UBND TP Hà Nội vừa giao Sở Xây dựng phối hợp, chủ trì cùng Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng TP tổ chức rà soát lại toàn bộ các tòa chung cư cao tầng tái định cư do Nhà nước đầu tư bằng ngân sách.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ra văn bản về việc khắc phục những tồn tại, yếu kém và tăng cường công tác vận hành, quản lý nhà chung cư tái định cư trên địa bàn Thủ đô.
Hà Nội tăng cường công tác vận hành, quản lý nhà chung cư tái định cư.
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Theo đó, chính quyền TP giao Sở Xây dựng phối hợp, chủ trì cùng các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng TP tổ chức rà soát lại toàn bộ các tòa chung cư cao tầng tái định cư do Nhà nước đầu tư bằng ngân sách. Sau khi rà soát sẽ phân chia thành các nhóm như: Nhà có/không có thang máy hoặc có nhưng vận hành không tốt; nhà có/không có/có nhưng còn thiếu diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng; nhà có/không có quỹ bảo trì; nhà có/không có diện tích công cộng dịch vụ; nhà có/không có hồ sơ hoàn công; nhà có hệ thống PCCC vận hành tốt hoặc vận hành không hiệu quả,...
Căn cứ vào kết quả phân loại nói trên, các đơn vị tiến hành nghiên cứu, đề xuất phương án vận hành, quản lý sao cho phù hợp với từng nhóm theo hướng: Nhà nước (các công ty quản lý nhà thuộc sở hữu nhà nước) không trực tiếp vận hành, quản lý tòa nhà (trừ khi được Ban quản trị tòa nhà thuê theo Hợp đồng dân sự); bàn giao hồ sơ hoàn công làm cơ sở để Ban quản trị tòa nhà tổ chức vận hành, quản lý; chuyển giao quyền quản lý diện tích công cộng dịch vụ của tòa nhà (không tính các diện tích thuộc sở hữu nhà nước) để các chủ sở hữu tự khai thác, hỗ trợ trang trải chi phí vận hành; đồng thời xem xét các giải pháp bố trí diện tích sinh hoạt cộng đồng;...
Cùng với đó, các đơn vị cần làm rõ các nguyên nhân chậm thành lập Ban quản trị nhà chung cư tại các tòa chung cư và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thành lập các Ban quản trị nhà chung cư; tiến hành nghiên cứu, đề xuất biện pháp nhằm xác định rõ vai trò và trách nhiệm quản lý, sử dụng quỹ bảo trì của Ban quản trị nhà chung cư, đảm bảo quỹ được sử dụng đúng mục đích, không lãng phí, thất thoát, tránh khiếu kiện...
Mặt khác, các đơn vị tổ chức nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ một lần quỹ bảo trì cho các chủ sở hữu căn hộ (đầu mối là Ban quản trị nhà chung cư) từ ngân sách TP với các nhà chung cư không có quỹ bảo trì trước khi Nhà nước ban hành quy định về thu phí bảo trì; mức hỗ trợ và dự toán tổng số tiền hỗ trợ; các quy định về sử dụng, quản lý kinh phí hỗ trợ... làm căn cứ để bàn giao cho các hộ dân tự vận hành, quản lý và bảo trì tòa nhà. Bên cạnh đó, kiểm tra cụ thể các tòa nhà chưa có diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng; tiến hành rà soát các diện tích công cộng để bố trí diện tích làm nhà sinh hoạt cộng đồng (có thể bố trí vào các diện tích phụ hay diện tích tại các tòa nhà liền kề nếu đã hết diện tích dịch vụ, công cộng).
Tất cả các nội dung được TP yêu cầu, các đơn vị cần khẩn trương thực hiện và báo cáo UBND TP Hà Nội trước ngày 20/01/2017.
Theo yêu cầu của chính quyền TP, Sở Tài chính phối hợp, chủ trì với Sở Xây dựng tiến hành nghiên cứu, rà soát, xây dựng giá dịch vụ quản lý nhà chung cư. Kết quả rà soát sẽ làm căn cứ để thu phí và để ngân sách TP hỗ trợ một phần cho việc vận hành, quản lý trong thời gian tòa nhà chưa thành lập được Ban quản trị thay cho việc chỉ định đơn vị vận hành, quản lý như hiện nay. Theo đó, đơn vị tiến hành đề xuất việc tổ chức đấu thầu để chọn lựa đơn vị cung cấp dịch vụ vận hành, quản lý, báo cáo UBND TP trước ngày 20/01 tới.
Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp, chủ trì với Sở Xây dựng và UBND các huyện, quận, thị xã (nơi có nhà đất tái định cư) tiến hành rà soát, kiểm tra các trường hợp được mua nhà, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho các hộ dân tại các tòa nhà (173 tòa) xong trước ngày 31/03/2017.