Đề xuất của Bộ Xây dựng với Thủ tướng Chính phủ việc quy định sở hữu chung cư có thời hạn (50 năm) đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.
Đề xuất của Bộ Xây dựng với Thủ tướng Chính phủ việc quy định sở hữu chung cư có thời hạn (50 năm) đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.
Bên cạnh các ý kiến cho rằng quy định khó khả thi, rối rắm thì không ít ý kiến bày tỏ sự đồng tình vì cho rằng nếu quy định này đi vào thực tế sẽ giải quyết được nhiều bất cập của thị trường hiện nay…
Về đề xuất quy định nhà chưng cư sở hữu chỉ nên có thời hạn 50 năm, các nhà kinh doanh BĐS lo ngại tâm lý người Việt chỉ quen sở hữu vĩnh viễn nên nếu quy định này được thực thi, các chung cư sẽ bị ế!
Một số người dân thì cho rằng, để sở hữu một căn hộ chung cư phải tiết kiệm, tích góp tài sản bằng cả đời người. Việc quy định sở hữu chung cư có thời hạn dường như tước đoạt quyền sở hữu chính tài sản của người sở hữu…
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, đề xuất đưa ra có nhiều ý kiến phản hồi lại, dù là phản biện hay đồng tình đều rất tốt, chứng tỏ vấn đề đang rất được quan tâm. Tuy nhiên, khi xem xét vấn đề này cần phải soi chiếu nhiều mặt lợi, hại và đặc biệt là đặt quyền lợi toàn cục lên trên.
Trước hết, đề xuất của Bộ đối với việc sở hữu nhà chung cư có thời hạn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cấp, cải tạo lại nhà chung cư cũ, quy hoạch đô thị; Thứ hai là góp phần làm giảm giá nhà đất, tạo cơ hội cho các đối tượng thu nhập trung bình và thu nhập thấp có cơ hội mua nhà; Thứ ba, xuất phát từ thực tế Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách để làm tăng nguồn cung về nhà ở cho thị trường, góp phần làm giảm giá nhà ở nhằm tạo điều kiện cho những người thu nhập trung bình có khả năng tạo lập chỗ ở.
Tuy nhiên, do các chính sách được ban hành còn chưa đồng bộ nên trong thời gian vừa qua, giá nhà ở luôn tăng cao, vượt quá khả năng về tài chính của một bộ phận lớn dân cư, đã dẫn đến sức ép về nhà ở ngày càng tăng, đặc biệt là nhà ở tại khu vực đô thị.
GS-TSKH Đặng Hùng Võ, chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về chính sách quản lý đất đai, thị trường BĐS ủng hộ mạnh mẽ đề xuất của Bộ Xây dựng. GS Võ cho rằng, quy định này nếu áp dụng sẽ giải quyết được nhiều mâu thuẫn, lực cản đối với sự phát triển đô thị và thị trường BĐS. Nhưng cần phải xác định rõ, sở hữu chung cư có thời hạn nên bắt đầu từ những chung cư hình thành mới. Còn những chung cư cũ, việc sở hữu lâu dài vẫn được duy trì và tìm giải pháp phù hợp sau.
Thứ nhất, quy định sở hữu chung cư có thời hạn, hết 50 năm, cũng là lúc chung cư xuống cấp, nguy hiểm cần phải xây mới. Khi đó, Nhà nước có thể cho xây mới lại chung cư nếu hạ tầng cơ sở trong khu vực không bị quá tải.
Còn trong trường hợp bị quá tải như khu vực nội đô Hà Nội hiện nay, Nhà nước dễ dàng quy hoạch lại thành đường giao thông, điểm vui chơi công cộng, giảm sự quá tải trong khu vực. Hiện nay, do việc quy định sở hữu chung cư vĩnh viễn nên gây khó khăn cho cả việc cải tạo lại chung cư cũ và quy hoạch phát triển các thành phố trung tâm.
Thứ hai, khi quy định sở hữu chung cư có thời hạn, giá nhà chung cư sẽ rẻ vì giá này chỉ là giá công trình mà không bị kèm theo giá đất. Như vậy, khi giá nhà càng rẻ người có nhu cầu (thu nhập thấp) sẽ có cơ hội có nhà nhiều hơn chứ không thể ế loại chung cư này.
Ý nghĩa nữa là thay vì phải tích lũy 30 năm hay bỏ ra 2 - 3 tỉ đồng (giá hiện nay) mới mua được nhà thì người có nhu cầu chỉ cần tích lũy 10 năm hoặc bỏ ra khoảng 1/3 số tiền trên là mua được nhà.
Thứ ba, việc quy định sở hữu chung cư có thời hạn sẽ hạn chế đáng kể nạn đầu cơ. Bởi với loại chung cư sở hữu có thời hạn, càng găm giữ, thời gian sở hữu càng ngắn lại, giá nhà sẽ giảm theo thời gian sở hữu. Giới đầu cơ sẽ phải cân nhắc khi định đầu tư vào loại nhà này.
Theo GS Võ, người dân chưa quen khái niệm mới về sở hữu chung cư có thời hạn nên phản ứng. Nhưng nếu hiểu rõ những cái lợi mà quy định này mang lại như giá nhà chung cư sẽ giảm, nhiều người dân sẽ có cơ hội mua được nhà hơn; việc quy hoạch, phát triển đô thị sẽ thuận lợi hơn; nạn đầu cơ bị đẩy lui, giá nhà, đất không bị bong bóng; nguồn tiền mua nhà, đất thay vì phải bỏ ra 2 - 3 tỉ đồng để mua một căn hộ như giá hiện nay thì chỉ phải bỏ ra 1 tỉ đồng là có nhà, chắc nhiều người sẽ ủng hộ.
Theo các chuyên gia BĐS, để người dân dễ so sánh sự lợi và hại giữa việc sở hữu loại nhà chung cư có quyền vĩnh viễn và loại sở hữu có thời hạn, Bộ Xây dựng có thể cho duy trì 2 loại sản phẩm này.
Theo đó, khi chung cư sở hữu vĩnh viễn có giá 20 - 30 triệu đồng/m2 và loại chung cư sở hữu có thời hạn 50 năm có giá 8 - 10 triệu đồng/m2, người có nhu cầu sẽ có sự lựa chọn sáng suốt, phù hợp với nhu cầu và điều kiện kinh tế của mình.
(Theo báo Tin Tức)