Người thì bảo, tình trạng mất vệ sinh nơi công cộng ở TP.HCM hiện nay là do thiếu thùng rác. Người thì nói, nhiều khi gắn thùng rác công cộng cũng như không... Đó là những ý kiến trái ngược xung quanh chủ đề “thùng rác công cộng”.
Người thì bảo, tình trạng mất vệ sinh nơi công cộng ở TP.HCM hiện nay là do thiếu thùng rác. Người thì nói, nhiều khi gắn thùng rác công cộng cũng như không... Đó là những ý kiến trái ngược xung quanh chủ đề “thùng rác công cộng”.
Đi ngang con đường Nguyễn Phúc Nguyên (quận 3) – một trong những con đường dẫn vào ga Sài Gòn – nhưng chúng tôi không hề thấy bóng dáng một thùng rác nào. Nhiều hành khách là người nước ngoài tỏ vẻ ngán ngẩm khi không tìm được nơi vứt rác. Bà Trần Thị Mai, bán cơm tấm trên đường Nguyễn Phúc Nguyên, cho biết: “Tại con đường này thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân chính lại là rác. Chẳng hạn, cách đây ba ngày, tận mắt tôi đã chứng kiến một cụ già đi xe đạp đã trượt ngã khi chống chân vào vỏ bưởi vứt trên đường...”
Tìm đỏ con mắt
Đường Kinh Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân) dẫn khách từ cửa ngõ phía tây vào nội thành TP.HCM, nhưng cả một đoạn dài (hướng từ bến xe Miền Tây về quận 6), dù có tìm đỏ mắt cũng không thể thấy một thùng rác để vứt cái bịch nilông. Ông Lê Văn Hứa, một hộ kinh doanh trên đường, nói rất thành thật: “Sáng mở cửa bán hàng, công việc đầu tiên của tôi là quét dọn rác trước cửa nhà (rác từ ngoài đường theo gió bay vào trước cửa nhà – PV). Quét xong không biết để đâu nên khi nào siêng thì cho vào bao nilông, khi làm biếng thì cứ hất ra đường, rác muốn bay đi đâu thì đi...” Có lẽ vì đó mà bất kể vào thời điểm nào, từ sáng sớm đến chiều tối (lúc lực lượng đi thu gom rác chưa làm việc) đoạn đường Kinh Dương Vương vừa kể trên được “tô điểm” bằng… rác.
Thực trạng trên cũng xuất hiện ở hàng trăm tuyến đường, khắp các quận huyện của TP.HCM. Nào là Huỳnh Văn Bánh (đoạn phường 14), Đặng Văn Ngữ của quận Phú Nhuận; Gò Dâu, Cầu Xéo, Lê Đình Thám,... quận Tân Phú; hàng chục tuyến đường trong khu Bàu Cát, quận Tân Bình; quận 8; Bình Thạnh...
Tuyến đường dài nhất nhưng không có lấy một thùng rác công cộng ở ngay giữa nội thành TP.HCM, có lẽ là đường dọc kênh Nhiêu Lộc (từ quận Tân Bình đến quận 3, dài gần 5km). Không thùng rác, thêm tình trạng bị đổ trộm các loại rác nên từ nhiều tháng nay đường này thành bãi rác. Ông Tư Lai, một người dân bên đường, bức xúc: “Mỗi khi có một cơn gió lớn thổi qua, ngay tức khắc bịch nilông, giấy gói thức ăn ở các bãi rác bay khắp mặt đường, dính đầy vào xe và người đi đường. Đặc biệt, đã có người bị rác bay thẳng vào mặt, xém té”.
Dương Thành Sơn, công nhân công ty Dịch vụ công ích quận 3, than: “Quét dọn rác đoạn đường Trần Văn Đang (trên tuyến kênh Nhiêu Lộc) cực gấp chục lần các tuyến đường khác. Rác ở đây nhiều vô kể. Không chỉ dọn rác do người đi đường tiện tay vứt bỏ, chúng tôi còn phải gom các bịch rác từ các hộ gia đình lén lút quăng ra đường...”
Có cũng như không!
