Quỹ nhà tái định cư của thành phố thiếu thốn khiến việc giải phóng mặt bằng tại một số công trình trọng điểm bị chậm tiến độ. Sốt ruột với vấn đề này, Sở GTVT Hà Nội chính thức lên tiếng...
Quỹ nhà tái định cư của thành phố thiếu thốn khiến việc giải phóng mặt bằng tại một số công trình trọng điểm bị chậm tiến độ. Sốt ruột với vấn đề này, Sở GTVT Hà Nội chính thức lên tiếng...
Mỗi năm, Hà Nội có hàng chục dự án lớn nhỏ liên quan đến GPMB hàng ngàn ha đất, di dời hàng vạn hộ dân. Nhưng có thể thấy, hầu như dự án nào cũng gặp phải các vấn đề phức tạp như mức giá đền bù, hỗ trợ, bố trí nhà TĐC… trong đó vẫn loay hoay với bài toán thiếu quỹ nhà TĐC .
Nhu cầu nhà tái định cư (TĐC) trên địa bàn Hà Nội rất lớn, riêng 3 dự án đường vành đai đã cần 12.800 căn hộ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện quỹ nhà TĐC của thành phố (TP) có 1.257 căn hộ chưa sử dụng.
Tại dự án đường Vành đai 1 đoạn Ô chợ Dừa – Hoàng Cầu, đến nay dù đã chuẩn bị tiếp tục phương án GPMB giai đoạn tiếp theo nhưng người dân vẫn còn thấp thỏm nhiều vấn đề.
Một hộ dân tại đây cho biết: “Trước kia, ở Kim Liên – Ô chợ Dừa số tiền đền bù cho 1m2 đất có thể mua được 3m2 nhà tái định cư nhưng đối với đoạn tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, 1m2 đất đền bù chỉ tương xứng với tiền mua 2m2 nhà tái định cư nên vấn đề người dân so sánh về mức giá đền bù trên cùng một vành đai giữa là điều dễ hiểu. Nhưng điều quan trọng khi chúng tôi chuyển về TĐC ở Nam Trung Yên (Cầu Giấy) diện tích chỉ vào khoảng 40m2. Với diện tích này, sẽ không đảm bảo cho những gia đình nhiều thế hệ tại đây. Nhà TĐC thiếu thốn, chật chội, GPMB thì dân phải đi nhưng TĐC không bằng nơi ở cũ thì sao bảo dân đến. Đi TĐC nhưng dường như chúng tôi không có quyền lựa chọn vị trí TĐC phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính”.
Cũng nằm trong dự án đường Vành đai 1, ông Hùng cho biết: “Dù chưa nằm trong diện GPMB trong thời gian tới, chưa có chính sách đền bù cụ thể nhưng vấn đề về nhà TĐC cũng khiến tôi còn nhiều băn khoăn”.
Thông cảm với quỹ đất TĐC đang rất thiếu hiện nay ông bày tỏ: “Nhà TĐC thiếu là sự sắp xếp, xây dựng của nhà nước nhưng chỉ mong các vị lãnh đạo đặt mình vào địa vị của người dân mất nhà, mất đất để thấy được những khó khăn của chúng tôi. GPMB để xây dựng công trình công cộng thì chúng tôi tình nguyện nhưng lấy đất cũ phải tạo cho chúng tôi nơi ở mới để an cư chứ không thể sống theo kiểu tạm cư chục năm hay vài chục năm được”.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong năm 2012, ước tính nhu cầu quỹ nhà TĐC cho các dự án vào khoảng 6.500 căn thì các dự án xây dựng nhà TĐC dự kiến hoàn thành chỉ đáp ứng 50% nhu cầu nhà ở TĐC. Nhưng nhìn vào nhu cầu thực tế của người dân thì quỹ đất TĐC hiện nay thiếu vẫn cứ thiếu, thừa vẫn cứ thừa.
Sở Giao thông vận tải cũng phải lên tiếng …
Để giải quyết tình trạng thiếu nhà TĐC trầm trọng hiện nay, Sở Xây dựng đã đề nghị Thành phố cho xây dựng cơ chế để mua lại nhà thương mại đã xây xong của doanh nghiệp để phục vụ tái định cư.
Mới đây, quá lo lắng với các công trình trọng điểm bị chậm tiến độ, Sở Giao thông đã lên tiếng về vấn đề này. Theo đó, căn cứ vào đề án xây dựng các khu đô thị phục vụ tái định cư của Hà Nội với tổng quỹ nhà tái định cư trong gần 10 năm tới ước cần 50.000 căn hộ và 10.000 lô đất, Sở Giao thông cho rằng, đây là khối lượng rất lớn. Vì vậy, theo Giám đốc Nguyễn Quốc Hùng, để chủ động trong công tác chuẩn bị quỹ nhà, quỹ đất tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng các dự án phát triển hạ tầng, đặc biệt dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, Sở đề nghị UBND thành phố xem xét, chấp thuận chủ trương cho Sở làm chủ đầu tư xây dựng một số khu đô thị phục vụ tái định cư cho các dự án về giao thông trên địa bàn.
Vẫn đang loay hoay với bài toán thiếu nhà TĐC thì gần đây dư luận lại xôn xao việc sử dụng đất 20% sai mục đích (biến nhà tái định cư thành nhà thương mại) tại dự án CT1, CT2 Khu đô thị Yên Hòa (Hà Nội).
Bài toán về GPMB – đáp ứng nhà TĐC cho người dân vẫn chưa thể giải quyết thỏa đáng khi quỹ nhà TĐC còn thiếu hụt nhiều với nhu cầu nhà ở TĐC cho các hộ dân bị thu hồi đất.
(Theo VLand)