Giữa Sài Gòn náo nhiệt, sầm uất, những không gian kiến trúc tôn giáo cổ xưa vẫn tồn tại vẹn nguyên làm nên linh hồn cho mảnh đất này.
> Ngày đầu năm thăm những ngôi chùa cổ nhất Hà Nội
Giữa Sài Gòn náo nhiệt, sầm uất, những không gian kiến trúc tôn giáo cổ xưa vẫn tồn tại vẹn nguyên làm nên linh hồn cho mảnh đất này.
1. Chùa Giác Lâm
Trong quyển “Gia Định Thành Thông Chí” Trịnh Hoài Đức đã ca tụng phong cảnh của chùa Giác Lâm như sau: “ Chùa ở gò Cẩm Sơn, cây cao như rừng, hoa nở tựa gấm, sáng chiều mây khói nổi bay quanh quất, địa thế tuy nhỏ mà có nhã thú”. Hơn 260 năm kể từ khi ra đời, ngôi chùa cổ mang tên Giác Lâm vẫn hiện diện trên gò đất ấy. Khung cảnh thanh tịnh, hoang sơ nơi đây khiến mỗi người khi đến đây như đang tìm về cội nguồn của đức Phật.
Chùa Giác Lâm là ngôi Tổ đình danh tiếng bậc nhất, chứa đựng nhiều tư liệu quý báu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, tôn giáo như hoành phi, câu đối, bàn thờ, đồ thờ cổ... Riêng bộ tượng Thập Bát La Hán là minh chứng rõ nét nhất cho quá trình phát triển của Phật giáo ở Nam Bộ.
2. Chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa cổ nằm ở vị trí đắc địa nhất Sài Gòn. Chùa nằm trên trục đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, được xây dựng năm 1964 và hoàn thành năm 1971, do hai hòa thượng Thích Tâm Giác và Thích Thanh Kiểm từ Bắc vào miền Nam truyền bá đạo Phật chỉ định. Khi mới ra đời ngôi chùa chủ yếu dành cho những người con gốc Bắc đang sinh sống tại phương Nam, theo 2 câu đối trước cổng tam quang của chùa: “Tới cổng từ bi chiêm bái tổ đình nơi đất Bắc – Vào chùa giải thoát hằng dương phật pháp tại miền Nam”.
Ngoài ra, chùa còn được ghi nhận là nơi có tháp đá cao nhất và tạc công phu nhất Việt Nam, với 7 tầng, cao 40 m. Tháp đá đặc biệt bởi nghệ thuật trổ đá, hoa văn, họa tiết điêu khắc phủ kín… Tất cả đều theo phong cách văn hóa Lý - Trần. Sau hơn 40 năm, chùa Vĩnh Nghiêm đã đi vào tâm thức và trở thành niềm tự hào của người dân Sài Gòn cả về kiến trúc và về sự uy nghiêm, thanh tịnh hiếm có.
3. Chùa Ngọc Hoàng
Tọa lạc trên đường Mai Thị Lựu, chùa Ngọc Hoàng còn gọi là chùa Phước Hải là một trong những ngôi chùa lớn của người Hoa ở Sài Gòn. Chuyện kể rằng vào năm Canh Tý 1900, ông Lưu Minh, một phật tử người Hoa đã quyên tiền xây cất ngôi chùa này. Đến năm 1906 thì hoàn thành. Kiến trúc chùa thể hiện rõ nhân sinh quan, vũ trụ quan của người Hoa. Chùa được đặt tên là Ngọc Hoàng điện.
Chùa Ngọc Hoàng không rộng nhưng thoáng đãng, xanh mát. Dưới tán cây cạnh đền thờ hộ pháp được coi là nơi vô cùng linh thiêng nơi. Vào mỗi dịp Tết những người dân Sài Gòn vẫn thường đứng dưới tán cây cầu mong được che chở, bình yên trong năm mới.
4. Chùa Vạn Đức
Chùa Vạn Đức có nguồn gốc từ một ngôi nhà xưa do thí chủ Nguyễn Thị Hương hiến cúng. Sau khi tiếp nhận, Hòa thượng đã xây dựng lại thành chùa và đặt hiệu là “Vạn Đức tự”. Kể từ đó, chùa được mở rộng vào các năm 1964, 1989, 1993 và từ năm 2003 đến năm 2005, đại trùng tu toàn bộ ngôi chùa, trở nên khang trang như ngày nay.
Chùa Vạn Đức xây bằng vật liệu vĩnh cửu với kỹ thuật hiện đại. Toàn thể ngôi chùa được đúc bằng bê-tông, tường gạch, móng cọc nhồi. Nền chùa và các bệ thờ đều dán đá granit màu xám. Tất cả các cửa và cầu thang đều làm bằng thép trắng. Hoa văn trang trí được đúc bằng xi-măng hoặc kết bằng các mảnh gạch men, vừa mang tính truyền thống nhưng lại tân kỳ. Tòa chánh điện chùa Vạn Đức cao 43,5m, được xem là ngôi chùa có chánh điện cao nhất hiện nay, nhìn từ xa trông giống như một ngọn tháp chín tầng và hai tháp nhỏ năm tầng nhưng bên trong chỉ có hai tầng chính.
5. Chùa Xá Lợi
Chùa Xá Lợi không chỉ được biết đến với kiến trúc và cảnh quan tuyệt đẹp mà còn khá nổi tiếng với những dấu chứng lịch sử về cuộc đấu tranh của Phật tử chống lại chế độ độc tài Ngô Đình Diệm kỳ thị và đàn áp tôn giáo.
Chùa được xây dựng để thờ xá lợi Phật tổ nên được đặt tên là chùa Xá Lợi. Chùa Xá Lợi là ngôi chùa đầu tiên của thành phố được xây dựng theo lối kiến trúc mới, trên là bái đường, phía dưới là giảng đường. Cấu trúc của chùa bao gồm chánh điện thờ Phật, giảng đường, tháp chuông, thư viện, tăng phòng, nhà trai đường, văn phòng, đoàn quán, phòng phát hành kinh sách, phòng khách và vãng sinh đường.
Chùa nổi tiếng là nơi có tháp chuông cao nhất Việt Nam gồm 7 tầng, cao 32m, khánh thành vào năm 1961. Tầng cao nhất có treo một đại hồng chung nặng 2 tấn, được đúc đồng theo mẫu của chuông chùa Thiên Mụ, Huế.
Liên Văn (TH)