Chính phủ đề nghị bổ sung điều kiện đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc Trung ương...
Chính phủ đề nghị bổ sung điều kiện đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc Trung ương để hạn chế tình trạng quá tải dân cư ở các quận nội thành.
Sáng ngày 23/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú.
Theo Dự thảo Luật, ngoài quy định phải có chỗ ở hợp pháp, công dân còn phải đáp ứng điều kiện về thời gian tạm trú 1 năm (giữ thời hạn như quy định hiện hành) nếu đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương hoặc 2 năm nếu đăng ký thường trú vào quận của các thành phố này.
Đồng thời, Dự thảo Luật bổ sung quy định công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương khi có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức còn phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố, có xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân và phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc giữ quy định về thời gian tạm trú là 1 năm như Luật Cư trú hiện hành để áp dụng đối với trường hợp công dân đăng ký thường trú vào các huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương là phù hợp vì sự quá tải về dân cư tập trung chủ yếu ở các quận nội thành.
Do đó, việc hạn chế số lượng người thường trú tại các quận nội thành có thể nâng điều kiện về thời hạn tạm trú từ 1 năm lên 2 năm và phải bảo đảm về diện tích ở tối thiểu như quy định của Dự thảo Luật là hợp lý.
Việc quy định của Dự thảo Luật cũng thống nhất với nội dung của Điều 19 Luật Thủ đô mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 vừa qua quy định các điều kiện chặt chẽ hơn khi đăng ký thường trú vào các quận của TP. Hà Nội.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi điều kiện đăng ký thường trú tại quận nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương như vậy vẫn chưa giải quyết được vấn đề quá tải ở nội thành. Bởi lẽ người dân cư trú tại đó là để sống và làm việc nên nếu không được đăng ký thường trú thì họ vẫn tìm cách sinh sống tại nội thành. Do vậy, ý kiến này đề nghị cần có giải pháp tổng thể về kinh tế-xã hội để khắc phục vấn đề tập trung dân cư vào nội thành ở các thành phố lớn.
Về quy định điều kiện diện tích bình quân đối với trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của Dự thảo Luật, giao cho Hội đồng nhân dân thành phố quy định về diện tích bình quân để phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương; quy định này cũng tương tự như quy định của Luật Thủ đô.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị giao cho Chính phủ quy định chung về diện tích bình quân trong trường hợp này để áp dụng thống nhất cho các thành phố lớn.
Tuy nhiên, về quy định trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương về diện tích bình quân, cơ quan thẩm tra có 2 loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất đồng ý với quy định của Dự thảo Luật là cần phải có xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân để đảm bảo sự chặt chẽ, tránh việc tùy tiện, thiếu trung thực trong việc khai điều kiện đăng ký thường trú.
Tuy nhiên, loại ý kiến này đề nghị quy định rõ là giao cho ủy ban nhân dân cấp xã, phường xác nhận về diện tích bình quân, chứ không nên quy định là giao cho chính quyền địa phương.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc quy định xác nhận của chính quyền địa phương và cho rằng việc xác nhận về diện tích nhà ở và số lượng người đang cư trú tại nơi ở đó sẽ tăng thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà, tốn kém, dễ bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân.
Hơn nữa, Điều 19 Luật Thủ đô cũng không có quy định về điều kiện phải có văn bản xác nhận của chính quyền địa phương mà chỉ quy định nhà thuê thì phải bảo đảm về diện tích bình quân và được sự đồng ý của người cho thuê cho đăng ký thường trú vào nhà thuê. Vì vậy, loại ý kiến này đề nghị cân nhắc bỏ quy định về văn bản xác nhận của chính quyền địa phương về diện tích bình quân.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị bổ sung các nội dung cấm đối với các hành vi giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú; cho đăng ký cư trú nhưng thực tế người được cấp đăng ký không sinh sống tại chỗ ở đó; đồng ý cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để trục lợi.
Dự án Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số thủ tục hành chính về thủ tục đăng ký thường trú nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân.
Theo Chinhphu.vn