Từ vài ngày nay, vợ chồng chị Hoan (quê Nam Định, thuê trọ ở Hà Nội) vô cùng lo lắng trước thông tin giá điện tăng thêm 5% và nước tăng 50% từ tháng 7.
Từ vài ngày nay, vợ chồng chị Hoan (quê Nam Định, thuê trọ ở Hà Nội) vô cùng lo lắng trước thông tin giá điện tăng thêm 5% và nước tăng 50% từ tháng 7. Suy đi tính lại, anh chị quyết định tìm một phòng trọ rẻ hơn để bù vào chi phí điện nước.
Hiện tại, vợ chồng chị Hoan đều có công việc ổn định với mức lương khá. Cưới nhau từ năm ngoái, anh chị liền thuê một căn phòng gần 30m2 khang trang, sạch đẹp ở Cầu Giấy, Hà Nội. Tuy vậy, mỗi tháng vợ chồng trẻ này phải chi hơn 5 triệu đồng vào tiền thuê nhà, điện, nước.
Giá phòng 3,5 triệu đồng, điện 5.000 đồng/số, nước 25.000 đồng/m3. Chỉ riêng 3 khoản này đã ngốn hết toàn bộ tháng lương của tôi. Chúng tôi lại sắp có con, thật chẳng thể dư ra đồng nào", chị Hoan bộc bạch.
Nếu như với cách tính của nhà trọ - điện gấp 3, nước gấp 5 mức giá hiện hành - thì chắc hẳn với đợt tăng giá này gia đình chị Hoan sẽ phải chi thêm gần 500.000 đồng mỗi tháng.
"Giờ đang là mùa hè nên bảo phải tiết kiệm điện, nước hẳn là rất khó. Vợ chồng tôi đang tính chuyển ra các vùng ven đô, giá nhà rẻ hơn, điện, nước cũng đỡ hơn trên này. Nếu tìm được nhà trọ nào tính điện, nước theo giá sinh hoạt thì tốt", chị tâm sự.
Với nhiều sinh viên, cuộc sống lại càng khó khăn hơn từ ngày hôm qua - 1/7. "Đọc thông tin điện tăng 5%, nước tăng ít nhất 50% mà mình phát hoảng. Nhà nước đã tăng thế thì chủ nhà của mình còn tăng thêm thế nào", Ngọc, sinh viên năm thứ 2 một trường đại học ở Cầu Giấy, cho biết.
Cách đây 3 tháng, Ngọc đã bức xúc vì đột ngột chủ nhà tăng giá điện từ 4.000 đồng lên 5.000 đồng/số, nước từ 80.000 lên 120.000 đồng/tháng. Không thể chuyển đi, cô bạn đành ngậm ngùi chấp nhận mỗi tháng chi thêm cả trăm ngàn đồng.
Để bù lại khoản này, Ngọc đành phải tiết kiệm chi tiêu. "Nhìn mức tiền tăng thêm tưởng chẳng là bao nhưng với sinh viên nó quý lắm. Vào lúc hết tiền thì ngần ấy cũng đủ ăn cả tuần. Thế mà điệp khúc tăng giá nhà trọ, điện, nước lại cứ vài tháng một lần. Với lần tăng này, chắc mình chuyển sang mắc đèn dầu cho đỡ tốn" cô chua chát.
Chủ nhà trọ "tát nước theo mưa", viện cớ giá điện, nước để tăng giá phòng trọ thi đại học khiến nhiều sĩ tử vừa chân ướt, chân ráo lên thành phố trở tay không kịp.
Theo phụ huynh sĩ tử Phạm Bích Ngân (dự thi Đại học Ngoại Thương) thì chiều qua ông phải đội mưa, tìm nhà trọ cả buổi mới được căn phòng tạm ưng ý.
"Tôi hỏi một căn nhà cấp 4, ở ghép thì họ đưa giá 150.000/người/ngày. Một gác hai, hơn 10 người ngủ la liệt thì lại hét 200.000 đồng/người/ngày. Lúc tôi thắc mắc tại sao giá lại chênh nhiều so với các tình nguyện ngoài bến xe đưa ra thì họ bảo giờ điện tăng, nước sắp tăng, lại đang là mùa thi phòng khan hiếm nên đó là giá chung rồi".
