Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu phát triển ĐBSCL nhằm phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của vùng theo mô hình đa cực, tập trung kết hợp các hành lang kinh tế đô thị, với TP. Cần Thơ là đô thị hạt nhân trung tâm của vùng.
Đồng thời, phát triển các đô thị mới có tính chất, chức năng dịch vụ phát triển công nghiệp, du lịch, thương mại gắn với đặc thù toàn vùng. Xây dựng hệ thống đô thị trên toàn vùng, liên kết, hỗ trợ giữa các vùng đô thị trung tâm và các trục hành lang kinh tế, đô thị. Phát triển cân bằng, hài hòa giữa đô thị và nông thôn.
Dự kiến dân số trong vùng đến năm 2020 khoảng 20 - 21 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 7 - 7,5 triệu người, với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 33 - 35%; đến năm 2050 khoảng 30 - 32 triệu người, với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40 - 50%.
Quy hoạch nêu rõ định hướng phát triển không gian, hạ tầng kỹ thuật của vùng. Trong đó, giai đoạn tới năm 2015, cải tạo hệ thống thoát nước chung khu vực hiện hữu, xây dựng hệ thống thoát riêng và độc lập cho các khu đô thị mới. Hoàn thành các dự án thoát nước và cải thiện môi trường đô thị đã có nguồn vốn ODA. Giai đoạn 2015-2020, xây dựng hệ thống thoát nước riêng (nước mưa chảy riêng theo hệ thống thoát ra sông, kênh, rạch và không phải xử lý, nước thải chảy riêng).
Về giao thông hàng không, sẽ nâng cấp Cảng hàng không Cần Thơ thành sân bay quốc tế của vùng. Xây dựng Cảng hàng không Phú Quốc tại Dương Tơ thành sân bay quốc tế. Cảng hàng không Cà Mau, Rạch Giá là sân bay nội địa...
Danh mục các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư vùng ĐBSCL gồm: các chương trình kết cấu hạ tầng tạo điều kiện phát triển toàn vùng (như phát triển các tuyến giao thông quốc gia trục dọc đường quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau, nâng cấp hệ thống giao thông thủy nội vùng, liên vùng, các tuyến ven biển...); các chương trình nâng cao chất lượng sống bảo vệ môi trường.
Phạm vi quy hoạch vùng ĐBSCL bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP. Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
Công Học