Chính thái độ của mỗi người đối với cộng đồng sẽ quyết định tình trạng khép kín hay cởi mở trong lối sống chung cư.
Chính thái độ của mỗi người đối với cộng đồng sẽ quyết định tình trạng khép kín hay cởi mở trong lối sống chung cư.
1. Căn hộ đương nhiên khác với căn nhà (nhà biệt thự, nhà phố). Căn hộ luôn nằm trong một tòa nhà có nhiều tầng, mỗi tầng có nhiều hoặc rất nhiều căn hộ. Diện tích và chất lượng của các căn hộ cũng đã ngày càng khác so với trước đây. Giá bán của căn hộ sẽ được quyết định bởi các yếu tố: chung cư nằm ở vị trí nào của đô thị; chung cư được xây dựng với đẳng cấp nào; diện tích và thiết kế của các căn hộ ra sao; tiện ích chung của tòa nhà thế nào... Có căn hộ ở tầng 15 rộng đến mấy trăm mét vuông, đẹp như mơ theo kiểu villa-vườn-treo. Có căn hộ có giá cả triệu USD mà diện tích chỉ gần 150 m2, chả vườn tược gì.
Nói dông dài thế để thấy không phải ai ở chung cư cũng là người thuộc diện thu nhập trung bình. Và càng không phải ở căn hộ chung cư là khép kín, còn ở căn nhà biệt lập thì mới cởi mở.
2. Nhìn chung, cuộc sống ở nông thôn dĩ nhiên thoáng đãng, rộng rãi hơn ở đô thị đất chật người đông. Ở nhà biệt lập thì dễ chịu hơn ở căn hộ chung cư vì ra vào không chạm mặt ai, không phải khó chịu vì tiếng ồn, vì rác và sự nhớp nháp ở không gian chung. Thực tế ấy may thay lại không phải là bất biến.
Có thể thấy tình trạng vệ sinh ở các chung cư, không cứ là chung cư cao cấp, đã ngày càng thay đổi theo hướng tích cực. Sự thay đổi ấy không phải chỉ vì có người chuyên dọn dẹp và được trả công thỏa đáng từ sự đóng góp của các chủ căn hộ. Nó còn bắt đầu từ nhận thức của những người sống trong chung cư. Hành lang chung, cầu thang chung đang được giữ sạch sẽ vậy, người nào xả rác cũng sẽ thấy ngại tay và xấu hổ với những người xung quanh. Cố nhiên vẫn còn những trường hợp vô ý thức đối với vệ sinh công cộng nhưng số đó đã ít hẳn đi.
Chỉ riêng chuyện không gian chung được giữ sạch sẽ đã có thể khiến nhiều người bớt dần ác cảm với cái hình thái “sống chung đụng” ở chung cư. Vậy thì phải chăng chính thái độ của mỗi người đối với cộng đồng, từ chuyện nhỏ nhất là giữ vệ sinh chung mới là cái quan trọng, cái quyết định tình trạng khép kín hay cởi mở trong lối sống chung cư chứ không phải là do lối thiết kế riêng biệt của từng căn hộ?
3. Ngoài việc giữ vệ sinh chung hay giữ yên lặng trong giờ nghỉ trưa, nghỉ tối, một điều quan trọng cần xây dựng trong các chung cư chính là ý thức quan tâm đến những người xung quanh. Chừng nào người ta còn có nhu cầu được biết ai đang sống cạnh mình, được làm quen với những người sống cùng chung cư với mình, chừng ấy mới mong họ có sự quan tâm tới nhau để mà chia vui, sẻ buồn. Và ý thức ấy cũng không thể tự nhiên mà có.
Thiết nghĩ chúng ta phải tạo ra các điều kiện cụ thể để góp phần cải thiện sự thờ ơ, tẻ lạnh tưởng như là cố hữu trong một bộ phận cộng đồng. Khu đô thị Phú Mỹ Hưng có đủ loại nhà để cho người ta lựa chọn tùy theo túi tiền. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn thích nhất cái lối thiết kế và tổ chức cuộc sống trong các chung cư của Mỹ Khang, Mỹ Phúc… Mỗi căn hộ từ 124 m2 hay rộng hơn chút ít, có vài ba phòng ngủ cùng phòng khách rộng rãi, tràn ngập ánh sáng tự nhiên. Vậy mà ở mỗi tầng, nhà thiết kế vẫn tạo ra không chỉ là bể bơi mà còn phòng sinh hoạt công cộng, phòng tập thể dục công cộng, phòng chơi chung cho trẻ em. Nhưng đáng kể nhất vẫn là khoảnh sân vườn chung cho mọi người, có các dãy ghế gỗ dài, có các bồn hoa, có cả một sân khấu nhỏ xíu đủ cho người sống trong chung cư có thể gặp gỡ, trò chuyện, vui vẻ văn nghệ, trò chuyện. Và người làm nhiệm vụ kéo mọi người ra khỏi các căn hộ riêng biệt và tiện nghi của mình chính là các thành viên tích cực của ban điều hành của chung cư. Thông qua các thành viên ấy, mọi người được giới thiệu làm quen với nhau, biết hoàn cảnh của nhau. Từ đó mọi người xích lại gần với nhau hơn.
Chia vui sẻ buồn được với nhau hay không, “bà con xa láng giềng gần hay không” cũng còn tùy thuộc vào cái cách tổ chức đời sống ở một nơi vẫn bị định kiến là nhà ai nấy sống. Ở chung cư của Hãng phim Giải phóng, chị bạn tôi (đạo diễn VL) bảo bao nhiêu năm cầu thang chung tối mò mò mà ai nấy đều bấm bụng chịu chứ chẳng có giải pháp nào. Đến một ngày chị sửa nhà, ông kiến trúc sư nói có thể cải thiện tình trạng cầu thang tối này nhưng phải tốn kha khá tiền. Chị đem chuyện ấy bàn với mọi người trong chung cư và chủ động giành phần góp nhỉnh hơn. Thật mừng là chẳng ai phản đối…
Từ sự đồng tình đóng góp của mọi người, một cửa sổ lớn đã được mở trên mảng tường lạnh lùng khiến cho cái cầu thang tối om ngày nào bỗng sáng bừng tươi mới - điều chưa hề có trong suốt 15 năm qua. Từ dạo đó, tiếng bước chân lên cầu thang mỗi ngày dường như rộn rã hơn. Mọi người dường như cũng xích lại gần với nhau hơn. Sống ở những chung cư như thế, sao người ta còn phải e ngại không có mối quan hệ tình nghĩa giữa cộng đồng?
(Theo PLTPHCM)