Quyết định phê duyệt lộ giới của UBND TP.HCM mới nhất vào năm... 1999. Trên dưới 15 năm nay, người dân ở mặt tiền nhiều con đường khổ sở bởi nhà nằm trong quy hoạch lộ giới.
Quyết định phê duyệt lộ giới của UBND TP.HCM mới nhất vào năm... 1999. Trên dưới 15 năm nay, người dân ở mặt tiền nhiều con đường khổ sở đủ điều bởi cái “án” nhà nằm trong quy hoạch lộ giới.
Mới đây, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các quận huyện rà soát quy hoạch lộ giới, hẻm giới (lộ giới đường rộng dưới 12m). Lộ giới, hẻm giới nào không khả thi, không phù hợp thực tế, UBND các quận huyện đề nghị điều chỉnh hoặc tự điều chỉnh. Trường hợp giữ lại thì phải xác định quyền lợi của người dân về đất đai trong phạm vi lộ giới, hẻm giới.
Cắn răng chịu hoặc lén sửa
Đường Trần Cao Vân (Q.Phú Nhuận) được quy hoạch lộ giới 12m từ năm 1995 trong khi hiện hữu con đường này chỉ rộng 6-8m. Gần 20 năm nay, nhiều căn nhà mặt tiền đường này chịu cảnh “chết đứng” vì quy định phải giữ nguyên hiện trạng nhà thuộc quy hoạch lộ giới.
Nhà ông Phạm Cung, số 26 Trần Cao Vân, có 2/3 diện tích “dính” lộ giới. Căn nhà gồm tầng trệt và gác giả đã hơn 30 tuổi, sàn gác giả bong ra, đi lại rón rén vẫn kêu cót két nhưng chủ nhà phải sử dụng nguyên trạng. Nhiều lần lo quá, ông Cung đi khắp nơi xin sửa nhà nhưng đều bị lắc đầu bởi quy định nhà đất thuộc lộ giới thì “không xây, không sửa”. “Nhà nước vẽ lộ giới rồi treo quyền lợi của người dân từ mười mấy hai chục năm nay, dân làm sao chịu nổi” - ông Cung bức xúc.
Ông Lê Quang Vinh ở 171 Nguyễn Xí (P.26, Q.Bình Thạnh) còn lâm vào tình trạng dở khóc dở cười hơn. Căn nhà cấp 4 của ông xây năm 1983 có trần cao 4,2m. Toàn bộ căn nhà nằm trong lộ giới của đường Nguyễn Xí nên bị “cấm vận” xây sửa luôn từ đó. Trong khi mặt đường khu vực này được cải tạo nâng cao dần nên nhà ông Vinh trở thành điểm chứa nước. Ban đêm, ông vác từng bao đất nhỏ về nâng nền nhà để UBND phường không phát hiện.
Từ năm 1993 đến nay, mặt đường đã được nâng cao lên 6 tấc, ông Vinh phải lén nâng nền nhà mình lên đến bốn lần, cao hơn 1,8m so với lúc mới xây. Hiện tại chiều cao căn nhà chỉ còn 2,4m. Ông Vinh ngao ngán: “Hiện giờ, nhà tôi mà có ngập nước cũng đành chịu vì hết chỗ để nâng nền rồi. TP ngày càng nóng hầm hập, nhà thì cứ thấp lại, con cái ngày càng lớn nên chật cứng mà cũng đành chịu”. Không chỉ nhà ông Vinh, hầu hết các nhà khác trên đường Nguyễn Xí đều phải chịu cảnh khổ tương tự. Suốt từ năm 1998 đến nay, những nhà mặt tiền đường không được xây dựng mới nên cứ lụp xụp dần, người dân vá víu nhà bằng đủ loại vật liệu tạm bợ.
Tỉnh lộ 10 được quy hoạch lộ giới 40m từ năm 1998. Hiện con đường này rộng 13m nên nhà dân hai bên đường còn bị lộ giới “ăn” vô khoảng 13m nữa. Nhiều nhà mặt tiền thuộc Q.Bình Tân bị lộ giới “ăn” gần hết chiều dài. Người dân chỉ được phép xây tạm kiôt ở mặt tiền đường bằng vật liệu nhẹ để buôn bán, nên hàng quán, cơ sở ở mặt tiền con đường này nhếch nhác, xấu xí. Chị Nhung, chủ một quán ăn trên tỉnh lộ 10, tâm sự muốn xây nhà vài tầng để nâng cấp quán ăn, thu hút khách sang trọng để có doanh thu cao hơn nhưng nhà nằm trong lộ giới nên đành chịu. Mà muốn bán đất để đến nơi khác làm ăn cũng không dễ vì giá đất trong quy hoạch thấp quá, không đủ vốn để làm ăn ở nơi mới.
