Nước thải sẽ không còn đổ trực tiếp ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mà được thu gom, xử lý rồi bơm ra sông Sài Gòn.
Nước thải sẽ không còn đổ trực tiếp ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mà được thu gom, xử lý rồi bơm ra sông Sài Gòn.
“Trong tháng 7 sẽ chính thức vận hành trạm bơm công suất 64.000 m3/giờ (đặt ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh) để giải quyết vấn đề ô nhiễm từ nguồn nước thải sinh hoạt và góp phần chống ngập cho lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè”. Ông Phan Châu Thuận, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM, lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè, cho biết.
Ngăn nước bẩn đổ ra kênh
Theo ông Thuận, khi trạm bơm vận hành, toàn bộ nước thải sinh hoạt của 1,2 triệu người dân các quận 1, 3, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình không còn đổ trực tiếp ra kênh Nhiêu Lộc -Thị Nghè. Lượng nước này sẽ được thu gom vào hệ thống cống bao 3.000 mm (dài gần 9 km, chạy dọc con kênh) để đưa về trạm bơm. Trên tuyến cống bao có 59 công trình xả tràn để kiểm soát nước mưa và nước thải.
“Các công trình xả tràn có nhiệm vụ thu gom toàn bộ nước thải và một phần nước mưa từ tuyến cống cấp 2 và 3 của lưu vực Nhiêu Lộc -Thị Nghè. Nó còn có tác dụng ngăn không cho nước chảy ngược vào hệ thống cống thoát nước cấp 2 và cấp 3 khi triều lên” - một cán bộ của Ban Quản lý Dự án giải thích.
Ông Thuận cho biết thêm toàn bộ lượng nước thải, nước mưa thu gom sẽ được thau rửa bằng nước triều trước khi đưa về trạm bơm. Tại trạm bơm sẽ có cửa lược rác và nước thải tiếp tục được khử mùi trước khi bơm ra sông.
Không để ô nhiễm sông Sài Gòn
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TP.HCM (đơn vị chịu trách nhiệm vận hành trạm bơm), hiện thủy triều trên sông Sài Gòn chỉ thau rửa được đoạn kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè ở hạ nguồn. Còn lượng nước ô nhiễm tù đọng (gọi là nước chết) ở thượng nguồn không thể thoát ra ngoài. “Do đó, hai công trình rút nước chết của dự án (giếng S0 và S15) sẽ làm nhiệm vụ thu gom lượng nước này vào tuyến cống bao 3.000 mm để đưa về trạm bơm, bơm ra sông” - một cán bộ của Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị nói.
Câu hỏi đặt ra: “Việc thu gom và bơm nước chết ở kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè ra sông Sài Gòn có gây ô nhiễm cho con sông này?”. Ông Phan Châu Thuận khẳng định: “Lượng nước tù đọng không phải thu gom ngay một lúc mà được lấy từ từ trong một thời gian dài. Trong quá trình thu gom, nước được đưa về trạm bơm bằng dòng chảy không áp lực nên cũng sẽ thau rửa từ từ. Khi đến trạm bơm, nước được tiếp tục khử mùi nên chắc chắn sẽ giảm thiểu ô nhiễm trước khi bơm ra sông”.
Ông Thuận cũng thông tin những ngày qua trạm bơm đã vận hành thử nghiệm. Kết quả lấy mẫu phân tích đã xác định chất lượng nước ở sông Sài Gòn tại cửa xả Nhiêu Lộc-Thị Nghè sạch hơn so với trước đây. “Tuy nhiên, chúng tôi không chủ quan mà đã có phương án theo dõi, lấy mẫu thường xuyên để kiểm soát chất lượng nước thải bơm ra sông cũng như vấn đề mùi hôi có thể phát sinh. Nếu có sự cố chúng tôi sẽ có giải pháp xử lý kịp thời” - ông Thuận nói.
Đánh giá “sức khỏe sinh thái” dòng kênh
Liên quan đến chất lượng nước thải lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè, kỹ sư Đỗ Thị Bích Lộc, nguyên cán bộ Viện Sinh học Nhiệt đới, chủ nhiệm đề tài Đánh giá ô nhiễm bằng phương pháp sức khỏe sinh thái, cho biết: Trong năm 2008-2009, nhóm thực hiện đề tài đã xác định chất lượng nước sông Sài Gòn tại cửa xả Nhiêu Lộc-Thị Nghè ô nhiễm nhất trong năm khu vực được khảo sát trên sông Sài Gòn.
Bà Lộc cho biết thời gian tới sẽ đề xuất Sở KH&CN TP.HCM tiếp tục thực hiện đề tài để đánh giá hiệu quả của dự án trên. Theo bà Lộc, phương pháp “sức khỏe sinh thái” là cách tiếp cận mới về vấn đề đánh giá ô nhiễm nguồn nước. Thay vì lấy mẫu nước phân tích, nhóm nghiên cứu sẽ phân tích mẫu của bốn nhóm sinh vật ở khu vực chịu ảnh hưởng của nguồn nước thải. Kết quả nghiên cứu về đa dạng sinh học của hệ sinh vật trên sẽ giúp đánh giá được “sức khỏe sinh thái” của dòng kênh cũng như ở cửa sông Sài Gòn.
|
(Theo PLTPHCM)