Để giảm thiểu nguy cơ "bong bóng" bất động sản như trước đây, có ý kiến đề nghị tiếp tục tăng cường kiểm soát rủi ro trong cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là phân khúc cao cấp, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết.
So với cuối năm trước, tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm 2017 tăng 5,76%. Trong 3 năm trở lại đây, tỷ lệ này là mức tăng trưởng cao nhất. Được biết, cùng kỳ năm 2016 tín dụng tăng 3,89%, cùng kỳ năm 2015 tín dụng tăng 3,97%. Đây là những số liệu được lấy từ báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2017 do ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày.
Ông Quang nhấn mạnh: "Có ý kiến đề nghị cần phân tích về khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đồng thời cần tiếp tục tăng cường kiểm soát rủi ro trong cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, nhất là thị trường bất động sản phân khúc cao cấp để giảm thiểu nguy cơ về bong bóng bất động sản như thời gian trước đây".
Tiếp tục tăng cường kiểm soát cho vay bất động sản, đặc biệt là phân khúc cao cấp.
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Theo báo cáo này, trong năm vừa qua, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới là 3.126 doanh nghiệp, tăng 83,9%.
Trước thực trạng đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm một số giải pháp như điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hạn chế tín dụng không bền vững, tín dụng cho vay đầu tư bất động sản, định hướng chính sách tín dụng tập trung cho lĩnh vực sản xuất, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất phù hợp để phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ cần tập trung điều hành theo hướng ổn định lạm phát cơ bản; điều hành tỷ giá ở mức hợp lý,...
Đồng thời, quyết liệt triển khai trên thực tế Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế trong những năm 2016 - 2020, bảo đảm sự phối hợp, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương. Cùng với đó, cần cơ cấu lại các ngành kinh tế, trong đó tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp để góp phần khai thác các nguồn lực thay thế do sự giảm sút của công nghiệp khai khoáng thời gian qua.
Ngoài ra, để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát đặc biệt đối với những tổ chức tín dụng yếu kém cũng như vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Qua đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cơ sở xây dựng Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.