Huyện Thanh Trì - một huyện thuộc khu vực ngoại thành TP. Hà Nội ngày càng "thay da đổi thịt" nhờ có quy hoạch đồng bộ, hạ tầng phát triển, định hướng phát triển lên quận trong tương lai gần. Thanh Trì vì thế trở thành một trong những điểm đến mới hấp dẫn của giới đầu tư bất động sản.
Hiện nay, huyện Thanh Trì đang được quy hoạch để trở thành đô thị phía Nam của Thủ đô Hà Nội; tập trung phát triển hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, giao thông đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy các cơ sở công nghiệp phát triển. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tổng quan về huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội trong những năm gần đây.
1. Vị trí địa lý và hành chính huyện Thanh Trì
Huyện Thanh Trì tọa lạc ở phía Đông Nam của Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm thành phố 10km về phía Nam. Vị trí địa lý của huyện như sau:
-
Phía Bắc giáp quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội với ranh giới là sông Tô Lịch.
-
Phía Nam giáp huyện Thường Tín và huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội.
-
Phía Đông giáp huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội và huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, ranh giới là sông Hồng.
-
Phía Tây giáp quận Thanh Xuân và quận Hà Đông, TP. Hà Nội.
Đất tự nhiên của huyện Thanh Trì có tổng diện tích 63,17km2. Quy mô dân số năm 2019 khoảng 274.347 người. Mật độ dân số đạt 4.343 người/km2. Với tốc độ đô thị hoá mạnh mẽ, huyện Thanh Trì được định hướng trở thành một quận của TP. Hà Nội.
Huyện Thanh Trì có 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm thị trấn Văn Điển (trung tâm của huyện) và 15 xã: Vĩnh Quỳnh, Yên Mỹ, Tứ Hiệp, Vạn Phúc, Tân Triều, Thanh Liệt, Tả Thanh Oai, Tam Hiệp, Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp, Liên Ninh, Đông Mỹ, Duyên Hà, Đại Áng, Hữu Hòa.
|
Huyện Thanh Trì nằm ở phía Đông Nam của TP. Hà Nội. Ảnh: Internet |
2. Kinh tế huyện Thanh Trì
Ngoài nông nghiệp, Thanh Trì có các làng nghề phát triển, nhất là nhóm ngành chế biến lương thực, thực phẩm. Cùng với các làng nghề truyền thống là làng nghề mới, nghề phụ như:
- Bánh đa, miến dong Duyên Hà
- Làm miến dong Hữu Hòa
- Có nghề nấu rượu Yên Ngưu (Tam Hiệp)
- Nghề nấu rượu làng Tó (Tả Thanh Oai)
- Gói bánh chưng Tranh Khúc (Duyên Hà)
- Rau sạch, rau an toàn Yên Mỹ, Vạn Phúc
- Làm nón Vĩnh Thịnh (Đại Áng)
- Nghề làm nón Lạc Thị (Ngọc Hồi)
- Nghề làm guốc mộc Yên Xá (Tân Triều)
- Mây tre đan xã Vạn Phúc
- Đan thúng Tự Khoát (Ngũ Hiệp)
- Sơn mài Đông Mỹ
- Làm, sửa khóa, lược sừng Tương Chúc (xã Ngũ Hiệp)
- Tái chế nhựa, lông vũ, tơ lụa Triều Khúc (Tân Triều)...
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp của huyện Thanh Trì khá phát triển với Nhà máy pin Văn Điển, Nhà máy phân lân Văn Điển, Nhà máy lắp ráp ô tô GM, Nhà máy đệm Hanvico, Khu công nghiệp Ngọc Hồi, Công ty May Thanh Trì...
Báo cáo của UBND huyện Thanh Trì tại kỳ họp thứ 4, nhiệm kỳ 2021 - 2026 cho biết, trong năm 2021, huyện đã hoàn thành vượt mức 2/3 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tăng 6,6%; thu ngân sách tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2020.