Không nói được lời nào, ông đành thuê một căn phòng khép kín, có điều hòa. "Tranh thủ mấy ngày thi đại học, chủ nhà này cho thuê 2 căn phòng, giá rẻ hơn những nơi khác. Tôi mặc cả thì được bớt còn 700.000 đồng một ngày cả hai bố con. Giá cao nhưng yên tĩnh để con tôi tận dụng chút thời gian còn lại học. Chắc thi xong bố con tôi cũng về luôn vì tiền thuê nhà vượt quá dự kiến, không còn đủ đi chơi Hà Nội được", ông bố buồn rầu nói.
Trong việc tăng giá điện, nước thì đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là những người ở trọ, luôn phải chịu giá cả do chủ nhà đưa ra. Khảo sát một số khu vực như Mỹ Đình, Cầu Giấy, Chùa Láng, Kim Mã... thì đều nhận được một câu trả lời: "Nhà nước tăng giá thì chúng tôi cũng tăng thôi".
Điện, nước tăng giá cũng tác động không nhỏ đến hộ gia đình. Hai ngày qua mỗi khi có dịp ngồi nói chuyện với nhau, một nhóm phụ nữ có gia đình ở chung cư Đào Duy Từ (quận 10, TP HCM) lại đem chuyện giá điện “leo thang” ra than thở.
“Mùa này mấy đứa nhỏ nhà em nghỉ hè ở nhà nên phải bật máy lạnh, tivi, vi tính cả ngày. Mặc dù em luôn dặn dò các con hạn chế bật máy móc khi không sử dụng, nhưng nói gì thì nói cứ tình hình này có khi chi phí điện sắp tới phải gấp rưỡi tháng trước.”, chị Trang ưu tư.
Người mẹ 38 tuổi này cho biết, hôm qua chị đã nhờ thợ điện kiểm tra lại các thiết bị điện trong nhà, đồng thời cho thay những bóng điện tuýp bằng đèn compact. Chị thở dài: “Chẳng mong tiết kiệm được nhiều nhưng tình hình này cứ phải tính toán chi tiêu cẩn thận không thì đói mất các bác ạ!”.
Cũng chung tâm trạng này, bà Hòa (53 tuổi) kể, hiện gia đình bà dùng rất nhiều thiết bị điện từ quạt máy, tivi, tủ lạnh, máy lạnh…trung bình một tháng tốn hơn 400.000 đồng tiền điện. Trước nỗi lo vật giá leo thang, giờ lại thêm giá điện, nước tăng, bà Hòa đã phổ biến rõ với cả nhà về chính sách “thắt lưng buộc bụng”, đặc biệt là mục tiêu tiết kiệm điện, nước tối đa.
Hiện nay trên các diễn đàn mạng, chủ đề “giá điện leo thang” cũng một số chị đem ra mổ xẻ, đồng thời bàn hỏi nhau cách sử dụng điện tiết kiệm. Nick name thienaq37 cho biết, để “sống chung với lũ”, chị một mặt lên mạng tìm hiểu về cách sử dụng điện tiết kiệm, một mặt ra “tối hậu thư” cho cả nhà để thống nhất thực hiện nghiêm các nguyên tắc này.
Một số phương pháp tiết kiệm điện được thienaq37 chia sẻ với mọi người như: nên sử dụng đèn tuýp gầy và compact thay cho bóng đèn tròn; chỉnh âm lượng và độ tương phản tivi ở mức thấp và điều chỉnh bằng các nút trên tivi thay vì dùng điều khiển từ xa, không xem truyền hình khi kết nối với đầu video; máy điều hòa nên chỉnh nhiệt độ trên 25 độ C, tắt máy khi ra khỏi nhà hơn một tiếng đồng hồ và thường xuyên lau chùi các bộ phận lọc để không bị bám bụi…
(Theo VNE)