Luật công chứng có hiệu lực từ nửa tháng nay nhưng chưa có hướng dẫn, khiến cơ quan công chứng lúng túng, có phòng phải tự "sáng tác" một số loại giấy tờ. Người dân lãnh hậu quả, vì phải xuất trình thêm các giấy tờ không nằm trong quy định.
Luật công chứng có hiệu lực từ nửa tháng nay nhưng chưa có hướng dẫn, khiến cơ quan công chứng lúng túng, có phòng phải tự "sáng tác" một số loại giấy tờ. Người dân lãnh hậu quả, vì phải xuất trình thêm các giấy tờ không nằm trong quy định.
Mấy ngày qua nhiều người đi công chứng các hợp đồng, giao dịch về nhà đất ở TP HCM cho biết ngoài các giấy tờ thông thường còn phải kèm theo một bản "cam kết" nhà đất mua bán là có thật.
Ông Trần Đình Thành, nhân viên tín dụng một chi nhánh ngân hàng, cho biết, sau khi xem xong hồ sơ, công chứng viên không đồng ý cho ký tên ngay mà đưa ra một văn bản yêu cầu bên ngân hàng phải ký vào, cam kết đã tìm hiểu kỹ căn nhà thế chấp và căn nhà đó là có thật.
Công chứng viên giải thích, có thêm thủ tục cam kết này vì phải thực hiện theo Luật công chứng mới (hiệu lực từ 1/7). Thế nhưng khi ông Thành ký tên vào bản cam kết thì công chứng viên không đồng ý mà yêu cầu phải do giám đốc chi nhánh ký, có đóng dấu của ngân hàng. Ông Thành phải đem hồ sơ về để giám đốc ký, đóng dấu mới được giải quyết hồ sơ.
Có tiền cũng "bó tay"
Theo Phòng công chứng số 2 (TP HCM), Luật công chứng quy định khi công chứng giao dịch, hợp đồng thì ngoài trách nhiệm chứng nhận chữ ký của các bên trong hợp đồng là đúng, nội dung hợp đồng không trái pháp luật, đạo đức xã hội, còn phải bảo đảm "đối tượng của giao dịch, hợp đồng là có thật". Nghĩa vụ xác nhận đối tượng hợp đồng giao dịch là "có thật" này chỉ mới được quy định trong Luật công chứng.
Về nguyên tắc, nếu hiểu nôm na việc xác định tính "có thật" hay không của nhà, đất trong hợp đồng, giao dịch thì công chứng viên phải đến tận địa chỉ nhà đất đó để kiểm tra. Theo các phòng công chứng, không có kinh phí nào để chi cho công chứng viên thực hiện việc này, có kinh phí chăng nữa cũng “bó tay” vì thiếu nhân sự. Nhưng nếu không đi xác minh thì công chứng viên không thể đảm bảo việc nhà, đất mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp có thật hay không. Chính vì vậy, một số phòng công chứng phải cho các bên ký hợp đồng cam kết rằng nhà đất đó là "có thật".
Khi ký hợp đồng, bên mua, nhận chuyển nhượng, thế chấp, tặng cho... phải cam kết đã tìm hiểu kỹ tình trạng nhà đất. Một số phòng đưa nội dung cam kết này vào hợp đồng để thuận tiện cho người dân khi ký kết, nhưng cũng có phòng công chứng lại buộc làm một bản cam kết riêng.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Trưởng Phòng công chứng số 3, nếu hiểu quy định của điều 5 Luật công chứng bắt buộc các công chứng viên phải đi xác minh từng căn nhà, thửa đất trước khi ký xác nhận hợp đồng, giao dịch là rất vô lý và không thể thực hiện. Nếu đến tận nơi có nhà, đất để xác minh thì công chứng viên cũng không đủ trình độ như kỹ sư xây dựng để có thể đo đạc diện tích, chiều cao chiều rộng thực tế có khác biệt gì so với giấy tờ bản vẽ hay không.
Theo ông Tuấn, Luật dân sự có quy định về việc tự chịu trách nhiệm của đương sự trong các hợp đồng, giao dịch, chứ không phải quy trách nhiệm cho công chứng viên về vấn đề này. Luật chỉ nên giới hạn trách nhiệm của công chứng viên trong việc xác nhận hợp đồng, giao dịch đó không vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, các bên ký kết có đủ tư cách pháp lý để thực hiện hợp đồng hay không, chữ ký có đúng với người ký... Còn những vấn đề khác như nhà có tranh chấp, giải tỏa, có đúng hiện trạng trên giấy tờ hay không thì các bên tham gia hợp đồng phải tự tìm hiểu và chịu trách nhiệm với nhau.
(Theo Tuổi Trẻ)