3. Văn hóa - giáo dục
Huyện Thanh Trì có bề dày phát triển và truyền thống văn hóa lâu đời. Hiện tại, huyện còn lưu giữ được 56 cụm di tích và di tích, đài tưởng niệm, 02 tượng đài... Thanh Trì có 02 làng khoa bảng: Làng Nguyệt Áng (xã Đại áng) và làng Tả Thanh Oai (xã Tả Thanh Oai). Nơi đây là quê hương của rất nhiều danh nhân văn hóa như Văn thế sư biểu Tiên Triết Chu Văn An.
Về giáo dục, huyện nâng cấp Trường THPT Ngô Thì Nhậm và THPT Ngọc Hồi, đồng thời xây dựng bổ sung 4 trường THPT mới trên địa bàn huyện, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định. Trường học các cấp tiêu biểu trên địa bàn huyện gồm có:
- Trường THPT Nguyễn Quốc Trinh
- Trường THPT Lương Thế Vinh
- Trường THPT Đông Mỹ
- Trường THPT Ngô Thì Nhậm
- Trường THPT Ngọc Hồi
- Trung tâm giáo dục thường xuyên Thanh Trì
- Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội
- Cao đẳng Cơ điện Hà Nội
- Trường Đại học Mở Hà Nội cơ sở Ngọc Hồi
- Trường quản lý cán bộ nông nghiệp Bộ Nông nghiệp
- Học viện Kỹ thuật mật mã
- Viện Điều tra quy hoạch rừng thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
- Viện Dược Liệu.
- Viện Quy hoạch rừng
- Viện khoa học Nông nghiệp
4. Y tế
Hệ thống các bệnh viện trên địa bàn huyện Thanh Trì được đầu tư, nâng cấp về mọi mặt từ cơ sở vật chất đến trang thiết bị y tế kỹ thuật để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn cũng như khu vực lân cận. Chuỗi bệnh viện lớn tại huyện Thanh Trì gồm: Bệnh viện Nội tiết Trung ương tại xã Tứ Hiệp; Bệnh viện Đa khoa Thăng Long, xã Tam Hiệp; Bệnh viện K cơ sở Tam Hiệp, xã Tam Hiệp; Bệnh viện K cơ sở Tân Triều; Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp trên đường Ngọc Hồi.
Cùng với đó là Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì và hệ thống các trạm y tế, phòng khám tư nhân ngày càng phát triển, nâng cấp phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân nơi đây.
>>> Xem thêm:
5. Quy hoạch giao thông huyện Thanh Trì
|
Cơ sở hạ tầng, giao thông huyện Thanh Trì ngày càng hoàn thiện và đồng bộ. Ảnh: Internet |
Có nhiều tuyến giao thông quan trọng kết nối liên vùng chạy qua địa bàn huyện Thanh Trì, đảm bảo giao thông đi lại thuận tiện, thông suốt cho người dân nơi đây. Các công trình giao thông được cải tạo, nâng cấp và xây mới, mang đến cho huyện hệ thống giao thông đồng bộ, diện mạo đô thị hiện đại.
-
Quốc lộ 1A chạy qua các xã Liên Ninh, Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp thuộc huyện Thanh Trì.
-
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (QL1A mới) chạy xuyên qua địa bàn huyện Thanh Trì tại các xã Liên Ninh, Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp.
-
Hệ thống đường gom dân sinh song song với đường cao tốc.
-
Đường sắt Thống Nhất chạy dọc theo QL1A.
-
Đường liên xã Vạn Phúc - Duyên Hà - Yên Mỹ.
-
Sông Hồng chảy men theo phía Đông huyện Thanh Trì qua các xã Vạn Phúc, Duyên Hà, Yên Mỹ.
