Chỉ còn hơn 200 ngày nữa sẽ đến Đại lễ kỷ niệm 1000 năm, Thường trực Chính phủ đề nghị thành phố Hà Nội tập trung triển khai quyết liệt các công việc theo chương trình đề ra.
Chỉ còn hơn 200 ngày nữa sẽ đến Đại lễ kỷ niệm 1000 năm, Thường trực Chính phủ đề nghị thành phố Hà Nội tập trung triển khai quyết liệt các công việc theo chương trình đề ra.
Hình ảnh Thủ đô nghìn năm văn hiến lan tỏa
Ngày 17/3, làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội, Thường trực Chính phủ biểu dương thành phố Hà Nội đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nội dung công việc của Đại lễ.
Nổi bật là Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng Trung ương và địa phương triển khai các chương trình, mở các chuyên trang, chuyên mục, đưa nhiều tin, bài về kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Qua đó giới thiệu đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, bạn bè quốc tế về truyền thống văn hiến của Thăng Long – Hà Nội. UNESCO đã ra Nghị quyết về kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Hồ sơ đề nghị công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cũng đã được UNESCO thông qua vòng 1; các chuyên gia đã thẩm định hồ sơ thông qua vòng 2 và tiếp tục chuẩn bị nội dung liên quan phục vụ thông qua vòng 3 vào tháng 6/2010. Hồ sơ Lễ hội Gióng đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đã hoàn thành gửi UNESCO xem xét. Bia đá các khoa thi Tiến sỹ triều Lê và Mạc (1442 – 1779) đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình ký ức thế giới của UNESCO…
Đến hết tháng 2/2010 đã có gần 400 tác phẩm có giá trị thuộc các thể loại: ca khúc, giao hưởng, thơ, bút ký, tượng, kịch bản phim, vọng cổ cải lương, bài viết… sáng tác về Hà Nội.
Sau hơn 3 tháng vận động nhân dân không đổ rác ra đường, xóa quảng cáo rác, quảng cáo rao vặt, đến nay tình trạng đổ rác, phế thải ra đường giảm hẳn. Một số quận xóa được hơn 90% quảng cáo rao vặt.
Hà Nội cũng đang tiếp tục chỉnh trang đô thị, hạ ngầm đường dây tại một số tuyến phố, cải tạo vườn hoa, công viên, vỉa hè, nơi công cộng… tạo diện mạo mới cho các tuyến phố chính, các trục đường lớn.
Nhiều công trình, dự án do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đăng ký tham gia theo phương thức xã hội hóa, nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí đã và đang triển khai thực hiện như Tượng đài Thánh Gióng, “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”; phim Tài liệu khoa học nghệ thuật “Thăng Long – Thành phố Rồng bay”.
Tạo không khí phấn khởi hướng đến Đại lễ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải đề nghị, thời gian đến Đại lễ không còn nhiều, Hà Nội tập trung triển khai quyết liệt các công việc theo chương trình đề ra, tạo không khí hồ hởi, phấn khởi, đầy ấn tượng cho thời khắc lịch sử quan trọng này.
Thường trực Chính phủ chỉ đạo thành phố cần xây dựng, thẩm định, duyệt và tổ chức luyện theo kịch bản chi tiết cho các hoạt động, đặc biệt các hoạt động có quy mô lớn như Lễ khai mạc Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (sáng 01/10/2010); Lễ mít tinh kỷ niệm (sáng 10/10/2010); đêm hội văn hóa, nghệ thuật chào mừng 1000 năm Thăng Long (vào tối 10/10/2010) tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình…
Thường trực Chính phủ cũng đồng ý giao cho các Bộ, ngành liên quan xem xét bố trí vốn để hỗ trợ Hà Nội đảm bảo đủ nguồn vốn cho các công trình, dự án thuộc danh mục công trình 1000 năm Thăng Long – Hà Nội phải hoàn thành trước ngày 10/10/2010.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng lưu ý TP cần đặc biệt chú ý đến công tác quản lý quy hoạch; xử lý rác thải, giữ gìn cảnh quan của Thủ đô. Tất cả các bộ, ngành, đơn vị, cơ quan chủ động làm sạch, làm đẹp trụ sở, cơ quan mình trên địa bàn thành phố để chào đón Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu, Hà Nội cần hoàn thành theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các công trình phục vụ lễ kỷ niệm. TP cần lưu ý đặc biệt đến kiến trúc của các công trình này sao cho mang đậm dấu ấn của Thủ đô; thể hiện nét đặc trưng của Hà Nội, để lại ấn tượng sâu sắc đối với bạn bè quốc tế khi đến Hà Nội.
(Theo Chinhphu)