Công ty AceCook Việt Nam vừa khánh thành khu nhà ở cho gần 500 công nhân trị giá 1,5 triệu USD tại Bình Dương. Ở Đồng Nai, Công ty Formosa cũng "đổ" hơn 6 triệu USD xây ký túc xá 9 tầng cho 2.000 nhân viên. Ngoài ra, còn nhiều dự án nữa đang sắp triển khai.
Công ty AceCook Việt Nam vừa khánh thành khu nhà ở cho gần 500 công nhân trị giá 1,5 triệu USD tại Bình Dương. Ở Đồng Nai, Công ty Formosa cũng "đổ" hơn 6 triệu USD xây ký túc xá 9 tầng cho 2.000 nhân viên. Ngoài ra, còn nhiều dự án nữa đang sắp triển khai.
Ngày 30/6, Công ty Acecook Việt Nam đã khánh thành khu nhà ở cho công nhân tại ấp 1B, xã An Phú, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Khu lưu trú rộng hơn 8.540 m2, gồm 61 phòng ở có sức chứa 472 người và 9 phòng sinh hoạt chung.
Toàn bộ khu chung cư được lát gạch men, tường ốp gạch hoặc sơn nước. Các tiện ích khác như phòng bóng bàn rộng 40 m2, thư viện 30 m2 với 1.500 đầu sách, phòng karaoke có sức chứa 20 người, khu bếp tự nấu rộng 60 m2, căn tin phục vụ ăn uống 24 trên 24, hai phòng ở dành cho người thân có diện tích 68 m2 và các khu ăn uống, giải trí khác.
Khu nhà gồm 4 tầng, mỗi tầng 14 phòng, mỗi phòng có trang thiết bị 4 giường đôi, 4 tủ đôi, quạt, tủ lạnh, bàn ghế, hệ thống báo cháy. Riêng khu sinh hoạt chung của mỗi tầng rộng 55 m2, được trang bị nhiều vật dụng sinh hoạt khác. Khu nhà vệ sinh chung có diện tích khoảng 60 m2 được trang bị máy giặt công nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu giặt của 150 người cùng một lúc.
Bên ngoài tòa nhà được chia thành nhiều phân khu chức năng như khu để xe rộng 300 m2, khu công viên cây xanh có diện tích 4.200 m2, hai sân cầu lông và hệ thống xử lý nước thải, hệ thống bảo vệ.
Công nhân nữ làm việc lâu năm cho AceCook và đạt danh hiệu sao đỏ do công ty tổ chức sẽ được ưu tiên xét vào ở trong chung cư này.
Đầu tư 6,25 triệu USD, Công ty Formosa Việt Nam cũng vừa xây ký túc xá 9 tầng tại khu dân cư xã Hiệp Phước, tỉnh Đồng Nai hơn 2.000 chỗ cho công nhân. Khu ký túc xá được thiết kế và trang thiết bị tiện nghi. Mỗi tầng đều có một phòng đọc báo, xem TV, chơi bida, bóng bàn. Phòng tắm có chế độ nước nóng 24/24, phòng giặt và phơi quần áo.
Diện tích trung bình mỗi phòng ở đây khoảng 24 m2, trang bị 3 giường tầng dành cho 6 người, có tủ kệ cá nhân riêng biệt, có bàn đọc sách... Ngoài bếp ăn tập thể, khu lưu trú này còn có căn-tin phục vụ ăn uống, quầy bưu điện, ngân hàng, cắt uôn tóc, bách hóa, phòng y tế... Tất cả kết nối thành cụm dịch vụ trọn gói phục vụ khoảng 2.000 người.
Trước đó, Công ty TPC nhựa Phước Thái, Công ty dệt nhuộm Choong Nam cũng xây dựng những khu nhà ở cho công nhân gần khuôn viên nhà máy để tạo điều kiện cho người lao động an cư và làm việc tại Đồng Nai.
Riêng TP HCM, kế hoạch đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố từ nay đến năm 2010 là 6 dự án với 10.300 chỗ. Con số trên tương đương 31.000 m2 sàn xây dựng ( 3m 2 một chỗ, theo quy định của Bộ Xây dựng). Những dự án này sẽ nằm tại các khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu công nghiệp có sẵn như Tân Thuận, Linh Trung 2, Tân Tạo, Lê Minh Xuân...
Theo Sở Xây dựng, TP HCM có 12 dự án đang xin điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, dự kiến khoảng 35 ha với quy mô khoảng 175.000 chỗ, tương đương 525.000 m2 sàn xây dựng. Những nhu cầu còn lại của công nhân khoảng 2.000 chỗ, tương đương 6.000 m2 sẽ tùy thuộc vào người dân hoặc tư nhân xây dựng, kinh doanh nhà trọ, nhà cho thuê.
Đến cuối năm 2006, TP HCM đã có 3 khu chế xuất, 11 khu công nghiệp với tổng số lao động gần 22.000 người. Tuy nhiên, chỉ có 5 trên tổng số 14 khu chế xuất, khu công nghiệp đã xây nhà lưu trú cho công nhân. Dự báo, đến 2010 sẽ có khoảng 520.000 công nhân cần nơi lưu trú.
Thanh Lê