Hơn nửa năm nay kể từ khi bến đò An Lợi Đông (phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM) giải thể, nhiều người dân ở đây vẫn chưa hết bức xúc.
Hơn nửa năm nay kể từ khi bến đò An Lợi Đông (phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM) giải thể, nhiều người dân ở đây vẫn chưa hết bức xúc khi công cuộc mưu sinh của họ bỗng dưng rơi vào bế tắc.
Tay trắng
Theo quy hoạch của thành phố, phường An Lợi Đông là 1 trong 3 phường thuộc quận 2 bị giải tỏa trắng. Theo đó, bến đò An Lợi Đông thuộc phường An Lợi Đông cũng ngưng hoạt động kể từ ngày 20/12/2011.
Ngày trước, tại bến đò này có 54 chiếc đò hoạt động thuộc HTX bến đò An Lợi Đông, trong đó có khoảng 3/4 lái đò là nữ. Những người phụ nữ đưa đò ở An Lợi Đông này đều có một điểm chung là ai cũng nghèo, phải chạy ăn từng bữa. Có người còn phải mang trên vai gánh nặng nuôi mẹ già, con cái bệnh tật trong khi chồng mất sớm.
Những con đò từ bến An Lợi Đông trước đây chuyên chở công nhân từ quận 2 qua làm việc tại KCX Tân Thuận (quận 7), công nhân làm việc tại các ụ tàu trên cảng Sài Gòn và người dân quận 2 đi chợ Sài Gòn.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Nga (42 tuổi) bán nước giải khát trên bến đò cho biết: Lúc còn đò, khu này nhộn nhịp lắm, vui lắm. Khách đi đò đông đúc lại thêm có xí nghiệp đông lạnh kế bên bến đò, người dân họp chợ bán cho công nhân và người đi đò. Thời đó buôn bán khá lắm, chứ không vắng vẻ như bây giờ.
Rời bỏ những ngày nhộn nhịp, sung túc, bến nước, con đò An Lợi Đông nhường chỗ cho quy hoạch đô thị hóa. Bến đò An Lợi Đông ngày nay đang chờ triển khai dự án trong một khung cảnh bình yên, tĩnh lặng.
Nhưng ít ai biết, bên dưới vẻ bình yên đó, từng đợt “sóng ngầm” vẫn đang âm ĩ vỗ bờ. Cùng với quy hoạch chung, các hộ gia đình phải di dời. Trong đó có rất nhiều hộ gia đình đưa đò phải vào nhà tạm trú. Chỉ trong một thoáng, bến đò giải thể, nhà giải tỏa, họ đang trở thành những người trắng tay không nghề nghiệp, không nhà.
Tương lai mờ mịt
Chị Huỳnh Thị Kim Hiệp (46 tuổi) kể trong nước mắt, chị và hai con đang sống trong khu tạm cư ở An Phú (quận 2). Chồng chị bị khối u đầu tủy lá gan, đã qua đời từ cuối năm trước. Sau khi bến đò giải thể, một mình chị với hai bàn tay trắng trong khi phải nuôi hai đứa con đang tuổi đi học.
“Mái nhà che coi như tạm ổn, ba bữa ăn cũng không quá khó, ba mẹ con gói gém cũng qua ngày. Nhưng nặng là hai đứa con đều đang đi học. Nhà lại xa trường, ngoài tiền học còn tiền chi phí đi lại, tiền ăn trưa. Nhưng không lẽ cho tụi nó nghỉ học!”, chị ngậm ngùi chia sẻ.
Những ngày qua, do quá túng quẫn, chị mang đò ra bến tiếp tục đưa khách bất chấp lệnh cấm. Biết là sai, nhưng ở cái tuổi 46 với một người phụ nữ quanh năm chỉ gắn mình với bến nước, con đò quận 2, chị biết làm gì khác để lo ba bữa cơm, để con cái tiếp tục được đến trường.
“Mấy ngày nay đưa đò lại, không thấy bên đường sông họ nói gì. Chắc họ cũng biết, mình khổ quá, nên cũng không nỡ bắt. Từ hồi có cầu, có hầm, khách đi đò cũng vắng rồi. Ngày có khách thì cũng kiếm được tiền chợ, tiền học, không khách coi như không có tiền bù vào khoản chi phí đi lại, học hành cho con”.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Thúy được truyền từ nghề lái đò từ mẹ. Một mình chị đưa đò nuôi hai đứa con đang đi học và mẹ già, đứa con nhỏ mắc bệnh nhiễm trùng máu, thận ứ nước, đã nhiều lần phải nhập viện. Đời sống lúc còn đưa đò đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.
Chị Thúy cho biết: “Ngày báo tin giải thể bến đò, trên phường có hứa sẽ trao đổi ngành nghề, tìm công việc làm cho chị em. Nhưng đã 6 tháng nay, các chị em trên bến đò này đều phải "tự bơi" và cũng chưa có ai tìm được việc làm ổn định. Dạo trước, phường có chọn khoảng 10 chị em ở độ tuổi 40 xuống khu dạy nghề quận 2 học làm móng tay, gội đầu. Nhưng học rồi cũng để đó. Thử hỏi ở cái tuổi như tụi tui, tiệm gội đầu nào chịu nhận vô làm. Mà mở tiệm riêng thì làm gì có vốn mà mở”.
Chị Lê Thị Hoa (41 tuổi) vẫn còn ấm ức câu chuyện giải thể bến đò: “Nhắc tới bến đò là chị giận lắm! Lúc giải thể, làm hồ sơ nhận tiền hỗ trợ cũng phải làm đi làm lại gần chục lần. Có người chỉ được nhận hỗ trợ 3 triệu đồng. Mà chị em có muốn thắc mắc, muốn nói lên nguyện vọng được bố trí công ăn việc làm thì cũng không ai nghe”.
Cũng như bao chị em khác tại bến đò An Lợi Đông, chị Hoa chỉ hy vọng được bố trí vào chợ, buôn bán nhỏ hoặc một công việc nào đó để ổn định cuộc sống. “Quy hoạch Nhà nước thì chúng tôi sẵn sàng làm theo, nhường đất để xây dựng. Nhưng chỉ thiết tha rằng, hãy quan tâm tới đời sống của người dân!”, chị Hoa thay lời những tài đò tại bến đò An Lợi Đông, nói.
Trả lời PV việc chuyển đổi ngành nghề cho các tài đò sau khi bến đò An Lợi Đông giải thể, đại diện UBND phường An Lợi Đông cho biết, bên hội phụ nữ có giới thiệu các chị lên trung tâm dạy nghề quận 2 để theo học một số nghề như: thêu, may gia công, làm móng, phục vụ… Sau khi đào tạo, trung tâm sẽ cấp giấy chứng nhận và sẽ giới thiệu việc làm. Nhưng các chị đều bỏ học ngang giữa chừng nên không được cấp giấy chứng nhận để xin việc.
(Theo Infonet)