theo thói thường là giải tỏa làng, còn theo tôi thì không giải tỏa mà dịch cả làng vào bên trong và xây dựng làng đó hiện đại hơn, hạ tầng tốt hơn. Việc quy hoạch lại vùng nông thôn cần đầu tư chăm sóc nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch đặc trưng cho Hà Nội, đưa hđai vào nông nghiệp. Người nông dân được hưởng từ sự dịch chuyển này, từ đó làng nghề hiện đại kéo dịch vụ lên, tạo nên đặc trưng của Hà Nội.
Như vậy, trong toàn tuyến, trục Hồ Tây - Ba Vì cũng là “hành lang xanh”, xen kẽ hành lang xanh là các khu du lịch sinh thái, nông nghiệp xanh, tạo điều kiện phát triển kinh tế. Đây là sự chuyển tiếp giữa đô thị trung tâm đến trung tâm dịch vụ Ba Vì tạo thành hành lang xanh bền vững, trong là đô thị trung tâm, ngoài là đô thị xanh, có hành lang xanh, nông nghiệp phát triển, tạo thành giá trị bền vững.
Trục Hồ Tây - Ba Vì đến Ba Vì cần nghiên cứu quy hoạch hệ thống hạ tầng, giao thông khu vực chung Ba Vì. Trong đồ án chưa làm sáng tỏ lắm. Chúng ta phải hoạch định hạ tầng, các đường giao thông liên kết với các vành đai, các đô thị.
Ba Vì có có làng văn hóa các dân tộc, nhiều khu du lịch sinh thái đã hình thành, đồng thời còn có nhiều đất hoang sơ, hoang sơ thì thu hồi GPMB mới khả thi, mới có thể biến thành không gian xanh, thành khu dự trữ.
Nếu chúng ta xây dựng được trung tâm xanh Ba Vì, xây dựng được trục Hồ Tây - Ba Vì, chúng ta sẽ được:
Một là: Chúng ta sẽ được thành phố xanh, văn hóa, hiện đại, đặc trưng cho một Thủ đô Xanh mà thế giới không có được, đồng thời gắn kết, tạo thành một quần thể đô thị sinh thái xanh hoàn chỉnh.
Hai là: Chúng ta sẽ tạo dựng được cảnh quan cho đô thị qua các công trình: tượng đài, văn hóa, khu đi bộ, mua sắm hiện đại - là nơi sum họp, diễn ra các sinh hoạt cộng đồng của nhân dân, là nơi tổ chức các lễ hội văn hóa mua sắm lớn cho nhân dân và khách quốc tế. Nếu trục này xây dựng được sẽ như Wasington, Cham Elise…
Ba là: Chúng ta kích cầu đẩy mạnh thực hiện được chiến lược kinh tế phát triển của thủ đô theo hướng: dịch vụ công nghiệp - nông nghiệp. Khi tuyến giao thông này phát triển sẽ tạo cho các hoạt động dịch vụ phát triển theo, tiếp đó phát triển công nghiệp và nông nghiệp, trong đó phát triển mạnh dịch vụ du lịch xanh, thương mại nông nghiệp hiện đại.
Bốn là: Tạo cơ sở để phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái đặc trưng Hà Nội, thực sự đưa Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển nông thôn vào cuộc sống.
Hãy đổi tên là đường Độc lập!
Trên đây là ước vọng tha thiết của cá nhân tôi. Một lẽ nữa là trước đây trục giao thông này đã được chọn là trục Thăng Long, nay đã chuyển sang cho Láng - Hòa Lạc. Vậy, giờ ta hãy đặt cho nó cái tên Độc lập. Bởi ở đó sẽ đặt tượng đài độc lập, có Lăng Bác, có đền tho Bác Hồ tren núi Ba Vi …sẽ thực sự mang lại nhiều ý nghĩa cho kỷ nguyên mới của Thủ đô Hà Nội.
Tôi xin nhấn mạnh lại rằng: Trục giao thông này là linh hồn của cả bản quy hoạch Hà Nội lần này. TP. Hồ Chí Minh có đường hoa Nguyễn Huệ, là nơi giao lưu văn hóa của người dân trong những ngày lễ tết mà không ảnh hưởng đến giao thông. Hà Nội rất thèm muốn điều này nhưng khó tổ chức vì ngăn đường là ách tắc giao thông. Vì vậy, việc xây dựng trung tâm xanh Ba Vì đối với đô thị trung tâm Hà Nội bằng trục Hồ Tây – Ba Vì (trục Độc lập) là sự đột phá trong quy hoạch Hà Nội.
KTS. Phạm Cao Nguyên
Chủ tịch Hội KTS Hà Nội
(Theo Baoxaydung)