Cầu Thanh Trì đã thông xe ngày 2/2, nhưng hàng trăm hộ dân ở các khu tái định cư thuộc dự án này đang phải chịu cảnh thiếu cả điện lẫn nước sinh hoạt, trong khi Tết Nguyên đán đang tới gần.
Cầu Thanh Trì đã thông xe ngày 2/2, nhưng hàng trăm hộ dân ở các khu tái định cư thuộc dự án này đang phải chịu cảnh thiếu cả điện lẫn nước sinh hoạt, trong khi Tết Nguyên đán đang tới gần.
Khu tái định cư (TĐC) X2A, X2B thuộc dự án cầu Thanh Trì nằm ở phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, có tổng diện tích khoảng 15 ha với 600 hộ dân. Nhiều người cho biết, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Thăng Long hứa sẽ có ngay điện, nước sạch để phục vụ cho việc xây dựng nhà ở khi người dân bàn giao mặt bằng nhưng hiện vẫn không thấy có. Chị Thu Hằng bức xúc: "Trong khi chúng tôi đã mất đất, mất nhà, phải đi ở thuê, ở nhờ người khác mà những nhu cầu tối thiểu cũng không có".
Theo các hộ dân, khi đến đây họ chỉ nhận mảnh đất đã được phân lô, xen kẽ những con đường nhựa nội bộ, ngoài ra điện, nước phục vụ cho việc xây dựng và sinh hoạt hàng ngày hoàn toàn người dân tự lo liệu.
Để có nước phục vụ cho việc xây dựng và sinh hoạt hàng ngày, nhiều hộ dân đã phải thuê người khoan giếng để lấy nước và mua điện qua trung gian với giá cắt cổ (từ 1.500 đến 3.000 đồng/kwh điện sinh hoạt) hoặc mắc nhờ dây các khu lân cận, dù biết rất nguy hiểm. Nhiều hộ dân khá giả hơn thì phải mua máy nổ. Cũng qua ghi nhận, nhiều hộ dân vì không có điện, có nước sinh hoạt đã rao bán nhà, bán đất, tìm chỗ khác để định cư.
Ở khu TĐC X3 (rộng 5 ha ở phường Trần Phú, trên 300 hộ dân), cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhiều người dân cho rằng, khi bàn giao GPMB để xây dựng cầu Thanh Trì, họ rất yên tâm để di dời về các khu tái định cư trước lời hứa đảm bảo cơ sở hạ tầng tốt.
Vậy nhưng lại trái ngược hoàn toàn. Đến nay, mới chỉ có khu TĐC X3 có điện, còn nước sạch thì ... không. Điều đáng nói nữa, giếng khoan lúc đầu để phục vụ việc thi công xây nhà ở, nay lại được sử dụng làm nước sinh hoạt. Bởi lẽ khu dân cư này không còn nguồn nước nào khác. Với một môi trường như vậy, việc phát sinh dịch bệnh là khó tránh khỏi.
Phối hợp quá kém
Theo quy định tại Nghị định 197 của Chính phủ, điều kiện bắt buộc đối với khu TĐC trước khi bố trí đất ở cho các hộ dân là phải xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo đủ điều kiện cho người sử dụng tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.
Theo ông Nguyễn Văn Mùi, Chủ tịch UBND phường Yên Sở, người dân đã thực hiện nghiêm túc việc GPMB cho chủ đầu tư, nhưng khi đến các khu TĐC lại không có điện, nước. UBND phường đã có công văn gửi Ban quản lý Thăng Long và quận Hoàng Mai đề nghị sớm cung cấp nước sạch và điện sinh hoạt.
Ông Vũ Xuân Hòa, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long, cho biết, ban đầu, khi lập dự án chủ đầu tư với nhà thầu chủ trương bố trí nước sinh hoạt cho người dân ở các khu TĐC này bằng giếng tự khoan, nhưng UBND TP đã thống nhất lại đầu tư bằng hệ thống nước sạch từ các nhà máy nước.
Cụ thể, Hà Nội sẽ đầu tư đường dẫn nước sạch từ các nhà máy nước đến hàng rào các khu TĐC, còn chủ đầu tư chịu trách nhiệm đầu tư phần bên trong khu TĐC. Tuy nhiên, vì đang chờ thi công xong đường vành đai 3 mới có mặt bằng để xây dựng hệ thống đưa nước sạch vào các khu TĐC.
Và khi thành phố cấp nước đầu nguồn đến tận chân tường khu TĐC thì chủ đầu tư mới có thể tiến hành cấp nước sạch cho người dân, hiện tại người dân vẫn phải dùng nước giếng khoan. Về hệ thống điện, hiện cơ bản đã thi công xong, đang chờ đấu nối và bàn giao cho điện lực Hoàng Mai quản lý.
Còn ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Hai Bà Trưng, cho biết hiện toàn bộ tuyến ống phân phối đưa nước đến tận tường rào khu TĐC đã được XN hoàn tất và đã bơm nước súc xả, thử áp lực. Tuy nhiên, bên trong của dự án đường ống nước dịch vụ, đồng hồ đơn vị nào thi công chúng tôi không rõ. Ông Minh khẳng định, cho đến nay, XN cũng chưa nhận được bất cứ sự phối hợp nào của các đơn vị liên quan.
(Theo Lao Động)