Người dân TP.HCM đã trải qua nhiều lần chỉnh sửa, thay đổi số nhà nhưng việc tìm nhà vẫn là vấn đề nan giải.
Người dân TP.HCM đã trải qua bao lần phải chỉnh sửa, thay đổi số nhà. Những phiền toái, hỉ nộ nay vẫn còn dây dưa, không chỉ ở cảnh loanh quanh tìm nhà có khi cạn cả bình xăng chưa ra.
Sắp tới, một dự thảo về điều chỉnh số nhà khác (Sở Xây dựng TP.HCM đang hoàn chỉnh) sẽ được trình UBND TP để áp dụng...Chưa rõ nền tảng của kế hoạch thay đổi số nhà này là gì, nhưng ngay lập tức dấy lên nhiều lo ngại việc điều chỉnh số nhà đại trà sẽ gây xáo trộn các sinh hoạt, giao dịch của người dân, khi phần lớn các giấy tờ liên quan hiện nay mang số cũ.
10 căn nhà cùng mang số 16!
Đường Cửu Long (đoạn từ Trường Sơn đến ngã ba Yên Thế, Q.Tân Bình) dài khoảng 200m với vài trăm căn nhà. Trước đây số nhà ở tuyến đường này khá lộn xộn, nhưng gần đây đã được thay bằng số mới dễ tìm hơn. Nhưng chỉ có dãy bên trái được thay bằng số mới hoàn toàn, dãy bên phải vẫn số cũ, số mới lẫn lộn. Đầu đường là số 2, 4, 6, rồi 6A3, 6A, 6B, 8, 16, 18, 10, 10A, 14, 24, 24A, 12A, 12B, 32...
Đoạn còn lại kéo dài đến đường Yên Thế cũng tương tự, thậm chí có nhà mặt tiền nhưng lại đeo bảng số xuyệc (phiên âm từ chữ sur (tiếng Pháp) nghĩ là trên). Ngoài một vài bảng số nhà có ghi cả số cũ và số mới, phần lớn các nhà chỉ ghi số cũ hoặc chỉ ghi số mới khiến cho người tìm số nhà hoa cả mắt.
Đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn thuộc quận 1, quận 3 cũng “rối tung rối mù” với những người muốn tìm số nhà. Nằm ngay góc đường Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai có mười căn nhà nhưng tất cả cùng mang số 16. Đối diện khu nhà trên, đoạn từ ngã sáu Phù Đổng đến ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai có đến... tám nhà mang số 89.
Cũng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn từ ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai chạy về hướng Điện Biên Phủ (bên trái đường), thuộc phường 4, quận 3 là một dãy số được đánh “lộn tùng phèo”, khiến người tìm không biết mình đang đi ngược hay đi xuôi, cũng không thể hình dung được số nhà nào cũ, số nào mới.
Trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh), chúng tôi toát mồ hôi hột khi đi tìm số nhà 726A. Đó thật sự là một “mê hồn trận” với việc cạnh nhà số 700 là nhà số... 564, lần theo một đoạn đến nhà số 714 thì tắc tị vì bên cạnh đó là nhà số... 576A. Loanh quanh mãi cuối cùng người viết cũng tìm ra... hai căn nhà treo số 726A Xô Viết Nghệ Tĩnh. Hỏi Phòng quản lý đô thị Q.Bình Thạnh, cán bộ phòng giải thích cách để phân biệt hai căn nhà này là gọi bằng “726A bên phải” và “726A bên trái” (!?).
Khu cũ: Ê mình tìm nhà theo số
“Ở quận Bình Thạnh mà đi tìm số nhà thì ê mình” - tài xế xe ôm Võ Ngọc Vân, đậu xe ở ngã tư Nguyễn Xí - quốc lộ 13, than thở. Ông chỉ ba căn nhà nằm liên tiếp nhau phía bên phải quốc lộ 13: nhà số 9 nằm cạnh nhà số 16 rồi tiếp đến nhà số 553A4 ngay mặt tiền đường và lý giải: số nhà có chữ A là số từ lâu, sau một đợt đổi số nhà, nhà phía bên phải đường được mang số lẻ, nhà bên trái mang số chẵn, nhà mang số 9 là số nhà còn từ đợt này. Lần đổi số gần đây nhất, Nhà nước làm ngược lại: nhà bên trái đường mang số lẻ, nhà bên phải mang số chẵn, nhà mang số 16 là mới nhất.