- Các tuyến xe bus chạy qua địa bàn huyện gồm:
- Số 6A (Bến xe Giáp Bát - Cầu Giẽ)
- Số 6B (Bến xe Giáp Bát - Hồng Vân)
- Số 6C (Bến xe Giáp Bát - Phú Minh)
- Số 6D (Bến xe Giáp Bát - Tân Dân)
- Số 6E (Bến xe Giáp Bát - Phú Túc)
- Số 8A (Đông Mỹ - Long Biên)
- 08B (Long Biên Vạn Phúc)
- Số 12 (Công viên Nghĩa Đô - Đại Áng)
- Số 6A (Bến xe Giáp Bát - Cầu Giẽ)
- Số 62 (Bến xe Thường Tín - Bến xe Yên Nghĩa)
- Số 94 (Bến xe Giáp Bát - Kim Bài)
- Số 101 (Bến xe Giáp Bát - Vân Đình) chạy dọc theo quốc lộ 1A
- Xe 39 đến Bệnh viện Nội tiết TW
- Xe 99 Tự Khoát Ngũ Hiệp đến bến xe Kim Mã
- Xe 22B, 37, 106
- Các dự án đường sắt đô thị Hà Nội đi qua địa bàn huyện Thanh Trì:
- Tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên)
- Tuyến số 6 (Nội Bài - Ngọc Hồi)
- Tuyến số 7 (Mê Linh - Ngọc Hồi)
- Tuyến số 8 (An Khánh - Dương Xá)
Trong năm 2002, huyện Thanh Trì kiến nghị cải tạo, nâng cấp tuyến đường Ngũ Hiệp đi Đông Mỹ, cùng với đó nâng cấp, mở rộng đường Tựu Liệt và đường tránh Phan Trọng Tuệ (đoạn từ đường Phan Trọng Tuệ đến đường Ngọc Hồi). Mặt khác, triển khai dự án cầu qua sông Nhuệ, nối đường Liên Ninh - Đại Áng - Tả Thanh Oai với khu đô thị Cienco 5; cải tạo, nâng cấp đê Hữu Hồng và đê sông Nhuệ;
Ngoài ra, huyện cũng sẽ nâng cấp, mở rộng đường 70 (đoạn Hà Đông - Văn Điển), đường 70 (từ Văn Điển đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ), đường vành đai 3,5 (đoạn Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ), đường nối đường Chiến Thắng kéo dài đến đường Nguyễn Xiển - Xa La... Những điểm đột phá về hạ tầng khiến diện mạo đô thị của huyện ngày càng được nâng lên một tầm cao mới.
6. Phát triển đô thị
TP. Hà Nội đã và đang chủ trương quy hoạch huyện Thanh Trì thành đô thị phía Nam của Thủ đô với hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, giao thông đồng bộ và hiện đại, góp phần thúc đẩy các cơ sở công nghiệp phát triển.
Trên cơ sở Quy hoạch chung TP. Hà Nội đến năm 2030, huyện Thanh Trì đã xây dựng quy hoạch tổng thể tỷ lệ 1/5.000 đến năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2050. Cụ thể, quy hoạch huyện Thanh Trì chia thành 3 bộ phận chủ yếu.
|
Huyện Thanh Trì đang tích cực phấn đấu lên quận sớm nhất. Ảnh: Internet |
-
Quy hoạch đất ở huyện Thanh Trì
Đất ở tại huyện Thanh Trì có tổng diện tích khoảng 1049,83 ha (16,68%), gồm đất làng xóm và đất ở đô thị. Trong đó, đất làng xóm được quy hoạch với diện tích 906,26 ha (14,4%). Đất ở đô thị chiếm 143,57 ha (2,28%). Trên địa bàn huyện, nhà ở đô thị hiện tập trung tại khu vực dân cư thị trấn Văn Điển, các khu nhà ở tập thể của các cơ quan đơn vị trên địa bàn.
Diện tích đất dành cho giao thông lên tới 91,09 ha. Trong đó, đất đường bộ chiếm 81,04 ha, gồm hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường do thành phố quản lý, hệ thống đường liên xã, trục chính thị trấn Văn Điển, đường trong cụm công nghiệp Ngọc Hồi,... Đất đường sắt chiếm 10,05 ha gồm ga Văn Điển, hệ thống đường sắt quốc gia Bắc - Nam, đường sắt chuyên dùng,...
-
Quy hoạch đất canh tác nông nghiệp
Đất canh tác nông nghiệp tại huyện Thanh Trì có tổng diện tích 3.354,91 ha (53,32%). Ngoài ra còn có khoảng 701,67 ha diện tích mặt nước hiện đang được khai thác nuôi trồng thuỷ sản.