Lộ giới: bất hợp lý và khó thực hiện
Việc quy định lộ giới, hẻm giới là để xác định chỉ giới xây dựng cho nhà dân nhằm tránh thiệt hại lớn khi Nhà nước thực hiện quy hoạch mở rộng đường, hẻm. Tuy nhiên nhiều con đường, con hẻm có lộ giới, hẻm giới quá lớn nên khó thực hiện được trong thực tế. Trong khi hẻm giới (UBND các quận huyện quản lý) liên tục được điều chỉnh thì lộ giới các con đường rộng hơn 12m (do UBND TP quản lý) lại “bất biến” từ năm 1998 đến nay.
Mới đây, UBND Q.Phú Nhuận xin điều chỉnh giảm lộ giới một số tuyến đường khi trình đồ án quy hoạch 1/5.000 của quận để UBND TP phê duyệt. Theo ông Nguyễn Thành Phương - trưởng Phòng quản lý đô thị Q.Phú Nhuận, có những nguyên nhân như đường hiện hữu nhỏ mà lộ giới quá lớn, chỉ phục vụ giao thông cho một bộ phận dân cư tại chỗ, không liên quận nên không có nhiều người đi lại và điểm quan trọng là chính quyền không có khả năng tài chính để mở đường. Vì vậy, cần phải giảm lộ giới để giảm thiệt thòi quyền lợi người dân. Cụ thể như đường Nguyễn Thị Huỳnh hiện hữu chỉ từ 4-8m nhưng được quy hoạch lộ giới đến 16m, UBND Q.Phú Nhuận kiến nghị giảm lộ giới còn 6-12m. Đường Trần Hữu Trang được đề nghị giảm lộ giới từ 16m xuống còn 12m...
UBND Q.1 cho biết cũng đã đề xuất UBND TP điều chỉnh lộ giới một số tuyến đường như Nguyễn Trung Ngạn, Bùi Thị Xuân nối dài... Tuy nhiên, do một số khu vực của quận này nằm trong vùng điều chỉnh quy hoạch khu trung tâm 930ha của TP nên việc đề xuất điều chỉnh lộ giới chưa có kết quả. Phòng quản lý đô thị Q.Bình Tân cho biết hiện nay tỉnh lộ 10 đã quá tải nhưng Nhà nước không đủ tiền để mở rộng đường. Đường Tân Kỳ Tân Quý lộ giới 30m cũng phải mở để giải tỏa ùn tắc giao thông nhưng chưa thấy cơ quan chức năng có kế hoạch mở rộng.
Ông Nguyễn Hoài Nam, phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc, cho biết cần rà soát để tránh tình trạng quy hoạch lộ giới, hẻm giới không phù hợp kéo dài làm thiệt thòi cho người dân. Khi làm quy hoạch lộ giới, Nhà nước đưa ra phương án tối ưu để bảo đảm giao thông cho đô thị. Thời gian qua, có nhiều trường hợp lộ giới quá rộng, không hợp lý nên không thể thực hiện được trong thực tế. Một số trường hợp cần mở rộng đường nhưng chưa có kinh phí để mở... Vì vậy, các quận huyện cần rà soát, nếu thấy cần điều chỉnh thì cứ mạnh dạn đề xuất.
Đề xuất cho xây nhà 3 tầng trong lộ giới
Trong phạm vi sửa đổi quyết định 68 về cấp giấy phép xây dựng, Sở Xây dựng TP.HCM đã đề xuất cấp phép tạm tối đa ba tầng cho nhà trong lộ giới muốn xây dựng mới, cấp phép tạm tối đa hai tầng cho nhà trong hẻm giới muốn xây dựng mới. Cơ quan chức năng phải ghi nhận hiện trạng nhà cũ để có cơ sở giải quyết bồi thường cho dân khi Nhà nước thu hồi đất mở rộng đường. Chủ nhà phải cam kết tự tháo dỡ và không đòi bồi thường phần nhà mới xây dựng.
|
(Theo TTO)