Văn phòng Ban chỉ đạo 1.000 năm Thăng Long vừa đồng ý về mặt chủ trương đối với Dự án “Chỉnh trang tuyến đường kinh thành lịch sử 1.000 năm Thăng Long” do nhóm kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Hạ Chí Nhân - Công ty Kiến trúc 1+1>2 đề xuất.
Văn phòng Ban chỉ đạo 1.000 năm Thăng Long vừa đồng ý về mặt chủ trương đối với Dự án “Chỉnh trang tuyến đường kinh thành lịch sử 1.000 năm Thăng Long” do nhóm kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Hạ Chí Nhân - Công ty Kiến trúc 1+1>2 đề xuất.
Nếu được triển khai, bên cạnh một “Con đường gốm sứ”, Hà Nội sẽ có thêm một tuyến đường được làm đẹp bằng gạch vồ, đá ong, các bức phù điêu bằng đá và nổi bật về đêm qua công nghệ của ánh sáng....
“Mềm hóa” bê tông
Dự án này được đề xuất triển khai trên tuyến đường Bưởi dài chừng 2km. Đây chính là đoạn còn lại của tường thành Thăng Long cách đây hơn 1.000 năm, với một phần đê cao từ 2-5m, chạy bám dọc bờ sông Tô Lịch. Một bên đê là nhà ở, một phần còn lại tạo thành dải tường, kéo dài từ đường Hoàng Quốc Việt tới Ô Cầu Giấy.
Lợi dụng mặt đứng của tường thành, nhóm KTS đã đưa ra giải pháp, sử dụng các vật liệu truyền thống như: gạch vồ, đá ong, đá tự nhiên, “hoa bê tông” kết hợp với trồng hoa, cỏ để làm “mềm hóa” những mảng bê tông khô cứng. Theo đó, tường thành sẽ được chia ra thành từng đoạn với chiều dài từ 10-20m, cao từ 2-5m tùy thuộc theo địa hình, hiện trạng, thiết kế lệch nhau để tạo nên khe rộng từ 0,6-1,2m.
Tại các khe này sẽ được bố trí đèn chiếu sáng hoặc thang đi bộ nối không gian tuyến đường mặt đê với không gian phía dưới sát bờ sông. Phần cao độ của mặt trên tường thành được thiết kế “giật cấp” theo từng đoạn. Chính sự cao thấp khác nhau này sẽ tạo nên nếp chồng xếp, uốn lượn trên từng tuyến. Đây là một hình thức kiến trúc mang tính đa nghĩa, tạo tưởng tượng về những chiếc vảy rồng, hay dáng dấp của những mái ngói lô xô phố cổ, nó cũng cho ta cảm giác về những phím đàn.
“Những mái ngói lô xô của phố cổ” trên dọc 2km được chia thành nhiều trường đoạn, có đoạn sử dụng đá ong, đoạn sử dụng gạch vồ, đoạn tiếp theo làm bằng đá tự nhiên, đoạn nữa là phương án trồng cỏ kết hợp bê tông... Xen lẫn các trường đoạn gạch vồ, đá ong... sẽ là các loại hoa màu sắc chủ đạo là trắng và tím kéo dài từ 50 đến 100m tạo nên các vệt màu rực rỡ. Cùng với đó là các ô lõm gắn tranh về đề tài lịch sử Thủ đô hay các bức phù điêu họa tiết truyền thống.
“Ẩn dụ - đa nghĩa - thời đại - nhanh - rẻ”
Đó là những từ khóa ngắn gọn bao quát về Dự án “Chỉnh trang tuyến đường kinh thành lịch sử 1.000 năm Thăng Long” mà nhóm xây dựng ý tưởng đưa ra. Theo KTS Hoàng Thúc Hào, điểm lợi thế nhất của dự án đó là sẽ không phải giải phóng mặt bằng - nguyên nhân gây chậm trễ cho nhiều công trình. Thứ nữa, các nguyên vật liệu đề xuất sử dụng rất sẵn có, dễ sản xuất, giá thành đầu tư rẻ, yêu cầu kỹ thuật đơn giản. Tiến độ thi công nhanh, có thể chia thành nhiều đơn vị thực hiện trên nhiều đoạn khác nhau... Nếu trong năm 2009, dự án này được UBND thành phố Hà Nội chính thức phê duyệt, thì việc làm đẹp cho tuyến đê Bưởi lập tức được triển khai và hoàn thành trước thời điểm Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long tháng 10-2010.
Rút kinh nghiệm từ những dự án nghệ thuật đường phố khác đã và đang được triển khai với nhiều “điều qua tiếng lại”, bên cạnh yếu tố mỹ thuật, để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, các KTS của Công ty Kiến trúc 1+1>2 đã tính toán sít sao giữa tốc độ di chuyển của người dân trên tuyến quan sát ven sông Tô Lịch và khoảng cách các đoạn thành, nhằm đảm bảo yếu tố cảm thụ thị giác. Vì được thực hiện bằng kinh phí xã hội hóa - dự kiến 70-80 tỷ đồng, vì thế, việc vinh danh các nhà tài trợ cũng đang được tính đến. KTS Hoàng Thúc Hào khẳng định, với dự án này, các nhà tài trợ sẽ được tôn vinh xứng đáng nhưng theo một cách hết sức tinh tế.
Ý tưởng chỉnh trang một tuyến đường mới mở, đồng thời nhắc cho đời sau nhớ rằng, đoạn đê này chính là phần còn lại của tường thành Thăng Long xưa là việc làm lưu dấu ấn lịch sử hết sức có ý nghĩa. Duy chỉ có điều, bên này là gạch vồ, đá ong, là hoa, là ánh sáng sắp đặt, nhưng đối diện với nó là dòng sông Tô Lịch ô nhiễm trầm trọng. Vậy nên để dự án “Chỉnh trang tuyến đường kinh thành lịch sử 1000 năm Thăng Long” được trọn vẹn, chắc sẽ cần cải tạo con sông vốn cũng đã gắn bó với Thăng Long từ hàng ngàn năm nay.
(Theo ANTĐ)