Theo lời các chủ nhà thì UBND quận đã cấp số mới cho tất cả những căn nhà ở đây, chủ nhà cũng đã phải đổi địa chỉ trong các loại giấy tờ có liên quan. Tuy nhiên, do địa chỉ cửa hàng đã có từ lâu, khách hàng đã quen nên họ vẫn giữ lại số nhà cũ. Còn số mới chỉ có... chính quyền biết và để trong giấy tờ cũng chỉ để làm việc với Nhà nước. Đây cũng là lý do mà nhiều căn nhà ở các tuyến đường khác thuộc quận 3, Tân Bình... dù đã được cấp số nhà mới nhưng vẫn ngại treo.
Trên một đoạn đường Quang Trung (Q.Gò Vấp), số nhà tăng lên, giảm xuống không theo thứ tự nào: nhà số 393 và số 399 liền kề nhau, nhà số 353 đứng liền với nhà số 237 rồi đến nhà số 351... Rồi hàng loạt nhà mặt tiền có “số hẻm” như Trường THCS Quang Trung mang số 73B/563 đường Quang Trung, hoặc một dãy số nhà như 35/5, 35/7, 35/9... Cạnh đó, số nhà trên đường Nguyễn Oanh cũng rối không kém. Nhà số 6 nằm liền kề với nhà số 12-14, nhà số 3 Nguyễn Oanh nằm cách đầu đường Nguyễn Oanh gần 500m, cạnh số nhà 31...
Từ cuối năm 2006 đến nay, ở các quận, huyện ngoại thành như quận 12, Gò Vấp, Thủ Đức... nhiều khu dân cư mới mọc lên nhưng chính quyền chưa kịp hoặc không cấp số nhà vì cho rằng khu vực xây dựng tự phát, nhà không đủ điều kiện cấp chủ quyền. Nhưng do nhu cầu điện, nước, đi lại, giao dịch dân sự, ở nhiều khu dân cư, người dân tự đánh số nhà, một số nơi lại do... cơ quan điện lực đặt số để dễ quản lý đồng hồ điện, có nơi lại là cảnh sát khu vực cho số nhà để tiện quản lý trật tự.
Ở một số khu dân cư, khu quy hoạch treo, trưởng khu phố cũng tham gia đánh số nhà cho dân trong khu phố của mình để tiện bề quản lý.
Đó là chưa kể mỗi nơi đánh số nhà theo mỗi kiểu khác nhau: có nơi dùng chữ A, B, C kèm theo số nhà, có nơi thích dùng chữ “ter”, có nơi lại thích dùng chữ “bis”, “kép” để kèm theo số... và không hề theo một quy tắc nào.
Khu mới: Đánh số như... ở làng
Những tưởng sang các khu đô thị mới hiện đại, tình hình sẽ “văn minh, dễ hiểu” hơn, nhưng ở đây hóa ra lộn xộn không kém. Nếu như ở nông thôn, về các làng, người ta thường lấy quán nước, cây đa làm điểm mốc để chỉ đường cho khách đến nhà thì người dân trong các khu dân cư mới ở phường 13 (quận Bình Thạnh) nay cũng phải chỉ đường cho khách bằng những dấu mốc như chùa Diệu Pháp, quán cà phê Phố Mới, công viên, quán nhậu....
“Vô Đường Trục, chạy đến quán nhậu Tư Râu, rẽ phải đi tới công viên Kim Sơn, nhà tôi quay mặt ra công viên” - bà Lê Thị Ánh Nguyệt chỉ dẫn cách đến nhà mình trong khu tái định cư của Công ty Kim Sơn (phường 13, quận Bình Thạnh) với số được cấp là 118/6 Đường Trục. Nếu tìm căn nhà này theo cách bình thường (vô hẻm 118 của Đường Trục rồi đến nhà số 6) thì sẽ... vô phương, bởi chưa có một căn nhà nào trong khu dân cư này quay mặt ra hẻm 118.
Tại khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (quận 7), trước đây số nhà đánh theo khu như S40-1 Hưng Vượng 2, SA9-1 Mỹ Khánh, R4-39 Mỹ Toàn 2..., người từ nơi khác tới đây muốn tìm địa chỉ phải hỏi thăm khu đó rồi từ từ lần ra địa chỉ. Để tìm một số nhà có khi phải hỏi qua dăm ba người nữa. Gần đây Q.7 đã thay đổi số nhà bằng cách đánh số theo tuyến đường, nhưng thực tế vẫn còn nhiều nhà mang bảng số cũ, chưa đổi số mới khiến việc tìm số nhà tại đây chẳng khác tìm lối ra trong mê cung.