Trong những năm gần đây, diện mạo đô thị Thanh Trì ngày càng rõ nét bởi sự hiện diện của một số khu đô thị lớn như Khu đô thị Đại Thanh, xã Tả Thanh Oai; Khu đô thị Hồng Hà Park City; Khu đô thị Cầu Bươu; Khu đô thị Tây Nam Kim Giang; Khu đô thị Ngọc Hồi, Khu đô thị Tân Triều; Khu đô thị Tứ Hiệp; khu nhà ở Tổng cục V...
Về tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với Đề án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì thành quận, huyện có 1 xã đạt 19/19 tiêu chí; 14/15 xã cơ bản hoàn thành 18/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Đặc biệt, về tiêu chí xây dựng huyện thành quận, huyện Thanh Trì đã đạt 24/27 tiêu chí. Ba tiêu chí chưa đạt gồm: Cân đối thu chi ngân sách; mật độ đường giao thông đô thị và đất cây xanh công cộng. Về tiêu chí xã lên phường, huyện có 8/18 tiêu chí đạt, 10 tiêu chí chưa đạt.
Huyện Thanh Trì đặt mục tiêu lên quận vào năm 2023. Để đạt được điều đó, huyện phấn đấu tốc độ tăng thu ngân sách huyện bình quân từ 12 - 14%, tỷ lệ cân đối thu chi ngân sách của huyện đến năm 2023 đạt 99,8%. Đồng thời, huyện cũng đã xác định danh mục các dự án đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, giao thông,... với tổng kinh phí giai đoạn 2022 - 2025 vào khoảng 11.214 tỷ đồng.
7. Tình hình thị trường bất động sản huyện Thanh Trì
Với những lợi thế về giao thông hạ tầng đồng bộ, quỹ đất lớn và nhất là quy hoạch lên quận, huyện Thanh Trì là điểm đến mới đầy tiềm năng dành cho giới đầu tư bất động sản. Nhà đất Thanh Trì những năm gần đây trở nên hấp dẫn hơn, thu hút sự quan tâm của người mua để ở cũng như các nhà đầu tư địa ốc.
Kể từ khi công viên Chu Văn An được quy hoạch xây dựng, bất động sản vùng Tây Bắc huyện Thanh Trì càng thêm sôi động. Dự án công viên quy mô lên đến 55 ha, tọa lạc giữa hai trục đường huyết mạch là Vành đai 3 (Nguyễn Xiển) và Phan Trọng Tuệ (đường 70). Công trình gồm các hạng mục như hồ điều hòa, cây xanh, bảo tàng, khu tưởng niệm... tạo động lực thúc đẩy các dự án mới hình thành.
Tuy không có hiện tượng sốt đất nhưng thị trường khu vực phía Tây Bắc của huyện Thanh Trì từ lâu đã trở nên hấp dẫn, sôi động hơn khi tiếp giáp với các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông. Khu vực này đang hình thành các khu đô thị lớn như The Eden Rose, The Manor Central Park...
Những yếu tố như hạ tầng, giao thông ngày một hoàn thiện, định hướng lên quận đã khiến giao dịch nhà đất tại Thanh Trì thời gian qua khá nhộn nhịp. Số liệu thống kê cho thấy, mức giá đất trung bình ở Thanh Trì hiện khá cao, tiêu biểu như khu Tân Triều 77 triệu đồng/m2; khu Phan Trọng Tuệ 61,9 triệu đồng/m2; Kim Giang 65,4 triệu đồng/m2; Cầu Bươu 52,1 triệu đồng/m2...
Bất động sản huyện Thanh Trì còn nhiều tiềm năng phát triển nhờ lợi thế quỹ đất rộng lớn - điều kiện thuận lợi để quy hoạch, xây dựng các dự án khu đô thị, khu dân cư quy mô lớn, hiện đại.
Lam Giang (TH)
>> Tổng quan quy hoạch huyện Đông Anh dành cho người mua nhà, đất
>> Cập nhật thông tin quy hoạch huyện Gia Lâm, Hà Nội