Do nhiều khu vực có nền đất yếu, thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với tình trạng có nhiều căn nhà, thậm chí cả khu nhà lâm vào tình trạng nghiêng, lún...
Do nhiều khu vực có nền đất yếu, thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với tình trạng có nhiều căn nhà, thậm chí cả khu nhà lâm vào tình trạng nghiêng, lún... Đây là sự ám ảnh hàng ngày với cộng đồng dân cư xung quanh.
Điển hình cho tình trạng nghiêng, lún nứt này là ở phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Từ vài năm nay, người dân ở đây luôn phải “sống trong sợ hãi” khi mà nhiều căn nhà ở đây cùng đều bị lún, nứt với những vết tường nứt loang dài chạy dọc các ngôi nhà. Điều đáng nói là những vết nứt này khiến nhiều ngôi nhà bị nghiêng dựa vào nhau này có thể khiến cả khu đổ sập bất cứ lúc nào, đe dọa đến sự an toàn của người dân nơi đây.
Lo sợ về những rủi ro có thể xảy ra cho gia đình mình, chị Lâm Minh Yến, người dân sống trong hẻm 138 phường 26 thuộc khu nhà trên cho biết, đã nhiều lần làm đơn gửi các cơ quan chức năng từ phường đến quận để kêu cứu. Nhưng 2 năm qua, bức xúc của gia đình chị Yến và các hộ dân vẫn chưa được giải quyết.
Theo chị Yến, nếu không kịp thời sửa thì rất có thể có án mạng, mà "án mạng xảy ra thì nói để làm gì nữa. Người mà đã chết thì không còn gì để nói”.
Tiếp xúc với đại diện phường 26, ông Nguyễn Đức Dũng, phó chủ tịch UBND phường 26 quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết, thành phố chưa có cơ chế để giải quyết việc này nên rất mong sở Xây dựng đưa ra biện pháp để xử lý.
Được biết, UBND phường 26 đã nhiều lần mời 28 chủ hộ có nhà bị nghiêng để bàn phương án giải quyết. Tuy nhiên các chủ nhà cho biết không có tiền để xây lại. Trong khi đó, nếu cưỡng chế thì chính quyền không có kinh phí và cũng chưa có phương án sắp xếp, bố trí chỗ ở tạm cho người dân.
Đáng nói là câu chuyện lún nứt không chỉ là chuyện của riêng phường 26, mà còn của nhiều phường khác trên địa bàn thành phố. Theo chuyên gia xây dựng Trương Phú Cường, chủ tịch hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng, ngoài quận Bình Thạnh, trên địa bàn TP.HCM còn có Quận 7, huyện Nhà Bè có chân đất yếu, dễ xảy ra tình trạng nhà nghiêng lún sau khi xây dựng. Mặt khác, khi cấp phép xây dựng, cơ quan chức năng chỉ chú ý các tiêu chí về kiến trúc mà không đánh giá đầy đủ về kết cấu xây dựng và năng lực của đơn vị thi công.
"Chúng ta nên tăng cường năng lực quản lý, khả năng kĩ thuật, năng lực thật sự của các đơn vị thiết kế thi công, đặc biệt là đối với doanh nghiệp thi công nhỏ và vừa tư nhân. Với năng lực hạn chế, các đơn vị sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình rất nhiều", ông Cường khẳng định.
Không chỉ làm xấu hình ảnh đô thị hiện đại, điều đáng ngại nhất với những văn hộ nghiêng lún này là nó đang tạo ra cảm giác bất an và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người dân. Thế nhưng với những cái khó bó cái khôn như hiện nay, không biết đến khi nào những khối nhà nghiêng như thế này mới được xử lý và không gian sống yên bình trở lại với người dân.
(Theo VTV)