Chỉ 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành hàng loạt Nghị định nhằm chấn chỉnh hoạt động của ngành xây dựng.
Chỉ 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành hàng loạt Nghị định nhằm chấn chỉnh hoạt động của ngành xây dựng.
Chủ đầu tư được phép bán đất khi đã xong hạ tầng
Ngày 14/01, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 11/2013/NĐ-CP về Quản lý Đầu tư phát triển đô thị. Nghị định gồm 6 chương, 53 điều này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2013, thay thế Nghị định 02/2006/NĐ-CP.
Nghị định 11/2013/NĐ-CP có 4 điểm mới so với Nghị định 02/2006. Trong đó, cho phép UBND các tỉnh xem xét và cho phép các chủ đầu tư khu đô thị chuyển quyền sử dụng đất khi có hạ tầng và người dân sẽ được tự xây dựng nhà theo quy hoạch đã được phê duyệt, trước đây chủ đầu tư chỉ được bán nhà đã xây thô.
Về cấp phép xây dựng khu đô thị mới, Nghị định 11 làm rõ những trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng và những trường hợp phải có ý kiến của Bộ Xây dựng trước khi địa phương phê duyệt đầu tư. Theo đó, UBND cấp tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư đối với các dự án có quy mô sử dụng đất từ 20ha đến dưới 100ha sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng. Trên 100ha thì Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận đầu tư và dưới 20 ha thì UBND cấp tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư.
Nghị định cũng nêu rõ, doanh nghiệp nếu muốn trở thành chủ đầu tư dự án khu đô thị thì phải vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20ha, không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất từ 20ha trở lên đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị; có vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án đối với các dự án còn lại.
Về công tác quy hoạch, Nghị định 11 yêu cầu phải có quy hoạch phân khu trước toàn bộ khu vực phát triển đô thị, trên nền quy hoạch phân khu mới hình thành dự án làm cơ sở để lập quy hoạch chi tiết 1/500 và lập dự án đầu tư xây dựng.
Chung cư 4 tầng, nhà 7 tầng phải được Nhà nước nghiệm thu
Ngày 06/02, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Nghị định gồm 8 chương, 48 điều này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/4/2013, thay thế Nghị định 209/2004.
Nghị định 15/2013 ra đời nhằm siết chặt việc quản lý chất lượng công trình xây dựng. Theo đó, Nhà nước sẽ tham gia thẩm tra thiết kế và kiểm tra công tác nghiệm thu công trình thay vì chỉ có chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn thực hiện với nhau như trong Nghị định 209/2004.
Khoản 2, Điều 32 Nghị định 15/2013 quy định: “Trước 10 ngày làm việc (hoặc trước 20 ngày đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I)) so với ngày dự kiến tổ chức nghiệm thu, chủ đầu tư phải gửi cho cơ quan quản lý nhà nước báo cáo hoàn thành hạng mục hoặc công trình để được kiểm tra về công tác nghiệm thu”.
Những công trình được kiểm tra công tác nghiệm thu không phân biệt nguồn vốn mà tùy vào quy mô, cấp công trình (được quy định cụ thể tại Thông tư 33/2009 của Bộ Xây dựng). Chung cư từ cấp III trở lên (4 tầng), nhà ở trên bảy tầng, công trình công cộng từ cấp III trở lên phải được Nhà nước kiểm tra về công tác nghiệm thu.
Giải tán Thanh tra xây dựng cấp phường xã
Ngày 29/03, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 26/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Xây dựng. Nghị định gồm 6 chương, 28 điều này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/5, thay thế Nghị định 46/2005.
Hoạt động của thanh tra xây dựng gồm: Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; quản lý, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật; phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, kinh doanh bất động sản... Như vậy, Thanh tra xây dựng sẽ không còn “lấn sân” qua các lĩnh vực trật tự giao thông, đô thị, vệ sinh môi trường...
Nghị định 26/2013 ra đời cũng chấm dứt việc thực hiện Quyết định 89/2007 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập Thanh tra xây dựng tại quận, huyện, phường, xã, thị trấn ở Hà Nội và TP.HCM.
Tuy nhiên, có nhiều quan điểm lo ngại rằng việc không tổ chức Thanh tra xây dựng tại quận, huyện, phường, xã, thị trấn thì tình trạng vi phạm trật tự xây dựng như xây nhà không phép, nhà trái phép,… sẽ bùng phát trở lại.
Ai được mua nhà thuộc sở hữu nhà nước ?
Ngày 22/04, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 34/2013/NĐ-CP về Quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Nghị định gồm 6 chương, 40 điều này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 6/6/2013, thay thế Nghị định số 61/CP.
Theo Nghị định 34, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước gồm có các loại hình như sau: nhà ở công vụ, nhà ở xã hội, nhà ở sinh viên và nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước.
Đối với loại hình nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước thì có 8 đối tượng được thuê, thuê mua gồm: Người có công với cách mạng quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan Đảng và đoàn thể hưởng lương từ ngân sách nhà nước; Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước; Công nhân làm việc tại khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất, dịch vụ ngoài khu công nghiệp; Người thu nhập thấp, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị; Người khuyết tật, người già cô đơn và các đối tượng đặc biệt có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị; Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ khi hết tiêu chuẩn được thuê nhà ở công vụ; Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư mà chưa được bố trí đất ở hoặc nhà ở tái định cư.
Theo Nghị định 34, để được thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước, các đối tượng trên phải đáp ứng các điều kiện như: Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa được thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng nhà ở chật chội có diện tích bình quân hộ gia đình dưới 5m2 sàn/người hoặc nhà ở hư hỏng, dột nát.
Đồng thời, các đối tượng này phải có hộ khẩu thường trú hoặc có hợp đồng lao động có thời hạn từ một năm trở lên và có đóng bảo hiểm xã hội tại địa phương nơi có nhà ở cho thuê.
Riêng đối tượng hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư mà chưa được bố trí đất ở hoặc nhà ở tái định cư thì không áp dụng các điều kiện nêu trên mà do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể về điều kiện.
Đối tượng muốn thuê mua nhà ngoài việc phải đáp ứng được yêu cầu thuê nhà thì phải thanh toán ngay lần đầu số tiền thuê mua bằng 20% giá trị của nhà ở thuê mua.
Cho phép công trình sai phép tồn tại ?
Ngoài 4 Nghị định trên, Bộ Xây dựng còn đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 23/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
Điểm đáng chú ý nhất của dự thảo này là cho phép công trình sai phép, không phép được điều chỉnh giấy phép xây dựng. Theo đó, công trình sai phép, không phép nhưng “không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp, được cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng” sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và phải nộp lại một phần số lợi bất hợp pháp có được. Số tiền nộp lại tương đương 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với nhà ở tại đô thị. Đối với dự án, tỉ lệ này là 50%.
Theo CafeLand