Một công trình kiến trúc hơn 100 năm tuổi, được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, bị người dân xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đem bán với giá 680 triệu đồng. Sự việc đang gây xôn xao trong dư luận nhưng ngành chức năng chưa có hướng giải quyết.
Một công trình kiến trúc hơn 100 năm tuổi, được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, bị người dân xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đem bán với giá 680 triệu đồng. Sự việc đang gây xôn xao trong dư luận nhưng ngành chức năng chưa có hướng giải quyết.
Ngôi nhà của dòng họ Lê Đồng ở làng Bì, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn được xây dựng dưới thời Vua Tự Đức thứ 18 năm 1875, được công nhận là di tích lịch sử “kiến trúc nghệ thuật” nhà cổ, xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2003. Di tích này giao cho ông Lê Đồng Xu (đã qua đời cách đây mấy năm) và vợ là bà Phạm Thị Ái vừa làm nơi sinh hoạt, vừa trông coi và bảo quản.
Di tích bỗng thành phế tích
Khi nhóm phóng viên chúng tôi tới thăm công trình kiến trúc nghệ thuật này, hình ảnh hiện ra trước mắt là đống phế thải nằm ngổn ngang dưới nền đất, xung quanh đất đá vung vãi, bụi bặm, những hố đất chôn chân cột lô nhô...
Theo tài liệu ghi lại, di tích lịch sử này có cấu trúc 5 gian 2 chái với 46 cột, tất cả được làm bằng loại gỗ quý như lim, đinh hương… Mái của ngôi nhà được lợp bằng ngói dày 2cm, có đường xương cá… Toàn bộ hệ thống đá lân giai ốp thềm đều còn nguyên vẹn, có chiều dài 3,14m, rộng 62cm.
Đây là một trong những loại hình kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân gian truyền thống, điển hình ở đồng bằng châu Thổ sông Mã. Hàng trăm năm qua, các thế hệ ở trong ngôi nhà đều gìn giữ, bảo quản ngôi nhà như một sự linh thiêng của thế hệ cha ông để lại, là niềm tự hào của địa phương.
Nhưng nay lại có người trong gia đình muốn đem bán ngôi nhà cho một người ở huyện với giá 680 triệu đồng, khiến dư luận không khỏi xót xa. Chính quyền xã Tân Ninh và huyện Triệu Sơn biết sự việc, đã báo cáo cho các ngành chức năng; nhưng việc bán di tích trái phép vẫn diễn ra.
Theo giấy bán nhà đề ngày 7/8/2011, bà Phạm Thị Ái bán ngôi nhà cổ cho bà Quách Thị Tri ở xã Hải Vân, huyện Như Thanh, Thanh Hóa với giá 680 triệu đồng, được thanh toán làm 3 lần, lần cuối cùng vào ngày 21/9/2011. Sau khi thỏa thuận, bà Tri đã lấy quyết định xếp hạng di tích và một số hiện vật của di tích này. Đến ngày 16/8/2011, huyện Triệu Sơn đã có biên bản làm việc với gia đình bà Ái, nhưng lúc đó bà Tri đã lấy đi một số hiện vật tại ngôi nhà.
Bán vì không có tiền tôn tạo
Ngày 26/8/2011, Sở VH-TT&DL Thanh Hóa đã có văn bản gửi huyện Triệu Sơn đề nghị Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn chỉ đạo các phòng, ban liên quan khẩn trương có biện pháp xử lý vụ việc mua bán di tích nói trên. Ngày 31/8, Ban quản lý di tích và danh thắng thuộc Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa có báo cáo về việc vi phạm di tích kiến trúc nghệ thuật đã xếp hạng cấp tỉnh.
Nội dung báo cáo khẳng định việc mua bán giữa bà Phạm Thị Ái và bà Quách Thị Tri là vi phạm nghiêm trọng việc bảo vệ di tích lịch sử - danh thắng theo quy định của luật di sản văn hóa. Tuy nhiên, bất chấp sự ngăn chặn của lực lượng chức năng và văn bản của các cấp, ngành, cuối tháng 9/2011, bà Tri vẫn thuê hàng chục người đến tháo dỡ toàn bộ mái ngói đưa lên xe ô tô chở đi nơi khác.
Ông Hứa Đình Nam, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, trưởng ban quản lý di tích, nhà cổ tại địa phương, phân trần: “Chúng tôi đã báo cáo việc mua bán giữa bà Phạm Thị Ái và bà Quách Thị Tri lên huyện để nhanh chóng có biện pháp xử lý, tuy nhiên ngôi nhà vẫn bị tháo dỡ. Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm của mình”.
Còn bà Phạm Thị Ái, người được giao chăm sóc ngôi nhà cổ, bày tỏ: “Biết bán di tích hơn 100 năm là vi phạm pháp luật, chúng tôi phải có trách nhiệm gìn giữ chứ không được đem ra bán. Nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn không có điều kiện tôn tạo, nâng cấp. Do ngôi nhà đã tồn tại nhiều năm nên có nhiều chỗ đã xuống cấp, mỗi lần mưa to là nước ngập vào nhà. Chúng tôi đã đề nghị các cấp, các ngành quan tâm hơn đến ngôi nhà cổ nhưng không thấy hồi âm nên gia đình quyết định bán”.
(Theo Dân trí)