Các dự án chống ngập thi nhau ra đời, kinh phí mỗi dự án hàng tỉ USD nhưng thiếu sự đồng bộ, hiệu quả chống ngập thấp.
Các dự án chống ngập thi nhau ra đời, kinh phí mỗi dự án hàng tỉ USD nhưng thiếu sự đồng bộ, hiệu quả chống ngập thấp.
Vấn đề ngập nước ở TPHCM được đưa lên bàn nghị sự từ năm 2001 với dự án đầu tiên có tên JICA (còn gọi là dự án 752), được Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2001. Theo đó, dự án xây dựng cống kiểm soát ngăn triều cục bộ và san nền, chủ yếu tập trung vào việc giải quyết tiêu thoát nước do mưa và xử lý nước thải cho vùng nội thành. Năm 2003, dự án được triển khai nhưng hiện nay các nhà khoa học “nghi ngờ” vì còn nhiều bất cập, không bền vững.
Đua nhau ra đời
Bảy năm sau khi dự án JICA ra đời, một dự án mới được đề xuất với tên gọi dự án kiểm soát triều (còn gọi là dự án 1547, được Chính phủ phê duyệt tại QĐ-TTG ngày 15/10/2008, do Bộ NN-PTNT đề xuất). Dự án này xây dựng 12 cống ngăn triều với khoảng 170 km đê bao, đang trong giai đoạn thiết kế và chuẩn bị thi công, kinh phí từ 2-3 tỉ USD. Theo thiết kế, dự án chia TP thành ba tiểu vùng để chống ngập. Vùng A nâng cấp hệ thống thoát nước và công trình chống ngập. Vùng B cải tạo hệ thống kênh rạch và sân nền cục bộ các địa điểm cao trình trên +2.0 m và vùng C áp dụng các biện pháp phi công trình. Tuy vậy, dự án này đang bị “lên án” gay gắt vì không thực tế.
Trong khi dự án 1547 đang thực hiện thì năm 2011, Bộ NN-PTNT lại trình thêm một dự án mới có tên là đê biển Vũng Tàu - Gò Công, dài hơn 30 km, kinh phí khoảng 1 tỉ USD, do Tổng cục Thủy lợi miền Nam đề xuất dựa trên ý tưởng của GS.TS Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, mục đích là chống lụt và ngập úng cũng như các tác động từ biển cho toàn bộ khu vực TPHCM và vùng Đồng Tháp Mười. Ngoài nhiệm vụ giảm ngập úng, giảm xâm nhập mặn, dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công còn tạo sự liên kết giữa các tỉnh ĐBSCL với Vũng Tàu và các tỉnh vùng Nam Trung Bộ… Hiện dự án này đang trong giai đoạn thiết kế và hoàn chỉnh để đưa vào thực hiện nhưng cũng đang bị các nhà khoa học phản đối vì kinh phí quá lớn, hiệu quả không cao và có nguy cơ phản tác dụng.
Ngoài các dự án trên, mới đây có thêm dự án ngăn triều trên sông Soài Rạp do GS.TS Nguyễn Tất Đắc, Viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý môi trường - Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, đề xuất. Dự án này về cơ bản nhằm khép kín hoặc khép kín một phần sông Đồng Nai. Công trình ngăn triều trên sông Soài Rạp bao gồm hệ thống đê khép kín, một số cống ngăn triều nhằm bảo vệ TPHCM thoát khỏi nguy cơ ngập do triều cường.
Nhiều bất cập, chồng chéo
Theo PGS.TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu TPHCM, các dự án trên chỉ mang tính tham khảo. Dự án JICA mới chỉ dừng lại ở việc nâng cấp hệ thống cống thoát nước vốn đã lạc hậu trước đây nhưng chưa lường được tần suất xuất hiện và lượng mưa hằng năm gia tăng, số lượng ngập triều cũng tăng; nguy cơ lũ ở thượng nguồn, nước biển dâng do sự tác động của biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa…Về dự án 1547, theo ông Phi, với việc thi công 12 cống ngăn triều lớn và 170 km đê bao, chi phí có thể trên 3 tỉ USD (vượt quy hoạch ban đầu hơn 6 lần) nhưng dự án lại chưa tính đến, hiện TP đang lún sụt với tốc độ 2-3 cm mỗi năm (gấp 3 lần so với mức độ dâng của nước biển).
Theo nhiều nhà chuyên môn, sự ra đời của dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công thực chất đang phủ định lại dự án 1547 đã được Chính phủ phê duyệt. Như vậy, các dự án thiếu hẳn sự đồng bộ, mâu thuẫn giữa các giải pháp, đang có sự chồng chéo giữa các ý tưởng tổng thể. Tất cả các dự án hiện đang được nghiên cứu đều thiên về giải pháp công trình với mức độ bảo vệ hữu hạn, thiếu linh động trong việc xử lý khi xảy ra biến cố thiên tai.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục Quản lý Xây dựng công trình - Bộ NN-PTNT, cho biết hiện có quá nhiều dự án chống ngập chồng chéo nhau. Để tránh sự lãng phí cho ngân sách Nhà nước, Bộ NN-PTNT sẽ tiến hành xem xét từng dự án, nếu khả thi, phù hợp với thực tế sẽ đề xuất lên Thủ tướng.
Cần có giải pháp riêng
Theo ý kiến của một số chuyên gia, TPHCM cần phải tìm ra giải pháp riêng, có thể tham khảo các công trình đê biển ở châu Âu vì thích hợp với điều kiện Việt Nam, không nên bê nguyên đê biển Saemangeum của Hàn Quốc như dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công vào áp dụng cho TP, vừa áp đặt vừa khó bền vững vì thiếu thực tế; địa hình khu vực ven biển Vũng Tàu - Gò Công lại có nền móng xấu, lượng phù sa dày từ 30-40 m, chịu lực kém dẫn đến sụt lún.
Còn ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng TPHCM nên làm “nhạc trưởng”, xét thấy giải pháp nào tối ưu, phù hợp với điều kiện của TP thì lựa chọn. Tránh tình trạng thực hiện dàn trải gây trùng lắp, lãng phí.
|
(Theo NLĐ)