Để giảm ùn tắc giao thông, ngành giáo dục TP HCM đã
chỉnh lệch giờ học từ nhiều năm nay và khẳng định biện pháp này có hiệu
quả nhưng chỉ ở trước cổng trường.
Để giảm ùn tắc giao thông, ngành giáo dục TP HCM đã chỉnh lệch giờ học từ nhiều năm nay và khẳng định biện pháp này có hiệu quả nhưng chỉ ở trước cổng trường.
Từ năm 2003, UBND TP HCM chủ trương điều chỉnh giờ làm, giờ học để giảm ùn tắc giao thông. Thành phố đã giao cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) lấy ý kiến các sở ngành để xây dựng đề án, nhưng sau đó không được HĐND thông qua.
4 năm sau, UBND TP HCM tiếp tục đề xuất phương án này để chống kẹt xe song vẫn không được chấp thuận.
Tuy nhiên phương án này lại được Sở GD&ĐT TP HCM đồng thuận nên đã áp dụng lệch giờ học 15-30 phút giữa các cấp.
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác chính trị học sinh - sinh viên của Sở, cho biết việc điều chỉnh giờ học để giảm áp lực giao thông cho thành phố là cần thiết. Vì vậy, từ 5 năm nay Sở GD&ĐT áp dụng cho cấp tiểu học và THPT vào học lúc 7h sáng, cấp THCS sau đó 15 phút và cũng muộn hơn từng đó thời gian đối với cấp mầm non. Trong khi đó giờ ra về buổi chiều giữa các cấp có sự chênh lệch lớn hơn, có thể tới 90 phút. Trong cùng một trường, các khối cũng có giờ vào hay tan học lệch nhau.
Nhiều người cho rằng chênh lệch 15 phút là quá ít, sẽ không hiệu quả. Tuy nhiên ông Huy khẳng định: "Sau nhiều năm thực biện pháp này hiệu quả, ùn ứ tại các cổng trường giảm đáng kể. Việc tập trung đông trước cổng trường chỉ xảy ra vài phút, không gây kẹt xe như trước".
Cùng quan điểm, ông Lê Hồng Sơn, Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho biết Sở khuyến khích các trường căn cứ vào thực tế của địa phương, chủ động điều chỉnh giờ học cho hợp lý, nhất là những trường thuộc các tuyến đường trọng điểm.
Là đơn vị chủ chốt trong dự án này, Sở LĐTB&XH cho biết đã hoàn thành đề án và chuyển cho Ban an toàn giao thông thành phố xem xét nhưng vẫn chưa được thực hiện. Đơn vị này cũng đề nghị Sở GD&ĐT, Ban quản lý các khu công nghiệp - chế xuất và UBND các quận nội thành xem xét điều chỉnh để giảm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trung Tâm, Chánh văn phòng Sở LĐTB&XH cho hay họ đã gặp phải sự không đồng thuận từ Ban quản lý các khu công nghiệp - chế xuất vì tình hình thực tế chưa cần thiết phải bố trí lệch giờ làm. Nhiều nơi đã bố trí giờ làm theo ca kíp riêng, phân bổ công nhân đồng đều, giờ giấc tăng ca và ra về cũng lệch nhau... nên không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Sở LĐTB&XH cho biết thời gian tới sẽ kết hợp với ngành giáo dục tìm hiểu, bố trí lệch giờ sao cho khoa học và phù hợp thực tế hơn. Riêng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước cần chấp nhận điều chỉnh giờ làm để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông. Ngoài ra cũng cần xem xét phương án di dời các trường đại học, cao đẳng ra ngoại thành để giảm lượng người giao thông vào giờ cao điểm tại khu vực nội thành.
"Nếu kết hợp nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường sá, xóa sổ nhiều công trình xây dựng chiếm lòng đường... thì việc bố trí lệch giờ sẽ giảm ùn tắc tại TP HCM", một đại diện Sở này cho hay.
Ông Đặng Văn Khoa (nguyên đại biểu HĐND TP HCM) cho biết đề án trên đã được đưa ra nhiều lần khi ông còn làm trong Hội đồng. Ông không đánh giá cao việc áp dụng lệch ca tại trường học và sở làm để giảm kẹt xe bởi việc thay đổi này tối đa cũng chỉ lệch được từ 45 phút đến 1h.
"Chẳng lẽ một gia đình mà con đi học về lúc 17h, mẹ 18h, còn bố một tiếng sau mới về nhà thì còn gì là gia đình. Theo tôi biện pháp này là lợi bất cập hại", ông Khoa nói.
Phân tích thêm, ông Khoa cho rằng việc áp dụng lệch giờ, lệch ca không thể thực hiện tùy tiện mà phải nghiên cứu nghiêm túc trên cơ sở khoa học, điều tra tâm lý xã hội. Bởi khi điều chỉnh giờ giấc như thế sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội với hàng triệu con người.
Ngoài ra, ông Khoa cũng cho rằng, đô thị lớn như TP HCM và Hà Nội không chỉ đông đúc vào giờ cao điểm mà các giờ khác lượng người giao thông cũng rất cao (70-80%). Nếu bớt được 15-20% trong giờ cao điểm và tăng ở những khung giờ khác thì hiệu quả cũng chẳng là bao.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP HCM, 6 tháng đầu năm 2011 thành phố đã xảy ra 30 vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút. Số vụ ùn tắc tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2010.
Ông Đậu An Phúc, Trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông vận tải TP HCM cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là lượng xe cá nhân tiếp tục tăng nhanh, trong khi hạ tầng giao thông của thành phố chưa theo kịp nhu cầu.
(Theo VnExpress)