Được UBND xã hợp pháp hóa đất ở từ năm 2001, nhưng đến nay các hộ dân chỉ có duy nhất Giấy chứng nhận đất ở hợp pháp do UBND cấp.
Được UBND xã hợp pháp hóa đất ở từ năm 2001, nhưng đến nay các hộ dân chỉ có duy nhất Giấy chứng nhận đất ở hợp pháp do UBND cấp. Hơn 10 năm qua, 57 hộ dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nỗi lo đất không sổ đỏ
Theo phản ánh của nhiều hộ dân xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, Thanh Hóa, đất ở của họ đã được UBND xã hợp pháp hóa từ 10 năm nay nhưng vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Dù đã nhiều lần các hộ dân kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng đến nay đâu vẫn chưa được giải quyết.
Việc không được cấp GCNQSDĐ đã gây nhiều khó khăn cho các hộ dân trong quá trình thế chấp tài sản để vay vốn về làm ăn, kinh doanh. Nhất là thời gian gần đây, khi được biết nhà máy xi măng Hoàng Sơn sắp được xây dựng trên địa bàn 3 xã của huyện Nông Cống, trong đó có xã Tân Phúc. Nỗi lo lắng của các hộ dân này là trong trường hợp đất của họ nằm vào khu vực phải giải phóng mặt bằng quyền lợi của họ sẽ bị ảnh hưởng.Từ khi được hợp pháp hóa đất ở đến nay, các hộ dân này vẫn phải nộp tiền thuế đất hàng năm. Nhưng thay vì được cầm GCNQSDĐ, các hộ dân chỉ được cấp Giấy chứng nhận đất ở hợp pháp do Chủ tịch UBND xã ký.
Ông Đỗ Văn Kim, ở thôn 1, xã Tân Phúc phản ánh: “Năm 2001, gia đình tôi đã được UBND xã bán lô đất có diện tích 200 m2, với giá 3 triệu đồng. Đất của gia đình tôi chưa được cấp sổ đỏ mà chỉ được Chủ tịch xã thời bấy giờ ký Giấy chứng nhận là đất hợp pháp. Hơn 10 năm nay, gia đình tôi vẫn chưa nhận được sổ đỏ. Gia đình đang cần vốn để kinh doanh, nhưng khi cầm tờ giấy chứng nhận đến ngân hàng để thế chấp vay vốn, nhưng ngân hàng chỉ cho vay 50% giá trị của lô đất mà gia đình tôi đang ở. Gia đình tôi cũng muốn bán lô đất này nhưng không ai dám mua bởi không có sổ đỏ mà chỉ có giấy chứng nhận đất ở hợp pháp”.
Cùng chung tình cảnh với hộ anh Kim, hộ gia đình anh Lê Văn Dân, ở cùng thôn cũng mua một lô đất, diện tích 200 m2. Anh Dân lo lắng: “Đất của chúng tôi đã được xã xác nhận là đất không có lấn chiếm, tranh chấp, nhưng chúng tôi vẫn lo lỡ nằm vào vùng quy hoạch, giải phóng mặt bằng làm đường, hay làm các công trình xã hội khác thì công tác đền bù giải phóng mặt bằng sẽ gặp rất nhiều rủi ro bởi việc đền bù với nhà đã có sổ đỏ sẽ đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho chúng tôi hơn”.
“Sẽ cấp sổ đỏ nhưng còn phải đợi”
Nỗi lo của các hộ gia đình trên cũng là nỗi lo chung của 57 hộ dân khi đất ở của họ đã được hợp pháp hóa từ hơn 10 năm nay nhưng vẫn chưa có GCNQSDĐ. Đưa nỗi lo của các hộ dân, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Tân Phúc để tìm hiểu nguyên nhân. Qua tìm hiểu được biết, năm 2001, UBND xã Tân Phúc có hợp pháp hóa 57 lô đất cho các hộ dân ở các thôn 1, 2, 3, 4, 6 và 7. Trước những năm 2000, do nhu cầu bức xúc về đất ở, các hộ dân này đã ra dựng lều ở tạm trên các lô đất trên. Mỗi lô đất có diện tích từ 100 - 200 m2. Sau đó, qua tìm hiểu, chính quyền địa phương và các ngành chức năng huyện Nông Cống thấy nhu cầu về đất ở của người dân là chính đáng nên đã làm thủ tục hợp pháp hóa cho các hộ dân nói trên. Mỗi lô đất khi làm thủ tục hợp pháp hóa, UBND xã đã thu 1 - 3 triệu đồng/lô vào thời điểm năm 2001.
Ông Lê Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc cho biết: “Việc hợp pháp hóa đất cho các hộ dân được HĐND xã nhất trí cao và việc cấp Giấy chứng nhận đất ở hợp pháp là do Chủ tịch khoá trước ký. Tuy nhiên Chủ tịch khóa trước đã nghỉ chế độ từ năm 2011. Tôi chỉ là người tiếp quản mới, nhưng chúng tôi sẽ phấn đấu để cấp sổ đỏ cho 57 hộ dân”.
Xã cũng đã nhiều lần làm tờ trình đề nghị huyện cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân kể trên nhưng chưa được. Thanh tra tỉnh cũng đã có về kiểm tra, nhưng cũng chưa có văn bản trả lời. Được biết số tiền xã đã thu từ việc hợp pháp hóa 57 lô đất trên ban đầu được HĐND xã thống nhất nộp về huyện, nhưng huyện không thu do chưa thống nhất, nên số tiền được đưa vào ngân sách xã để chi hoạt động tại xã.
Khi được hỏi về số tiền hợp pháp hóa 57 lô đất trên được sử dụng vào việc gì, thì được ông Lê Hạ Thuật, cán bộ địa chính cho biết: “Số tiền thu được thời điểm đó là hơn 50 triệu đồng, đã được phục vụ vào công tác xã hội như xây dựng, sửa chữa trường, lớp, cơ sở hạ tầng giao thông, trạm y tế và do lâu rồi nên tôi không nhớ cụ thể nữa”.
Ông Hùng cho biết thêm: “Bây giờ xã đang bắt đầu tiến hành cấp lại và cấp mới cho tất cả các hộ trong xã. Nhưng khó khăn lớn nhất của xã trong việc tiến hành làm thủ tục cấp sổ đỏ là, trước kia cấp theo bản đồ 299. Mới đây, từ khi có chỉ thị 499, nên cần phải có thời gian để đo đạc và cấp mới, cũng như cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên toàn địa bàn. Trước mắt xã tiến hành cấp sổ lại cho các hộ đã có, còn các hộ làm mới vẫn phải đợi, xã cố gắng đến hết năm 2013 sẽ cấp hết cho các hộ”.
(Theo Dân trí)