Qua kết quả kiểm tra của Bộ Xây dựng, nhiều thủ tục cấp giấy phép xây dựng đã được phức tạp hóa đến mức không cần thiết. Sự rườm rà dễ gây ra tiêu cực, phản ánh tư duy quản lý xây dựng chưa xuất phát từ quyền được xây dựng của người dân.
Qua kết quả kiểm tra của Bộ Xây dựng, nhiều thủ tục cấp giấy phép xây dựng đã được phức tạp hóa đến mức không cần thiết. Sự rườm rà dễ gây ra tiêu cực, phản ánh tư duy quản lý xây dựng chưa xuất phát từ quyền được xây dựng của người dân.
Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, rất bất ngờ khi biết tại thủ đô, có nơi quản lý cả chỉ giới đường đỏ. Cái này chỉ là ranh giới vùng quy hoạch. Đã có bản đồ quy hoạch thì đương nhiên phải có chỉ giới đường đỏ nhưng lại bắt dân phải đi xin. Như thế rất vô lý, gây phiền hà để có thể tùy tiện đặt ra cái này, đặt ra cái kia.
Qua báo cáo thanh tra của Bộ Xây dựng cho thấy nhiều thủ tục đã được phức tạp hóa lên đến mức không cần thiết. Ông Liêm cho rằng có nhiều quy định như vậy, và không chỉ ở Hà Nội. Sự phức tạp này thường liên quan đến yếu tố "xin cho" dễ dẫn đến tiêu cực. Khi xin phép, họ nói: "Khu này không được xây quá năm tầng, anh xin 12 tầng à? Để chúng tôi nghiên cứu". Họ không từ chối, nhưng cứ "tay bo" xin thì không bao giờ được. Tham nhũng bây giờ vừa tinh vi lại vừa lộ liễu trước mắt người dân. Việc "bôi trơn" rất phổ biến, nhiều nơi phải "bôi trơn" từ cô văn thư trở đi.
Theo ông Liêm, tư duy quản lý xây dựng cũng phải thay đổi và cần xuất phát từ quyền xây dựng của người dân. Các văn bản quản lý xây dựng hiện nay có thể thấy mới đề cao nhu cầu quản lý của nhà nước mà chưa thật trân trọng quyền được xây dựng của người dân. Trước hết là phải công khai quy hoạch. Theo ông Liêm, tại nhiều nước, người ta công khai quy hoạch, người dân lên xem nếu công trình của mình không vi phạm thì đi xin phép. Đến cơ quan cấp phép, cán bộ chỉ việc giở bản đồ quy hoạch ra, thấy đúng là kiểu này được xây thì tiến hành thẩm tra hồ sơ. Trên bản vẽ thiết kế đã có đủ các thông số về chiều cao, phòng cháy, kiến trúc... Nếu chỗ nào chưa thông, cán bộ phải tự liên hệ với các cơ quan khác để xem chỗ ấy được chưa. Xong việc là đóng dấu.
Giấy phép xây dựng chỉ để kiểm tra xem làm công trình có phù hợp với nhiệm vụ ban đầu đặt ra của chủ đầu tư không; các yêu cầu về môi trường, phòng cháy, cứu hỏa có đảm bảo không, độ chịu nhiệt của tường là bao nhiêu... Khi cấp phép chỉ là kiểm tra chứ không phải dạy chủ đầu tư phải làm thế nào.
Một điều không đúng nữa ở nước ta là do chỉ quan tâm đến cấp giấy phép xây dựng, xin phép cực khó, nhưng xong rồi thì rất ít người quan tâm có thực hiện đúng không. Nên có công trình khi xin phép nói vỉa hè 3 m, nhưng xây xong vỉa hè chỉ còn 1 m. Không ai nghiệm thu quy hoạch cả.
(Theo Tuổi Trẻ)