Trong thời gian trở lại đây, tình trạng trục lợi từ gói 30 nghìn tỷ đồng của các doanh nghiệp đã được phản án rất nhiều trên báo chí. Trong khi đó, những người thu nhập thấp lại rất khó khăn trong việc tiếp cận với gói mà mình là đối tượng chính. Điều này cho thấy chưa có giải pháp ngăn chăn việc trục lợi của doanh nghiệp từ phía cơ quan quản lý, gây cho người dân không ít thiệt hại.
Liên quan tới vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Nên - Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã khẳng định, mục đích của gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng là để tạo điều kiện được vay vốn thuê, thuê mua và mua nhà ở thương mại cũng như nhà ở xã hội có giá thấp, diện tích nhỏ cho những đối tượng người lao động, viên chức, cán bộ công chức, lực lượng vũ trang gặp khó khăn về nhà ở.
Đến ngày 31/5 vừa qua, sau hơn 2 năm thực hiện, số tiền cam kết cho vay với khách hàng đã đạt gần 50% tổng số tiền của gói hỗ trợ và đạt 14.161 tỷ đồng. Trong số đó có hơn 18 nghìn cá nhân, hộ gia đình được cho vay với số tiền gần 9 nghìn tỷ đồng.
Bộ trưởng Nên cho biết: "Về tình hình một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ này để trục lợi, Bộ Xây dựng đã giao Thanh tra Bộ và Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS kiểm tra làm rõ; đồng thời tiến hành rà soát, tiếp tục hoàn thiện các quy định về đối tượng và điều kiện cho vay để tránh việc lợi dụng".
|
Hành vi trục lợi từ gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng đang được Chính phủ chỉ đạo xử lý một cách nghiêm khắc |
Việc giải ngân vốn vay, quy trình cho vay cũng được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng nhằm đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích theo quy định. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp cùng các địa phương để kiểm tra các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, những địa phương đã được báo chí phản ánh sẽ được kiểm tra đầu tiên và xử lý nghiêm các vi phạm.
Ngoài ra, theo phản ánh của không ít cơ quan báo chí, dù đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 nhưng đến nay Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp vẫn còn thiếu một vài văn bản hướng dẫn cụ thể và quy định chi tiết. Việc này cũng khiến không ít doanh nghiệp lúng túng và gặp khó khăn. Theo đó, tác động tích cực của các Luật này cũng bị giảm đi ít nhiều.
Theo khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, Luật Kinh doanh BĐS 2014, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đều có những điểm mới với mục đích thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp 2013. Với những cải cách mạnh mẽ của các Luật này, các rào cản đã được khơi thông đối với môi trường kinh doanh, đầu tư, thủ tục hành chính; thiết lập các cơ chế bảo vệ, hỗ trợ thị trường, nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như an toàn cho người dân.
Sau khi các Luật được Quốc hội thông qua, ngay từ đầu năm 2015, các Bộ, cơ quan đã được Thủ tướng Chính phủ có quyết định phân công khẩn trương soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện các Luật này.
Sau quá trình tích cực xây dựng, các Bộ đã trình các nghị định quy định chi tiết thi hành và đã có sự tham gia ý kiến của các thành viên Chính phủ, trong khi đó, cơ quan soạn thảo đang nghiên cứu tiếp thu và chỉnh lý.
Theo ông Nên: "Để bảo đảm thực hiện ngay các quy định của Luật tại thời điểm Luật có hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan chức năng có văn bản hướng dẫn việc áp dụng trực tiếp các quy định mới của Luật, bảo đảm thông suốt trong hoạt động của người dân, doanh nghiệp".
Cũng theo thông tin từ Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng Pháp luật tháng 7/2015 mới đây, nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật đã có hiệu lực, Chính phủ cũng đã xem xét và quyết nghị những nội dung, giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong đó có Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Doanh nghiệp.