Ngoài một số tuyến đường hay nơi công cộng mà thùng rác phát huy hiệu quả như công viên Tao Đàn (quận 1), công viên Hoàng Văn Thụ (Tân Bình), đường Huyền Trân Công Chúa (quận 1)… hầu hết những nơi khác, dù được trang bị thùng rác nhưng người dân, khách tham quan vẫn vô tư vứt rác bừa bãi.
Đến Thảo Cầm Viên Sài Gòn, nơi có diện tích gần 33ha, được chia ra làm các khu cầm thú, cây cảnh, khu dành cho trẻ em và khu người lớn vui chơi. Ở mỗi khu đều gắn thùng rác, nhưng chúng tôi lại thấy rác bừa bãi, tràn lan trên thảm cỏ, lối đi. Nguyễn Thị Hoài (nhà ở Bình Thạnh), giải thích cho việc vứt rác ngoài thùng: “Ở đây ai cũng vậy chứ đâu phải riêng tôi. Vả lại, đến gần thùng rác hôi hám muốn chết...”
Tại công viên 30.4, trước cổng dinh Thống Nhất, phía bên đường Hàn Thuyên, quận 1, nào là báo, bịch nilông, vỏ trái cây... rải đều khắp công viên, dù ở đây không thiếu thùng đựng rác công cộng. Ông Phan Ngọc Hiền (một người dân thường xuyên tập thể dục ở công viên 30.4), bực tức: “Những chủ quán cà phê, hàng rong di động đã biến nơi đây thành bãi rác mất rồi”. Theo ông Hiền, từ sáng sớm đến chiều tối, công viên này đã trở thành quán “cà phê bệt”, khách đến lót báo ngồi, đi thì vứt lại cả giấy báo lẫn ly nhựa đựng cà phê, nhìn mà xốn mắt.
Đường Trương Định là một trong những tuyến đường điểm của TP.HCM, với đầy đủ các tiêu chí về môi trường như vỉa hè, cây xanh, thùng rác công cộng. Ở đường này, cứ cách khoảng 100m được gắn một thùng rác. Tuy vậy, con đường vẫn không sạch đẹp chút nào. Chạy dọc con đường Trương Định vào trưa ngày 11.9, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh “rác đi đường rác, thùng ngủ yên kệ thùng”. Tại một thùng rác gần góc ngã tư Trương Định – Ngô Thời Nhiệm (phường 6, quận 3), dù thùng rác trống trơn nhưng người dân lại bỏ rác ra đường. Khi chúng tôi hỏi tại sao có thùng rác mà không bỏ rác vào, bà T. (buôn bán gần thùng rác kể trên), gân cổ: “Chú đi mà vứt. Chuyện tôi làm tôi biết. Cần gì chú quan tâm. Đúng là đồ rỗi hơi...”
Điểm đến cuối cùng của chúng tôi là bến xe Miền Tây (phường An Lạc, quận Bình Tân). Tại khu vực quầy bán vé xe chất lượng cao, dù được trang bị đến hai thùng đựng rác, nhưng rác vẫn vô tư ngự trị bên ngoài. Còn bên trong bến xe thì hỡi ơi, rác được hành khách, tài xế, phụ xe vô tư quăng từ trên xe xuống.
Một bảo vệ ở bến xe Miền Tây, nói: “Thùng rác gắn đầy ra đó, nhưng ở đây họ muốn vứt rác ở đâu thì vứt. Khi nhắc nhở thì họ bảo, có lực lượng quét dọn ở bến xe để làm gì... Bó tay!”
Bao nhiêu cho đủ?
Theo báo cáo của sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, trong sáu tháng đầu năm 2009, thành phố đã lắp đặt được 1.879 và theo kế hoạch đến cuối năm 2009, đơn vị này sẽ tiến hành lắp đặt thêm 2.000 thùng rác công cộng. Đó là một tin vui đối với những nguời dân trên các tuyến đường sắp tới sẽ lắp đặt thùng rác.
Riêng với chúng tôi không tránh khỏi lo lắng: Liệu các thùng rác công cộng được gắn mới có phát huy hiệu quả như ở công viên Tao Đàn, đường Huyền Trân Công Chúa hay lại rơi vào tình trạng như đã xảy ra ở bến xe Miền Tây, đường Trương Định, công viên 30.4... Nếu như vậy thì gắn bao nhiêu thùng rác cho đủ?
(Theo SGTT)