Rành rành là đất bỏ tiền ra mua, thế nhưng chúng tôi cứ xây nhà là xã
cho cán bộ thanh tra xuống “xử”.Đó là những kiến nghị của nhiều hộ dân
tại thôn Giao Tác, xã Liên Hà.
Rành rành là đất bỏ tiền ra mua, thế nhưng chúng tôi cứ xây nhà là xã cho cán bộ thanh tra xuống “xử”.Đó là những kiến nghị của nhiều hộ dân tại thôn Giao Tác, xã Liên Hà.
Bán cả đường đi
Theo ông Đỗ Văn Thành đại diện cho các hộ dân tại thôn Giao Tác thì căn cứ vào Quyết định 106/2000/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội về việc quy hoạch chi tiết huyện Đông Anh đến năm 2020, xã Liên Hà được phê duyệt kế hoạch sử dụng hơn 11 nghìn m2 đất để làm đất giãn dân cho 89 gia đình làm nhà ở. Theo các tiêu chí xét duyệt thì riêng thôn Giao Tác có 12 hộ dân nằm trong diện được xét cấp đất giãn dân. Tuy nhiên, khi triển khai trên mặt bằng thì không hiểu sao con số này bỗng dưng “nở” thêm thành 15 hộ. Chưa hết, điều khiến 12 hộ dân nằm trong diện được cấp đất bức xúc hơn cả là số hộ “nở” thêm này lại nằm hoàn toàn trong diện tích đất đã được UBND huyện Đông Anh quy hoạch làm đường giao thông sử dụng chung cho cả khu.
Ông Đỗ Văn Sang, một hộ dân mới được cấp đất tại khu giãn dân cho biết: “Theo Sơ đồ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 do Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Lê Trung Kiên ký thì rõ ràng khu giãn dân này có hẳn một con đường rộng tới hơn 5m. Và nếu như không có gì thay đổi thì đương nhiên gia đình tôi vốn nằm sát con đường này sẽ được mở ban công và cửa sổ thông thoáng ra hướng đó. Ai dè, khi xây nhà, cán bộ thôn bắt chúng tôi bịt toàn bộ cửa sổ lại. Lúc bấy giờ tôi mới biết con đường này đã được ông trưởng thôn bán cho hai hộ dân là ông Đỗ Văn Kính và bà Lê Thị Trọng với tổng diện tích là 240m2 để làm nhà”.
Nhắm mắt làm liều
Chưa có thống kê chính xác số diện tích đất được cán bộ thôn Giao Tác “bán bừa” tại khu vực giãn dân là bao nhiêu, tuy nhiên nếu tính trên toàn bộ thôn thì con số này lên tới hàng nghìn m2... Theo tìm hiểu riêng của phóng viên Báo An ninh Thủ đô, tại Giao Tác còn 1 khu đất công rộng hơn 700m2 nằm ngay sau lưng nhà mẫu giáo thôn. Cách đây vài năm nơi đây còn là bãi đất trống, thế nhưng giờ đây khu đất này đã ken đặc nhà xây kiên cố. Tất cả số nhà này không phải do các hộ dân lấn chiếm mà “mua lại” của cán bộ thôn.
Để đảm bảo khách quan, chúng tôi đã hỏi ông Ngô Văn Hỹ - Trưởng thôn Giao Tác, ông Hỹ biện minh: “Khu vực đất sau nhà trẻ, cán bộ thôn bán là bởi xuất phát từ… nhu cầu cấp thiết của người dân. Trước đây, nơi này là một bãi đất rất lầy lội, bẩn thỉu. Lúc đó tôi chỉ là quyền trưởng thôn nên trước khi bán cũng đã… thông qua chi bộ và cấp ủy. Kinh phí thu được từ bán đất chúng tôi dự tính dùng để làm đường. Thấy dân vừa có đường, vừa có nhà, lại đỡ bẩn thỉu lầy lội nên chúng tôi làm (!?)”.
Cũng theo ông Hỹ, lúc đó cán bộ thôn tự ý chia thành từng mảnh. Tổng cộng đã có 6 mảnh được bán thu về 240 triệu đồng. Tuy nhiên, toàn bộ việc bán đất công này cán bộ thôn thực hiện không hề có hóa đơn chứng từ mà chỉ có giấy viết tay với dân.
Hài hước hơn, trước câu hỏi của phóng viên, tại sao tại khu đất giãn dân đã có quy hoạch chi tiết rõ ràng vậy mà cán bộ thôn lại dám… cắt cả đường ra bán? Ông Hỹ ấp úng: “Thực ra tại khu đất này thôn đã bán 120m2 cho nhà bà Trọng từ năm 2004 lấy 120 triệu đồng. Nào ngờ đến năm 2009 Thành phố lại quy hoạch thành đất giãn dân để cấp cho các hộ khác. Vì thế thôn không còn đất để trả cho bà Trọng nên mới phải… cắt đường ra để bàn giao. Còn đối với hộ ông Đỗ Văn Kính, do trước đó chúng tôi có thỏa thuận với ông Kính bỏ tiền xây dựng nhà văn hóa thôn và hứa sẽ trả bằng đất tại khu vực này. Nhà văn hóa thì ông Kính đã xây xong hết 724 triệu đồng và bàn giao cho chúng tôi năm 2009. Vì thế nên thôn đành phải lấy nốt đoạn đường còn lại để trả cho ông ta như đã hứa”.
Chính vì thế, khi phóng viên đặt câu hỏi với ông Lê Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hà, ông Thủy thừa nhận: “Hậu quả này không biết đến bao giờ mới khắc phục được”. Theo ông Thủy thì: “Những việc ngang nhiên cắt đất công ra bán từ trước tới nay của cán bộ thôn Giao Tác đều làm dấm dúi, vì thế xã không nắm được.
Trước câu hỏi: Vậy còn nhiều khu đất khác cũng do thôn tự ý bán và người dân cũng đã xây thành nhà thì tại sao nhiều năm qua xã không xử lý? Ông Thủy biện bạch: “Những khu vực đó thì khi tôi nhậm chức đã có tồn tại từ trước rồi. Còn tại sao đó là đất công mà họ vẫn xây được nhà thì tôi không nắm được”.
(Theo ANTĐ)