Còn tại nhiều khu đô thị mới thuộc quận 2, số nhà vẫn mang tên lô đất theo cách chia của chủ đầu tư dự án trước đây. Chẳng hạn số nhà tại khu dân cư 17,3ha, thuộc P.An Phú có địa chỉ mang số 311K10, 311-L8, 311-M2 Lương Định Của, K22 khu dân cư 17,3ha...
Nghiên cứu của một công ty tin học cho thấy qua khảo sát trên 1.000 người dân tại TP.HCM, trung bình mỗi tháng họ gặp khó khăn 3,9 lần trong việc tìm địa chỉ. Lãnh đạo công ty trên cho rằng ngoài việc mất thời gian khi tìm số nhà, người dân còn phải tốn tiền điện thoại (hỏi số nhà), chi phí (xe chạy lòng vòng tốn xăng)... Còn với doanh nghiệp chở hàng thì thiệt hại sẽ lớn hơn. Khi kinh tế phát triển, nhu cầu đi lại, giao dịch càng nhiều thì thiệt hại do tìm số nhà càng lớn.
Sẽ điều chỉnh số nhà ra sao?
Từ thời Pháp, số nhà trên các đường phố Sài Gòn được đánh theo hướng từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, lấy sông Sài Gòn, kênh Tàu Hủ, Bến Nghé làm chuẩn và đánh theo dãy số tự nhiên liên tục, bên trái đường mang số lẻ, bên phải mang số chẵn.
Năm 1998, UBND TP.HCM ban hành quyết định 1958 về cấp số nhà và chỉnh sửa số nhà trên địa bàn TP và áp dụng cho đến năm 2006. Theo đó, vẫn giữ nguyên cách đánh số như thời Pháp, nhưng bỏ các chữ bis, ter... sau các số nhà. Riêng các khu phát triển mới như quận 2, 7, 9, Thủ Đức, huyện Nhà Bè... số nhà được đánh theo hướng nam - bắc, tây - đông.
Năm 2006, Bộ Xây dựng ban hành quyết định 05 về đánh và gắn biển số nhà. Quy định này có một số điểm khác so với quyết định 1958 của UBND TP về hướng đánh số nhà đã áp dụng trước đó. Sau đó, Sở Xây dựng TP trình UBND TP hướng điều chỉnh số nhà trên địa bàn TP. Sau nhiều lần góp ý, UBND TP đã yêu cầu áp dụng thí điểm ở một số địa bàn để nghiệm thu và đánh giá kết quả trước khi ban hành để triển khai đại trà trên toàn TP.
Sau khi thí điểm và thu hoạch kết quả vào năm 2010, cuối năm 2011, Sở Xây dựng tiếp tục trình UBND TP dự thảo về đánh và gắn biển số nhà trên địa bàn TP.
Theo dự thảo quy chế điều chỉnh và gắn biển số nhà, việc điều chỉnh số nhà ở khu dân cư cũ tùy thuộc vào từng khu vực.
Cả TP chia làm ba nhóm:
- Nhóm các quận, huyện: 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Hóc Môn, một phần Bình Tân, Bình Chánh, Củ Chi đánh số nhà tăng dần (bên trái mang số lẻ, bên phải mang số chẵn) theo hướng đông - tây, nam - bắc và lấy kênh Đôi, kênh Tẻ làm chuẩn.
- Nhóm khu đô thị bên trái sông Sài Gòn gồm quận 2, 9, Thủ Đức, đánh số nhà theo hướng tây - đông, nam - bắc và sông Sài Gòn, một phần sông Đồng Nai làm chuẩn.
- Nhóm khu đô thị hướng về phía Nhà Bè: quận 7, 8, một phần Bình Tân, một phần các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, đánh số nhà theo hướng đông - tây, bắc - nam. Trong đó quận 8 lấy gốc chuẩn là sông Sài Gòn và kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ, Rạch Nhảy. Các quận huyện: 7, Bình Tân, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh lấy gốc chuẩn là sông Sài Gòn và kênh Đôi, kênh Tẻ.
Những khu dân cư mới thì đánh số nhà theo quyết định 05 năm 2006 của Bộ Xây dựng theo hướng bắc - nam, đông - tây, đông bắc - tây nam, đông nam - tây bắc.
|
(Theo TTO)