Theo quy định mới của UBND TP. Hà Nội, nếu nhà ở xã hội phân phối không đúng đối tượng, thì người mua sẽ bị buộc trả lại nhà và chủ đầu tư sẽ bị thu hồi dự án.
Theo quy định mới của UBND TP. Hà Nội, nếu nhà ở xã hội phân phối không đúng đối tượng, thì người mua sẽ bị buộc trả lại nhà và chủ đầu tư sẽ bị thu hồi dự án.
“Khát” nhà xã hội
Những thông tin về việc chủ đầu tư mở bán căn hộ tại dự án nhà xã hội tại Hà Đông đang thu hút sự chú ý của đông đảo người dân. Nhiều người đã chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ ưu tiên và hỏi thông tin về dự án cũng như “đường đi, nước bước” trong việc mua nhà ở xã hội từ nhiều tháng nay. Trong các ngày 8 - 12/9, hàng trăm người đã đổ về trụ sở chủ đầu tư là Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai (Thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) để nộp hồ sơ đăng ký mua căn hộ dành cho người thu nhập thấp tại khu CT1 - Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông.
Ông Đặng Hoàng Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai cho biết, sau 15 ngày tiếp nhận hồ sơ, đã có 1.890 hồ sơ được nộp, trong đó có 1.088 hồ sơ hợp lệ và 802 hồ sơ không hợp lệ. Các hồ sơ không hợp lệ được trả lại để người dân hoàn thiện và Công ty sẽ tiếp tục nhận hồ sơ đến ngày 25/9/2010. Đa số hồ sơ bị trả lại là để bổ sung, làm rõ các thông tin liên quan.
Theo ông Huy, Dự án CT1 - Ngô Thì Nhậm là dự án nhà ở xã hội đầu tiên được mở bán công khai tại Hà Nội, nên doanh nghiệp cũng đã lường trước là có rất đông người đăng ký mua. Do số lượng căn hộ có hạn (352 căn hộ), mà nhu cầu lại quá lớn, nên doanh nghiệp sẽ phân loại hồ sơ gửi lên Sở Xây dựng Hà Nội để chấm điểm và duyệt danh sách mua. Với 352 căn hộ của dự án này, sẽ chỉ có hơn 10% số người nộp hồ sơ nhận được quyền mua căn hộ. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các đối tượng ưu tiên, như gia đình chính sách, thương binh, nghệ sĩ nhân dân…
Chọn thời điểm thích hợp
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, đối với nhà ở cho người có thu nhập thấp, tính đến thời điểm này, số lượng nhà đầu tư đăng ký các dự án đã cơ bản bảo đảm kế hoạch đề ra đến năm 2015. Một số dự án đã triển khai, như các khu chung cư cao tầng CT1, CT2 thuộc Dự án Khu dân cư Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông), Khu Sài Đồng (Long Biên), Khu đô thị mới Đặng Xá (Gia Lâm), Khu Đại Mỗ (Từ Liêm), Khu Kiến Hưng (Hà Đông).
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận danh sách các nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án nhà ở xã hội đến năm 2015, với tổng số 25.000 căn hộ, phân bố rải rác trên địa bàn các huyện Gia Lâm, Thạch Thất, Mê Linh, Hà Đông, Long Biên và Đông Anh. Do vậy, người dân nên bình tĩnh lựa chọn thời điểm và dự án thích hợp để nộp hồ sơ. Những trường hợp xét thấy mức độ ưu tiên của mình chưa cao thì chưa nên tham gia đăng ký mua nhà đợt này, mà chờ các dự án kế tiếp, bởi những khách hàng đạt điểm tối đa (100 điểm) trong thời gian đầu sẽ rất lớn.
Trong trường hợp số lượng các hồ sơ đạt điểm 100 vượt số căn hộ đã có, ông Tuấn cho biết, Sở sẽ tiến hành bốc thăm công khai để chọn những người được mua căn hộ.
Nguồn cung nhà ở xã hội tại Hà Đông cũng sẽ tăng mạnh trong năm 2011, khi một dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp quy mô 5 khối nhà 19 tầng gồm 1.512 căn hộ (giá bán dự kiến 8 triệu đồng/m2) đã được Tổng công ty Vinaconex khởi công ngày 21/8/2010. Bên cạnh đó, gần 1.000 căn hộ cho thuê theo diện nhà xã hội do vốn ngân sách thành phố đầu tư cũng đang được gấp rút hoàn thiện tại Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên).
Trước đó, năm 2009, nhà giá rẻ tại tỉnh Vĩnh Phúc, Thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) và đầu năm nay là khu Đặng Xá (huyện Gia Lâm) cũng đã được các chủ đầu tư khởi công, dự kiến mở bán vào quý I/2011 và bàn giao nhà vào quý IV/2011.
Sẽ xử lý mạnh tay
Theo Quyết định số 45/2010/QĐ–UBND quy định việc bán, cho thuê, thuê mua, quản lý và sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố, vừa được Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Phí Thái Bình ký ban hành ngày 13/9/2010, người kê khai gian dối để mua nhà xã hội, nếu phát hiện, sẽ bị buộc trả lại nhà đã mua, thuê, thuê mua; người lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định liên quan đến xác nhận đối tượng cũng như việc bán, cho thuê, thuê mua và quản lý sử dụng nhà xã hội, tuỳ theo mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Chủ đầu tư phân phối sai sẽ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị thu hồi dự án, đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản trong 2 năm, thu hồi giấy phép kinh doanh.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn cũng cho rằng, như vậy, những người đầu cơ và mua lại nhà dành cho người có thu nhập thấp sẽ chịu nhiều rủi ro. “Nhà xã hội chỉ được phép bán sau thời gian sử dụng 10 năm, người mua đã trả hết tiền cho chủ đầu tư và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Nếu chưa đủ 10 năm, nhà xã hội chỉ được bán cho cơ quan quản lý nhà của Thành phố hoặc chủ đầu tư. Do vậy, đừng vì một mối quan hệ nào đó mà gây ảnh hưởng đến cộng đồng và đến sự nghiệp của chính mình”, ông Tuấn khuyến cáo.
(Theo Đầu Tư)